HSBC: PMI đã giảm còn 50,7 điểm trong tháng 3/2015

HSBC: PMI đã giảm còn 50,7 điểm trong tháng 3/2015

(ĐTCK) Hôm nay, ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với công ty Markit Economics công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 3/2015 cho thấy đã giảm tiếp còn 50,7 điểm trong tháng 3 nhưng vẫn báo hiệu có sự cải thiện về điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.

Theo Báo cáo, nhân tố chính làm cải thiện các điều kiện kinh doanh gần đây là cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tiếp tục tăng. 

Các thành viên nhóm khảo sát cho biết số lượng đơn đặt hàng mới cao hơn là nhân tố chính dẫn đến tăng sản lượng, trong khi nguyên vật liệu sẵn có hơn cũng góp phần cho tăng trưởng.

Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng trong tháng 3, mặc dù mức tăng chỉ là khiêm tốn và là chậm nhất kể từ tháng 10/2014. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng sau khi giảm trong tháng trước. Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy giá cả cạnh tranh đã giúp các công ty có nhiều đơn đặt hàng hơn từ nước ngoài.

“Khi tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới tổng thể giảm và sản lượng tăng, các nhà sản xuất đã có thể giải quyết được lượng công việc tồn đọng trong tháng. Hơn nữa, tốc độ giảm trong tháng 3 là nhanh nhất kể từ tháng 9/2014”, Báo cáo nhận định

Sau khi đã tăng trong suốt thời kỳ sáu tháng trước, việc làm trong ngành sản xuất ở Việt Nam đã giảm trong tháng 3. Tuy nhiên, mức giảm việc làm cũng chỉ là nhỏ. Các công ty cho biết việc thiếu hụt nhân công đã dẫn đến giảm hiệu suất hoạt động của người bán hàng trong tháng, khi thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã bị kéo dài lần đầu tiên kể từ tháng 9/2014.

Chi phí đầu vào tiếp tục giảm mạnh chủ yếu là do giá nhiên liệu giảm, trong khi những mặt hàng khác như thép vẫn được báo cáo giảm giá. Chi phí đầu vào đã giảm trong suốt 5 tháng qua. Các công ty tiếp tục chuyển chi phí đầu vào giảm sang cho khách hàng thông qua giảm giá đầu ra. Giá cả đầu ra đã giảm trong tất cả các tháng kể từ tháng 10/2014, nhưng lần giảm gần đây là chậm nhất trong thời kỳ 4 tháng.

Báo cáo cho rằng, hoạt động mua hàng tiếp tục tăng theo mức tăng của sản xuất, từ đó kéo dài thời kỳ tăng trưởng hiện nay thành 19 tháng. Tuy nhiên, mức tăng mua hàng hóa đầu vào trong tháng chỉ là nhỏ, từ đó góp phần làm giảm mạnh tồn kho hàng hóa sau sản xuất.

Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm, và mức giảm là mạnh nhất kể từ tháng 6/2014. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết việc giao hàng cho khách hàng là nguyên nhân làm hàng tồn kho giảm, sau khi tăng nhẹ vào tháng 2.

Andrew Harker, chuyên viên kinh tế cao cấp của Markit nói: “Lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh vào thời điểm cuối quý I, khi các công ty bảo đảm có được số lượng đơn đặt hàng mới lớn hơn từ cả khách hàng trong nước và nước ngoài. Giá cả hàng hóa giảm trên thị trường thế giới tiếp tục góp phần làm giảm giá đầu vào, và nhờ đó các nhà sản xuất có thể chuyển giao phần chi phí tiết kiệm được sang cho khách hàng”.

Tin bài liên quan