Hội nhập ngành ngân hàng: Cơ hội song hành thách thức

Hội nhập ngành ngân hàng: Cơ hội song hành thách thức

(ĐTCK) Tại Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Bộ Khoa học và công nghệ đồng chủ trì cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức với ngành dịch vụ tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng tại Việt Nam.

Những tác động tích cực

Đề cập đến những lợi ích đối với ngành ngân hàng khi hội nhập kinh tế quốc tế, TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, mạng lưới hệ thống ngân hàng được mở rộng với sự tăng lên của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Quy mô vốn của các ngân hàng trong hệ thống cũng tăng nhanh nhờ vào việc tìm kiếm đối tác chiến lược quốc tế. Áp lực cạnh tranh từ các ngân hàng nước ngoài buộc các NHTM trong nước phải đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế hoặc hợp tác với ngân hàng nước ngoài.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài làm gia tăng mức độ cạnh tranh và sự lành mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng trong nước…

Còn TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Ủy viên HĐQT BIDV nêu quan điểm, hệ thống tài chính ngân hàng cạnh tranh và mở cửa là hệ thống tài chính tốt nhất cho phát triển và tăng trưởng kinh tế... Hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng, ngoài việc cho phép các ngân hàng nước ngoài cạnh tranh trong một sân chơi công bằng, còn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong nước thâm nhập vào thị trường quốc tế…

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài làm gia tăng mức độ cạnh tranh và sự lành mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng trong nước…

“Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tạo ra động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới và nâng cao tính minh bạch, tính tự chịu trách nhiệm, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng”, TS. Thanh chia sẻ.

TS. Phan Hồng Mai, Viện Ngân hàng-Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: “Hội nhập quốc tế thúc đẩy cơ hội tăng trưởng của hệ thống ngân hàng do quá trình sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp trong nước trở nên sôi động hơn… Bên cạnh đó là cơ hội tiếp cận công nghệ quản trị tiên tiến, vốn đầu tư, nhân lực chất lượng cao”. 

Thách thức…

Song hành với những cơ hội khi hội nhập tài chính quốc tế, theo Nhóm nghiên cứu Vietcombank, là những rủi ro kinh tế vĩ mô luôn hiện hữu.

Một là, dòng vốn đổ vào Việt Nam có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng quá mức, gây áp lực tăng giá nội tệ và lạm phát, mở rộng tổng cầu và tác động đến các biến số vĩ mô khác dẫn đến chệch hướng, không phù hợp, hoặc thiếu nhất quán với các mục tiêu chính sách của Nhà nước như tỷ giá ổn định, tăng trưởng xuất khẩu.

Hai là, dòng vốn đổ vào cũng khiến cho giá tài sản tài chính, bất động sản và các tài sản khác tăng, góp phần tăng thêm mất cân đối cơ cấu kỳ hạn và loại tiền của bảng cân đối của ngân hàng và doanh nghiệp, gây nguy cơ nợ xấu gia tăng. Thị trường tài chính vì thế mà càng trở nên dễ tổn thương.

"Hội nhập đòi hỏi các NHTM phải có một nguồn nhân lực không chỉ có chuyên môn cao về nghiệp vụ ngân hàng, mà còn phải am hiểu Luật Thương mại quốc tế và được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá và dự báo…" - TS. Minh Anh

Ba là, dòng vốn đảo chiều cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dòng vốn có thể đảo chiều ồ ạt dẫn tới hao hụt dự trữ ngoại hối và đồng nội tệ mất giá, kích hoạt các tác động kép theo, gây ra bất ổn và trong một số trường hợp là khủng hoảng tài chính.

