Không chỉ có tiềm lực mạnh, đa số ngân hàng ngoại đều có chiến lược kinh doanh khá bài bản - Ảnh: Hoài Nam

Không chỉ có tiềm lực mạnh, đa số ngân hàng ngoại đều có chiến lược kinh doanh khá bài bản - Ảnh: Hoài Nam

Học gì ở ngân hàng ngoại?

(ĐTCK) Uy tín về thương hiệu, năng lực quản trị cộng với chiến lược kinh doanh bài bản là những "vũ khí" lợi hại để các ngân hàng ngoại tiến sâu vào thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng nội đang phải vật lộn với nhiều khó khăn. Song qua đó, ngân hàng trong nước cũng học được nhiều điều...

Những con số ấn tượng

Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2014. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2014, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 84.293 tỷ đồng, tăng hơn 17.600 tỷ đồng so với so với cuối năm 2013; vốn chủ sở hữu đạt 10.294 tỷ đồng, tăng gần 3.700 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là 2,89% và tỷ lệ an toàn vốn là 16%. Tổng lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng rủi ro của HSBC Việt Nam là 1.045 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập DN là 813 tỷ đồng.

Theo Báo cáo kết quả kinh doanh của Standard Chartered Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2014, tổng tài sản của Ngân hàng tăng lên 27.687 tỷ đồng so với mức 23.872 tỷ đồng của 31/12/2013. Tổng vốn chủ sở hữu đạt 3.463 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 210 tỷ đồng. Đối với ANZ Việt Nam, tính đến 31/12/2014, tổng tài sản đạt 42.017 tỷ đồng, tăng 4.825 tỷ đồng so với 37.192 tỷ đồng thời điểm 31/12/2013. Tổng vốn chủ sở hữu đạt 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 543 tỷ đồng.

Còn kết quả kinh doanh của Ngân hàng Shinhan Việt Nam trong năm 2014 cũng rất khả quan khi tổng dư nợ tăng tới 25,6%, đạt 941 triệu USD, trong đó dư nợ cho vay DN đạt 879 triệu USD; dư nợ cho vay cá nhân đạt 61 triệu USD, tăng 83% so với năm 2013.

Kinh doanh hiệu quả là cơ sở để các ngân hàng ngoại gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Đơn cử, mới đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2009, song đến nay Standard Chartered Việt Nam có 3 chi nhánh tại Hà Nội và TP. HCM với gần 850 nhân viên và vốn điều lệ hiện là 3.000 tỷ đồng. Cũng ra mắt trong năm 2009, Hong Leong Việt Nam tính đến nay đã thành lập được 4 điểm giao dịch, kết nối hơn 16.000 ATM và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ trên toàn quốc.

Mạng lưới hoạt động của HSBC Việt Nam bao gồm 1 hội sở, 1 chi nhánh và 5 phòng giao dịch tại TP. HCM; 1 chi nhánh, 3 phòng giao dịch và 1 quỹ tiết kiệm tại Hà Nội; 4 chi nhánh tại Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai và 2 văn phòng đại diện tại Hải Phòng và Vũng Tàu.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trên nền tảng chiến lược đã có của Tập đoàn, tập trung vào nhóm khách hàng mà HSBC có lợi thế như nhóm khách hàng xuất nhập khẩu, các công ty đầu ngành, DN nước ngoài… Chiến lược của HSBC là không cạnh tranh về giá, nhưng tập trung phát triển sản phẩm mới, các sản phẩm thuộc về thế mạnh của Ngân hàng mà không nhiều đối thủ cạnh tranh có thể làm được và tăng cường chất lượng dịch vụ.

“Bước cạnh tranh lâu dài, ổn định là xây dựng văn hóa tại HSBC Việt Nam với những giá trị cốt lõi như làm đúng, cởi mở và kết nối là ưu tiên của tôi, bên cạnh việc tạo cảm hứng để đội ngũ HSBC Việt Nam luôn vận động và đưa Ngân hàng đi lên phía trước”, ông Hải nhấn mạnh.

Còn ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam nói: “Với hơn 150 năm kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ ngân hàng quốc tế và hơn 110 năm tại Việt Nam, chúng tôi luôn nỗ lực để gia tăng giá trị cho khách hàng thông qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo và phù hợp với từng nhu cầu cụ thể... Standard Chartered có cam kết lâu dài, mạnh mẽ đối với đất nước và nhân dân Việt Nam”.

