Hiệu quả phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP. HCM

(ĐTCK) Lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn vẫn được TP. HCM quan tâm đặc biệt và định hướng phát triển theo chiều sâu gắn với chương trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong quá trình đó, nguồn vốn nói chung và vốn tín dụng nói riêng cho đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng, đổi mới và ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng mô hình nông thôn mới được quan tâm.
Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM

Qua thực tế cho thấy, trong giai đoạn năm 2011-2013, là giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tác động ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khu vực nông nghiệp - nông thôn. Tuy nhiên, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của tín dụng trên địa bàn thành phố trong những năm qua.

Cụ thể, năm 2011 tín dụng lĩnh vực này trên địa bàn đạt: 12.206 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2010; năm 2012 đạt 17.783 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2011; năm 2013 đạt 24.835 tỷ đồng tăng 40% so với năm 2012. Trong đó, cho vay chế biến, tiêu thu nông, lâm, thủy sản luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Năm 2011, dư nợ cho vay chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản chiếm 42,5% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này; tỷ lệ này năm 2012 là 46,7% và năm 2013 là: 41,5%. 

Bên cạnh đó, cho vay tín chấp (không tài sản đảm bảo - TSĐB), cũng có xu hướng tăng thời gian qua, tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng tiếp cận vốn vay, tháo gỡ những khó khăn liên quan đến TSBĐ cũng như mở rộng, tăng trưởng tín dụng khu vực kinh tế này. Đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay không có TSBĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đạt: 4.368 tỷ, chiếm 17,6% trong tổng dư nợ cho vay ở lĩnh vực này.

Tuy nhiên, chất lượng tín dụng được kiểm soát. Nợ xấu có xu hướng gia tăng qua từng năm, song nợ xấu cho vay lĩnh vực này vẫn được kiểm soát và ở mức dưới 3%, thấp hơn so với các lĩnh vực khác. Hoạt động tín dụng của các NHTM trên địa bàn những năm qua đã đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế nông nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn và phát triển nông thôn mới, hình thành nên những vùng rau sạch, vườn cây cảnh; chăn nuôi và chế biến nông lâm, thủy hải sản, với chất lượng cao tại các quận, huyện ngoại thành. 

Theo đó, 100% dư nợ cho vay tại Huyện Cần Giờ là cho vay nông lâm ngư nghiệp; 75% dư nợ tín dụng tại huyện Củ chi là cho vay lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Các vùng chuyên canh và sản phẩm nông nghiệp giá trị cao đã và đang xuất hiện với trình độ chuyên môn, chất lượng sản phẩm ngày càng cao.

Riêng cho vay nông thôn mới, đạt 1.369 tỷ, chiếm 5,5% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Trong đó chủ yếu cho vay hộ sản xuất kinh doanh, cho vay xây dựng nhà ở, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng… 

Tuy nhiên, rủi ro tín dụng tiềm ẩn và biến động phức tạp gắn liền với biến động thị trường, nền kinh tế và đặc biệt là chịu tác động ảnh hưởng khó lường bởi yếu tố khí hậu, thời tiết, thiên tai và rủi ro thị trường cao. Trong đó, nợ xấu cho vay lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông lâm, thủy sản và cho vay chi phí sản xuất nông lâm nghiệp là hai lĩnh vực có phát triển nợ xấu cao hơn các lĩnh vực khác và có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Bởi cho vay kinh tế nông nghiệp và nông thôn chủ yếu là cho vay hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh. Là khoản vay nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh manh mún và chịu tác động ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường; yếu tố khí hậu và thiên tai dịch bệnh là rất lớn. Vì vậy, rủi ro tín dụng gắn với yếu tố khách quan. 

Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm quý báu, chất lượng khoản vay phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn tín dụng là rất lớn. Địa bàn Huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Thủ Đức và Quận 9 của TP.HCM, hiệu quả và mức độ phát triển của hoạt động sản xuất nông lâm ngư nghiệp đã hội tụ giá trị bài học kinh nghiệm này. 

Những dự án, trang trại, hộ kinh tế hoạt động hiệu quả đã hình thành những vùng nguyên liệu chất lượng cao cung cấp cho thị trường, có giá trị xuất khẩu và giá trị thương mại cao. Từ đó, phản ánh việc sử dụng đồng vốn hiệu quả đã góp phần nâng cao chất lượng và thúc đẩy tín dụng ở khu vực này.

Vì thế, cần tạo nguồn vốn giá rẻ cho các NHTM để cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, thông qua việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với TCTD có dư nợ cho vay lĩnh vực này cao và thực hiện tái cấp vốn, bố trí nguồn vốn cho vay theo từng ngành nghề cần ưu tiên phát triển.  

Tình tín dụng trên địa bàn TP.HCM đến cuối tháng 4/2014 đã có chuyển biến tích cực (sau 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm). Xu hướng tín dụng trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Đồng thời, dư nợ tín dụng trung, dài hạn vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ, ước chiếm 45,39% trong tổng dư nợ vay vay trên địa bàn. Theo thống kê từ các TCTD trên địa bàn thành phố, dư nợ có lãi suất dưới 12%/năm chiếm 70% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ có lãi suất dưới 9%/năm chiếm 35% trong tổng dư nợ. Tín dụng cũng tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Riêng 5 nhóm lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, tín dụng tăng 6,96% (tương ứng 8.791 tỷ đồng).
Tin bài liên quan