Năm 2014, NHNN xếp thứ nhất trên 14 bộ, ngành về tổ chức thi hành pháp luật

Năm 2014, NHNN xếp thứ nhất trên 14 bộ, ngành về tổ chức thi hành pháp luật

Hoàn thiện thể chế ngân hàng, nhiều kết quả quan trọng

(ĐTCK) Hệ thống pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng giai đoạn 2011-2015 đã được hoàn thiện và phát triển vượt bậc, góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, kiểm soát, xử lý nợ xấu, quản lý thị trường vàng...

Trong giai đoạn 2011-2015, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. NHNN đã xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành 205 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 2 luật, 1 pháp lệnh, 20 nghị định, 8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 169 thông tư của NHNN và 5 thông tư liên tịch.

Đặc biệt, NHNN đã rà soát, bãi bỏ, thay thế hơn 700 văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp ra khỏi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của ngành ngân hàng và lần đầu tiên, NHNN đã hệ thống hóa, công bố các danh mục đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về ngân hàng còn hiệu lực, hết hiệu lực và cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Kết quả này là cơ sở để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, đồng thời là tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật ngân hàng thống nhất, tạo thuận lợi cho việc tra cứu và thực thi pháp luật.

Nhờ đó, kết quả xếp hạng hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của NHNN 2014 (MEI 2014) đã được cải thiện rõ rệt, thuộc nhóm các bộ, ngành dẫn đầu. Cụ thể, NHNN xếp thứ nhất trên 14 bộ, ngành (tăng 7 bậc so với MEI 2012) về tổ chức thi hành pháp luật và xếp thứ 2/14 về rà soát, kiểm tra tổng kết thi hành pháp luật. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) hàng năm của NHNN cũng luôn thuộc nhóm đứng đầu.

Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước 

Về điều hành chính sách tiền tệ

5 năm qua, NHNN đã ban hành hơn 20 thông tư về điều hành lãi suất huy động, cho vay; các thông tư về tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc, chiết khấu giấy tờ có giá, thị trường mở, cho vay cầm cố giấy tờ có giá.

Các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý cho NHNN điều hành linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, giúp ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, giảm đáng kể mặt bằng lãi suất cho vay đối với DN, hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn cho DN và giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng, hỗ trợ đắc lực chuyển dịch cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Về cơ cấu lại hệ thống TCTD

Trên cơ sở quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN đã ban hành nhiều văn bản tạo lập khuôn khổ pháp lý cho việc nâng cao chất lượng quản trị điều hành của TCTD, tính an toàn, lành mạnh, minh bạch của hệ thống TCTD, từng bước áp dụng các thông lệ, chuẩn mực ngân hàng quốc tế, tạo nền tảng cho các TCTD hoạt động an toàn.

Cụ thể, NHNN ban hành Thông tư 39/2011/TT-NHNN về kiểm toán độc lập đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư 44/2011/TT-NHNN về quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư 06/2015/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55, Luật Các TCTD.

Nhằm hoàn thiện một cách đồng bộ khuôn khổ pháp lý để xử lý TCTD yếu kém, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2012/TT-NHNN về cho vay đặc biệt, theo đó, NHNN hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD yếu kém thông qua việc cho vay đặc biệt đối với các TCTD bị kiểm soát đặc biệt, hoặc bị sự cố nghiêm trọng dẫn đến mất khả năng thanh khoản. Ban hành Thông tư 07/2013/TT-NHNN về kiểm soát đặc biệt, tạo cơ sở pháp lý để NHNN áp dụng sớm các biện pháp cần thiết nhằm phục hồi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán, có nguy cơ đổ vỡ.

Để có chế tài xử lý hành vi vi phạm, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng; phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát, xây dựng các tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong Bộ luật Hình sự 2015.

Đáng chú ý, NHNN ban hành Thông tư 36/2015/TT-NHNN quy định về tổ chức lại TCTD, với các biện pháp xử lý TCTD dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức pháp lý. Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam. Ban hành Thông tư 38/2014/TT-NHNN hướng dẫn thi hành Nghị định 01, trong đó có quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần vượt mức 30% trong trường hợp tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém.

Ngoài ra, NHNN ban hành Thông tư 34/2011/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản của TCTD; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 48/2013/QĐ-TTg về góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD bị kiểm soát đặc biệt; phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao soạn thảo chương riêng về phá sản TCTD trong Luật Phá sản 2014.

Về xử lý nợ xấu

Để tạo lập khuôn khổ pháp lý triển khai hoạt động này, các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý nợ xấu đã được NHNN ban hành như: Thông tư 02/2013/TT-NHNN, Thông tư 09/2014/TT-NHNN quy định về phân loại nợ, cơ cấu lại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro. Các thông tư này đã tiếp cận gần hơn với chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đồng thời có lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, cũng như đặc thù của từng loại hình TCTD.

Thay đổi lớn nhất của cơ chế mới này là yêu cầu phân loại, trích lập dự phòng rủi ro cho tất cả các loại tài sản có của TCTD, sử dụng kết quả phân loại thống nhất đối với một khách hàng, thay vì từng khoản vay/tài sản có như trước đây và đưa ra lộ trình phù hợp để áp dụng đầy đủ các quy định tại các thông tư.

Bên cạnh đó, NHNN đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Sau đó, NHNN đã ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của VAMC; trình Chính phủ ban hành Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 53/2013/NĐ-CP để xử lý kịp thời các vướng mắc nảy sinh trong hoạt động của VAMC.

Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua bán nợ của TCTD, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2015/TT-NHNN về mua bán nợ; phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 6/6/2014 hướng dẫn chi tiết việc thu giữ, bán tài sản bảo đảm, nhận chính tài sản bảo đảm thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm và thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản sau khi xử lý tài sản bảo đảm.

Về quản lý thị trường vàng

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường vàng trong nước, NHNN đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quan trọng như: Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Quyết định số 16/2013/QĐ-TTg về mua bán vàng miếng của NHNN; Thông tư số 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn thi hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP; Thông tư 06/2013/TT-NHNN về hướng dẫn mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN; các thông tư về chấm dứt huy động, cho vay bằng vàng...

Các văn bản trên đã tạo cơ sở pháp lý cho NHNN triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để lập lại trật tự trên thị trường vàng như chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng, thiết lập mạng lưới kinh doanh vàng miếng mới, chấm dứt việc sản xuất vàng miếng của các doanh nghiệp, TCTD...

Kết quả thực hiện khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng những năm qua cho thấy, quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; thị trường vàng được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân; ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng được nâng cao; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế; tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng được kiểm soát; vàng miếng không được sử dụng làm phương tiện thanh toán; tiến tới từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Về chính sách ngoại hối

NHNN đã xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản về ngoại hối, cụ thể: Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối; Nghị định 50/2014/NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối; Nghị định số 70/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối và gần 20 thông tư hướng dẫn, trong đó có nhiều thông tư quan trọng như Thông tư 21/2014/TT-NHNN hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; Thông tư số 02/2012/TT-NHNN về hướng dẫn giao dịch hối đoái giữa NHNN Việt Nam và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 15/2015/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các TCTD được phép hoạt động ngoại hối; các thông tư về cho vay ngoại tệ...

Kết quả, từ cuối năm 2011 đến nay, thị trường ngoại tệ được kiểm soát, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng đáng kể, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước
Tin bài liên quan