Huy động vốn bằng USD vẫn tăng

Huy động vốn bằng USD vẫn tăng

(ĐTCK) Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm xuống mức thấp nhất còn 0,25% đối với cá nhân và 0% đối với tổ chức, nhưng huy động vốn bằng USD vẫn tăng.

Chị Trần Linh Anh (Q.5, TP. HCM) cho hay, ở giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2010, lãi suất tiết kiệm tiền đồng cao từ 12-15%/năm, chị chọn gửi VNĐ và mua một ít vàng. Còn hiện nay, khi lãi suất tiết kiệm tiền đồng giảm sâu, trong đó có cả tiền gửi ngoại tệ, nhưng trước xu hướng tỷ giá dự báo còn áp lực khi Fed tăng lãi suất, nên chị vẫn gửi tiết kiệm VNĐ và mua một ít ngoại tệ. Riêng với vàng trong vùng giá hiện nay chị chưa vội mua.

“Vẫn biết gửi ngoại tệ lúc này không còn lãi suất, nhưng nếu tỷ giá tăng thêm 1-2% trong thời gian tới thì tính ra không lỗ, trong khi tôi còn gửi cả tiết kiệm VNĐ”, chị Anh nói.

Theo báo cáo của UBND TP. HCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Thành phố ước đến cuối tháng 11/2015 đạt hơn 1.505,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cuối 2014, tăng 16,7% so với cùng kỳ và tăng 1,09% so với tháng trước. Cụ thể, vốn huy động bằng nội tệ đạt 1.270 nghìn tỷ đồng, chiếm 84% tổng vốn huy động, tăng 12,18% so với cuối 2014; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 235,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% tổng vốn huy động, tăng 11,05% so với cuối 2014.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, từ tháng 8/2015 đến nay, huy động VNĐ và cả USD đều tăng. Số liệu được đưa ra từ Cục Thống kê TP. HCM trước đó cũng cho thấy, huy động vốn của các NHTM trên địa bàn đến đầu tháng 10/2015 tăng 2,8% so với tháng trước đó và tăng 19,4% so với tháng cùng kỳ 2014.

Huy động vốn bằng USD vẫn tăng ảnh 1

Cũng theo ông Minh, tỷ lệ vốn huy động bằng USD lại tăng cao hơn so với VNĐ. Cụ thể, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 16% trong tổng vốn huy động, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn huy động bằng VNĐ chiếm 84% tổng vốn huy động, tăng 18,7% so với tháng cùng kỳ 2014.

Một trong những lý giải cho hiện trạng trên là sức ép tỷ giá dần nóng lên trong thời điểm quý IV/2015. Giám đốc Bộ phận đầu tư cổ phiếu của một Công ty quản lý quỹ nước ngoài tại TP.HCM cho rằng, tâm lý của khách hàng (KH-kể cả nhà đầu tư và người tiêu dùng) vẫn đang kỳ vọng sẽ có một đợt điều chỉnh tỷ giá rất gần, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực sự tăng lãi suất trong kỳ họp vào giữa tháng 12 này.

Tuy chưa ai dám khẳng định được việc Fed tăng lãi suất trong tháng này, song với thông điệp của Chủ tịch Fed Jannet Yellen đưa ra, việc nâng lãi suất sớm sẽ giúp cho Fed tránh việc lãi suất tăng bất ngờ, tác động đến các thị trường khác, nhất là với chứng khoán, đã khiến cho dự đoán khả năng tăng lãi suất cơ bản của đồng USD gần như chắc chắn.

Điều này đã tác động tích cực lên đồng bạc xanh, nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ lên tỷ giá VNĐ/USD. Cũng theo vị Giám đốc trên, sở dĩ nguồn vốn huy động tiền gửi bằng USD vẫn tăng là do nhiều người chưa muốn “buông” USD, cho dù phía NHNN khẳng định, sẽ ổn định tỷ giá và không có thêm một đợt điều chỉnh nào trong năm 2015. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm ngoái, khi vừa kết thúc năm tài chính 2014, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1%. Do đó, có không ít hoài nghi chu kỳ này sẽ lặp lại, nhất là khi Fed tăng lãi suất.

So với lãi suất tiền gửi VNĐ, nếu KH cá nhân gửi tiết kiệm USD, lãi suất được hưởng rất thấp, chỉ có 0,25%/năm cho tất cả các kỳ hạn. Còn với tổ chức (DN) tiền gửi USD lãi suất chỉ bằng 0%. Trong khi đó, nếu gửi tiết kiệm tiền đồng, KH sẽ được hưởng mức lãi suất cho kỳ hạn ngắn 1-3 tháng từ 4,5-5,5%/năm và từ 6,5-7%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tín dụng ngoại tệ tại địa bàn TP. HCM ước đến cuối tháng 11/2015 đạt 146 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,32% tổng dư nợ, giảm 11,26% so với cuối năm 2014, nhưng hiện cầu mua ngoại tệ thanh toán cuối năm vẫn cao.

Vì thế, các chuyên gia lĩnh vực tiền tệ cho rằng, gửi tiết kiệm VNĐ lúc này KH vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương khi lạm phát cả năm 2015 được kiểm soát ở mức thấp 2-3%. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, gửi tiết kiệm tiền đồng vẫn có lợi vì tỷ giá khó có biến động lớn.

Mặt khác, với áp lực huy động tiền gửi tiết kiệm hiện nay, khả năng lãi suất huy động tiết kiệm tăng chỉ là vấn đề thời gian. Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 12/2015 vừa được HSBC đưa ra cho thấy, áp lực lạm phát khá nhẹ, có nghĩa là NHNN có cơ hội giữ lãi suất ổn định trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, khi đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế có khả năng tiếp tục trong những quý tới, HSBC dự báo lạm phát sẽ tăng trở lại vào cuối năm 2016, ở mức 4,9% so với cùng kỳ. Theo đó, HSBC dự báo mức tăng lãi suất đầu tiên 0,5% sẽ diễn ra vào quý III/2016, nâng mức lãi suất thị trường mở OMO lên 5,5%.

Thực tế, áp lực tăng tỷ giá cùng với cầu về ngoại tệ tăng trong những tháng trước Tết Nguyên đán, khiến nhiều ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn bằng USD để đáp ứng nhu cầu này. Tại một số NH, ngoài việc áp mức trần lãi suất 0,25%/năm đối với cá nhân gửi ngoại tệ, còn tặng thêm quà và biên độ lãi suất cho khách hàng. Cụ thể, tại Eximbank, ngoài mức lãi suất 0,25%/năm, ngân hàng này tặng thêm áo mưa, nón bảo hiểm khi gửi tiền bằng USD.

Thực tế hiện nay, nhu cầu vốn vay bằng ngoại tệ luôn có, song do chính sách của NHNN hạn chế, nên không phải DN nào cũng tiếp cận được nguồn vốn bằng đồng ngoại tệ. Mặt khác, trước biến động tỷ giá dự báo vẫn còn, nên DN cũng ngại sử dụng vốn vay USD, bởi lo rủi ro biến động tỷ giá.

Tín dụng ngoại tệ tại địa bàn TP. HCM ước đến cuối tháng 11/2015 đạt 146 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,32% tổng dư nợ, giảm 11,26% so với cuối năm 2014, nhưng hiện cầu mua ngoại tệ thanh toán cuối năm vẫn cao. Lãnh đạo một NH cho hay, cầu ngoại tệ thanh toán cuối năm thường là tăng.

Tin bài liên quan