IIB muốn đầu tư tích cực hơn tại Việt Nam

IIB muốn đầu tư tích cực hơn tại Việt Nam

(ĐTCK) Trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) lần thứ 104, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, sau thời kỳ gặp nhiều khó khăn do những biến động về địa chính trị của các nước thành viên, IIB đã cải tổ hoạt động của mình bằng việc cùng Việt Nam triển khai một chiến lược quốc gia mới.

Cụ thể, IIB đã tập trung cấp các khoản vay thông qua ngân hàng bản địa nhằm tăng khả năng tiếp cận tài chính của các DN nhỏ và vừa, cũng như tìm kiếm thêm đối tác quốc tế để hỗ trợ khoản vay cho các dự án về cơ sở hạ tầng, thương mại và lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.

“Đây là những minh chứng rõ ràng cho thấy sự tham gia tích cực của IIB trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam”, Thống đốc Bình nói.

Được biết, trong thời gian tới, IIB đang xúc tiến để có thể tham gia tài trợ các dự án lớn của Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng.

Dự kiến, IIB sẽ tham gia đồng tài trợ dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 với tổng mức vốn tham gia khoảng 100 triệu USD. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực ngoại thương, IIB dự kiến tăng cường hoạt động tài trợ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển hợp tác kinh tế đối ngoại của Việt Nam.

Đồng thời, trong lĩnh vực huy động vốn, IIB đang đề xuất được phát hành trái phiếu tại Việt Nam, theo đó, nguồn vốn huy động sẽ được sử dụng để tài trợ và đầu tư lại cho các dự án tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế Việt Nam một cách bền vững

Thống đốc nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao và xin bày tỏ lòng biết ơn đối với sự ủng hộ và quan tâm đặc biệt của IIB đối với Việt Nam trong thời gian qua”.

Không phải ngẫu nhiên Thống đốc NHNN đã có một chia sẻ chân tình như vậy, bởi nếu nhìn lại thời gian trước khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nguồn tài chính phát triển của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng trong suốt một thời gian dài, giúp Việt Nam duy trì được mức đầu tư và mức tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, đầu tư cao không còn tạo ra được tăng trưởng ở mức độ tương xứng như trước nữa và Chính phủ Việt Nam đã phải kiềm chế đầu tư để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn mà các luồng tài chính phát triển sẽ bị hạn chế nhiều so với trước đây.

Điều này đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả đầu tư, thông qua áp dụng cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn trong sử dụng đầu tư công và các giải pháp chính sách để thu hút những nguồn tài chính phát triển khác.

Một nghiên cứu do các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đã cho thấy, các khoản cho vay từ khu vực ngân hàng của Việt Nam từ năm 2006 đến năm 2012 đã tăng 5 lần, trong khi tổng tín dụng tăng từ mức 39% GDP năm 2000 lên 115% năm 2010, nhưng lại giảm xuống còn 84% năm 2013.

Từ khi Chính phủ thực hiện các giải pháp kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng đã sụt giảm mạnh, gây tác động lớn đến khu vực tư nhân. Các DN tư nhân trong nước chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ hoặc là DN một chủ, bị hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn thương mại.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế: “Tổng đầu tư của các DN tư nhân Việt Nam đã tăng nhanh hơn so với khối DN nhà nước và DN FDI nên cần một lượng vốn mới cho các ngân hàng nhằm đáp ứng các nhu cầu của khu vực này”.

Ông Nikolay Kosov, Chủ tịch Ban Lãnh đạo IIB cho biết, Việt Nam đã nhận những luồng vốn đầu tư của IIB và cụ thể là trong năm 2013, sau một thời gian dài hầu như không có hoạt động tại Việt Nam, IIB đã cho VietinBank vay một khoản 15 triệu euro. Hiện tổng dư nợ của IIB vào Việt Nam chiếm 5%, nhưng việc IIB và BIDV ký thỏa thuận vay vốn trị giá 20 triệu USD với thời hạn 5 năm để tài trợ cho các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam đã nâng tổng dư nợ lên 9%.