Là một trong ba ngân hàng nước ngoài đầu tiên được NHNN cấp giấy phép thành lập ngân hàng thương mại có 100% vốn nước ngoài, ANZ cũng đã đưa ra cam kết đầu tư và hoạt động lâu dài tại thị trường Việt Nam. 

Một tương lai càng ngày càng sáng

Kết quả kinh doanh khả quan của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam cũng khiến cho nhiều định chế tài chính nước ngoài khác muốn đặt chân vào thị trường được đánh giá là nhiều tiềm năng này. Gần đây nhất, ngày 23/3/2015, NHNN đã chấp thuận về nguyên tắc việc Public Bank Berhad được nhận toàn bộ phần vốn góp của BIDV tại Ngân hàng liên doanh VID Public và tiến hành các thủ tục để chuyển đổi ngân hàng này thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam của Public Bank Berhad.

Trước đó, vào đầu tháng 3/2015, Ngân hàng Kasikorn (Thái Lan) khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội sau khi Ngân hàng Kasikorn đã xây dựng mạng lưới dịch vụ ở Việt Nam thông qua việc hợp tác với hai NHTM hàng đầu của Việt Nam là VietinBank và Agribank từ năm 2011 cho đến nay. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, việc thành lập Văn phòng Ngân hàng Kasikorn Thái Lan tại Hà Nội được xem như cột mốc mới trong quá trình hợp tác của Việt Nam với các thành viên trong khối ASEAN.

“Kasikorn là một trong những ngân hàng hàng đầu của Thái Lan với mạng lưới hoạt động trên toàn châu Á, chúng tôi mong muốn Ngân hàng sẽ nỗ lực hợp tác với các tổ chức tài chính khác trong khu vực và Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động kinh tế giữa hai nước, đồng thời hướng tới cộng đồng ASEAN”, bà Hồng nói.

Cũng theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài trong khu vực cho thấy sự hợp tác ngày càng chặt chẽ, tăng cường hơn nữa trong phát triển lĩnh vực tài chính - ngân hàng… giữa Việt Nam với các nước ASEAN.

 “Có lẽ, các TCTD trong khu vực đã sẵn sàng đón đợi cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến hình thành cuối năm nay. Và những thông tin trên cho thấy, khối ngân hàng ngoại không chỉ phủ sóng đều về hoạt động, mà còn ngày càng mở rộng mạng lưới tại Việt Nam”, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhận định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nêu quan điểm, vốn có truyền thống hoạt động kinh doanh bài bản từ ngân hàng mẹ ở nước ngoài nên khi vào Việt Nam, hầu hết ngân hàng ngoại đều áp dụng nguyên mô hình đó. Do vậy, tại các đơn vị này, chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp. Bên cạnh đó, các ngân hàng ngoại cũng đang có những lợi thế nhất định khi các ngân hàng nội đang phải vật lộn với việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Tận dụng cơ hội này, các ngân hàng ngoại đang tranh thủ “lấn sân”, đặc biệt trong phân khúc thị trường khách hàng có thu nhập cao, DN xuất nhập khẩu. Nguyên do bởi câu chuyện mở các tín dụng thư, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam dễ dàng được xác nhận tại ngân hàng mẹ ở nước ngoài, trong khi đó, tín dụng thư của một số ngân hàng nội địa không được nước ngoài chấp nhận.

Theo xu hướng này, các ngân hàng nước ngoài sẽ chiếm thị phần không nhỏ trong năm nay, năm tới và đến năm 2020, nhóm này sẽ có một thị phần đáng kể ở Việt Nam. Nếu các ngân hàng nội địa không cải tổ hoạt động của mình một cách nghiêm túc, chắc chắn sẽ mất một thị phần không hề nhỏ.

“Một tương lai càng ngày càng sáng của ngân hàng nước ngoài, nhất là khi không bị nợ xấu đè trên lưng. Đây là lợi điểm lớn của họ khi không mất nhiều năng lực, thời gian trong việc xử lý nợ xấu, tập trung vào hoạt động kinh doanh, trong khi các ngân hàng nội địa đang loay hoay với câu chuyện tái cơ cấu”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Tin bài liên quan