TS. Nguyễn Vân Hà, Khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Ngân hàng chia sẻ, các NHTM Nhà nước có thể giữ được thị phần của mình trong một thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng, nhưng về lâu dài khó có thể duy trì được nếu đặt dưới sự sở hữu tập trung của Nhà nước. Vì vậy, các NHTM Nhà nước nếu không được chuyển sang hoạt động hoàn toàn trên cơ sở cạnh tranh, sự phát triển của hệ thống ngân hàng sẽ bị hạn chế và Chính phủ sẽ phải gánh chịu những hậu quả phát sinh từ hoạt động kém hiệu quả của các ngân hàng này.

Đối với TS. Trịnh Minh Anh, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế, sức ép không nhỏ đến hệ thống ngân hàng Việt Nam đó là, với tiềm lực tài chính nhỏ bé, chất lượng tài sản thấp, danh mục sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn… đã tạo ra khoảng cách đáng kể so với trình độ của khu vực và thế giới. Hội nhập kinh tế quốc tế làm tăng giao dịch vốn và rủi ro của hệ thống ngân hàng, trong khi cơ chế quản lý chưa hoàn thiện, nhất là cơ chế thanh tra, giám sát thiếu sự phối hợp chặc chẽ, đồng bộ giữa các bộ ngành liên quan…

“Hội nhập đòi hỏi các NHTM phải có một nguồn nhân lực không chỉ có chuyên môn cao về nghiệp vụ ngân hàng, mà còn phải am hiểu Luật Thương mại quốc tế và được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá và dự báo… Đây là một khó khăn lớn cho các NHTM Việt Nam”, TS. Minh Anh nói. 

Và giải pháp…

Ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu phát triển MB đề xuất, để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng khi mở cửa hội nhập tài chính theo lộ trình cam kết trong các hiệp định thương mại, Việt Nam cần xây dựng các ngân hàng đủ khả năng cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế, loại bỏ các ngân hàng yếu kém thông qua tái cơ cấu, mua bán, sáp nhập.

Đồng thời, để cải thiện chất lượng các ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế, cần tạo điều kiện hơn nữa để các ngân hàng nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện thực hiện nhiều thương vụ sáp nhập với ngân hàng nội địa hơn.

Nhóm nghiên cứu Vietcombank cho rằng, đối với cơ quan quản lý, cần xây dựng chiến lược phát triển hệ thống tài chính Việt Nam cân đối hơn: cấu trúc thị trường tài chính tương lai cần một thị trường vốn đóng vai trò lớn hơn trong việc huy động và cung cấp vốn cho doanh nghiệp, giảm bớt áp lực lên hệ thống ngân hàng. Kiên định với mục tiêu đảm bảo ổn định vĩ mô và an toàn tài chính. Điều này đòi hỏi sự tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan giám sát cũng như giữa các cơ quan giám sát…

“Cần tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin giữa cơ quan hoạch định và giám sát tài chính giữa các nước trong khu vực nhằm củng cố giám sát tài chính xuyên biên giới. Kiện toàn cơ sở hạ tầng tài chính, tăng cường tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin trên thị trường đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các chuẩn mực an toàn tài chính quốc tế phù hợp với thực tiễn phát triển và lộ trình hội nhập tài chính khu vực…”, đại diện Vietcombank đề xuất.

“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một yêu cầu tối quan trọng, không thể buông lơi trong quá trình thực hiện mục tiêu chiến lược bởi vì có đội ngũ cán bộ đủ tài, đủ đức mới có thể nắm bắt và sẵn sàng tiếp cận được công nghệ ngân hàng tiên tiến, hiện đại, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong việc đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả”, bà Kim Thanh nhận định.

Ông Tô Ngọc Hưng, Nguyên Giám đốc Học viện Ngân hàng nhấn mạnh: “Hội nhập kinh tế quốc tế cần được thực hiện một cách chủ động, tích cực, thận trọng, có lộ trình đảm bảo cho hệ thống ngân hàng phát triển an toàn, bền vững và đáp ứng tốt nhất nhu cầu sản phẩm, dịch vụ tài chính cho khách hàng trong nước và quốc tế”.

Tin bài liên quan