“Việt Nam sẽ là điểm đến tiềm năng, cần được khai thác của chúng tôi”, ông Peter Selivanov, Giám đốc điều hành Ngân hàng VEB ASIA nói.

Tại Hội nghị, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) chia sẻ, mặc dù các ngân hàng đã tích cực giải quyết nợ xấu trong năm 2015 nhưng nợ xấu vẫn tồn tại. Bởi vậy, các ngân hàng nhiều khả năng vẫn phải có lộ trình xử lý tiếp nợ xấu tồn đọng trước đây trong năm 2016 và 2017.

Tuy có khó khăn như vậy, nhưng thực tế cho thấy, ngân hàng là một thành phần trong nền kinh tế, khi kinh tế phát triển tốt các ngân hàng sẽ được hưởng lợi. Hiện tại, DN Việt Nam đang chứng khiến những tín hiệu khởi sắc hơn và đây là cơ hội tốt để các ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh.

Như vậy, việc đón luồng vốn từ các khu vực tài chính phát triển khác sẽ hỗ trợ cả khu vực ngân hàng cũng như DN mở rộng kinh doanh trong năm 2016.             

IIB là tổ chức tài chính quốc tế được thành lập năm 1970 trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ Kinh tế (Khối SEV cũ). Các nước thành viên hiện nay của IIB gồm: Bungari, Hungary, Việt Nam, Cuba, Mông Cổ, Rumani, Nga, Séc và Slovakia. Nhiệm vụ chính của IIB là cho vay trung và dài hạn phục vụ các chương trình và dự án đầu tư tại các nước thành viên. 

Tính đến ngày 31/10/2015, vốn điều lệ của IIB là 1,3 tỷ euro, trong đó phần thực góp của các nước là 302,61 triệu euro. 

Trong những năm gần đây, IIB đã nỗ lực tái cơ cấu một cách mạnh mẽ nhằm chuyển đổi Ngân hàng thành một ngân hàng phát triển hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, khôi phục vị thế và cải thiện quan hệ hợp tác với các nước thành viên.

Sau một thời gian triển khai, những nỗ lực cải cách của IIB đã đạt được các kết quả ban đầu đáng ghi nhận cả về cơ cấu tổ chức, nhân sự và hoạt động. IIB hiện đã nhận được các mức xếp hạng tín nhiệm thuộc nhóm đầu tư, cụ thể BBB-, triển vọng ổn định (Fitch); BAA1, triển vọng ổn định (Moody’s); và A, triển vọng ổn định (Dagong). 

IIB ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các quốc gia và tổ chức trên thế giới với việc một số ngân hàng đã xin tham gia với tư cách quan sát viên. Đặc biệt là Hungary, quốc gia thành viên rút khỏi IIB năm 1999, đã xin khôi phục tư cách thành viên và trở lại Ngân hàng đầu năm 2015.

Việt Nam gia nhập IIB năm 1977. Tính đến ngày 1/8/2015, mức vốn điều lệ cam kết của Việt Nam tại IIB là 4,7 triệu euro, trong đó phần vốn thực góp của Việt Nam tại IIB là 3,67 triệu euro, tương đương 1,21% tổng vốn điều lệ thực góp của Ngân hàng. Cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam tại IIB là NHNN Việt Nam.

Trong khoảng thời gian trước năm 1990, IIB đã tài trợ cho Việt Nam 10 dự án với tổng trị giá khoảng 40 triệu euro để hỗ trợ thực hiện các dự án tái thiết và phát triển kinh tế trong bối cảnh nước ta gặp rất nhiều khó khăn thời kỳ hậu chiến. Trong giai đoạn từ năm 1990 trở đi, khi hoạt động của IIB gặp nhiều khó khăn, quan hệ tín dụng giữa Việt Nam và IIB phần nào bị ảnh hưởng và hạn chế.

Tin bài liên quan