Cho vay rollover là giải pháp hợp lý cho cả ngân hàng và DN Việt Nam

Cho vay rollover là giải pháp hợp lý cho cả ngân hàng và DN Việt Nam

Hiểu đúng về cho vay tuần hoàn

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Công văn 6960 chấn chỉnh lại hình thức cho vay tuần hoàn (rollover), tuy nhiên, vẫn còn những cách hiểu chưa chuẩn xác về hình thức này. Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO để có cách nhìn rõ hơn từ khía cạnh pháp lý. 

Theo ông, về pháp lý thì khái niệm cho vay tuần hoàn được hiểu như thế nào?

Hiện tại chưa có quy định nào của pháp luật đưa ra định nghĩa về dạng cho vay này. Tuy nhiên, cho vay tuần hoàn (rollover) là một hình thức cho vay phổ biến theo thông lệ quốc tế. Dạng cho vay rollover có một số đặc điểm: Thứ nhất, đây là cho vay dưới hình thức hạn mức tín dụng ngắn hạn. Khách hàng sẽ được ngân hàng cấp cho một hạn mức tín dụng ngắn hạn và được quyền rút vốn theo từng khế ước nhận nợ, trong phạm vi, thời hạn của hạn mức;

Thứ hai, khác với cho vay hạn mức ngắn hạn thông thường, ngân hàng chỉ thu lãi và cho phép khách hàng được giữ lại dư nợ gốc để tái tục sử dụng.

Chẳng hạn, DN được cấp hạn mức 100 tỷ đồng, đã được giải ngân đủ theo 5 khế ước, mỗi khế ước có thời hạn vay từ 6 đến 12 tháng. Khế ước thứ nhất, dư nợ gốc 20 tỷ đồng đã đến hạn. Về nguyên tắc DN phải trả đầy đủ 20 tỷ đồng dư nợ gốc và lãi của khế ước thứ nhất này. Tuy nhiên, với cho vay rollover, nếu xét thấy DN vẫn đang kinh doanh ổn định, ngân hàng có thể chỉ thu lãi. Khoản dư nợ gốc 20 tỷ đồng của DN sẽ được tái tục theo một thời hạn mới. Năm tiếp theo, ngân hàng vẫn xét cấp hạn mức tín dụng mới với giới hạn trần dư nợ tăng, giảm cho DN như hạn mức tín dụng thông thường.

Như vậy, bản chất của rollover chính là cho vay hạn mức ngắn hạn nhưng khách hàng được sử dụng vốn vay với tính chất ổn định như vay trung, dài hạn.

Hiểu đúng về cho vay tuần hoàn ảnh 1

 Luật sư Trần Minh Hải

Với thực tế như trên, ông đánh giá như thế nào về việc NHNN ban hành Công văn 6960 yêu cầu dừng cho vay tuần hoàn?

Nếu nhìn theo góc độ tích cực thì cho vay tuần hoàn rất hợp lý cho các DN cũng như ngân hàng tại Việt Nam.

Thực tế, DN Việt còn yếu về tích lũy tư bản và khá lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngắn hạn. Với nhiều DN, vốn tín dụng đóng vai trò chủ đạo để tồn tại, duy trì, tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu được ngân hàng cấp nguồn vốn tín dụng ổn định, DN cũng ổn định về doanh thu, lợi nhuận. Ngược lại, chỉ cần gián đoạn vốn tín dụng, hoạt động kinh doanh của DN sẽ bị đình trệ, thậm chí dẫn đến phá sản.

Đó là lý do khiến hầu hết các khế ước nhận nợ của DN tại ngân hàng luôn được xử lý theo hình thức đảo nợ. Đến hạn khế ước, DN có thể dùng vốn tín dụng của khế ước mới giải ngân để trả nợ cho khế ước trước đó đến hạn.

Đôi khi cả ngân hàng và DN đều biết, việc tất toán một khế ước trong hạn mức phần lớn mang tính thủ tục hình thức. Điều quan trọng chính là khả năng bảo toàn, sử dụng vốn gốc hiệu quả và khả năng trả lãi của DN. Nếu như vậy, tái tục dư nợ gốc dưới dạng cho vay rollover là giải pháp hợp lý cho cả ngân hàng và DN.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, nếu không được triển khai đúng tính chất, rollover có thể tạo ra các kẽ hở cho việc thất thoát vốn, thiếu minh bạch, che giấu nợ xấu. Có lẽ chính vì điều này mà NHNN đã ban hành Công văn số 6960 yêu cầu dừng cho vay rollover. Xét về hiệu quả trong quản lý, kiểm soát nợ xấu, yêu cầu này chưa thực sự phù hợp. Những khoản rollover tốt sẽ bị ngưng trệ, đẩy ngân hàng và DN vào tình trạng phải tìm giải pháp đảo nợ thay thế.

Với những khoản nợ xấu, thực tế, để đảo nợ cho các khế ước đến hạn, DN vẫn có thể nhờ cậy đến vốn tín dụng đen với lãi suất cao. Sau đó nguồn trả nợ chính từ các khế ước giải ngân mới tại ngân hàng. Từ đó, mục tiêu kiểm soát theo Công văn 6960 có thể vẫn không đạt được.

Như vậy, có nên cân nhắc giải pháp ứng xử khác đối với cho vay rollover của hệ thống ngân hàng?

Nếu nhìn nhận khách quan thì cho vay tuần hoàn có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng, đồng thời cũng giúp DN có thể sử dụng nguồn vốn vay ổn định phục vụ sản xuất kinh doanh. Cho nên, sẽ không phù hợp khi triệt tiêu loại hình nghiệp vụ này.

Rollover - tái tục khoản vay, hoặc cho vay mới để trả nợ có tính chất tương tự và gọi đúng bản chất là “đảo nợ”. Cho vay nói chung và cho vay đảo nợ nói riêng đều phải tuân thủ Quy chế cho vay của NHNN. Quy chế cho vay ban hành kèm theo Quyết định 1627 năm 2001 của NHNN đang cần được thay thế. Trong Quy chế này, NHNN không hề cấm cho vay đảo nợ mà chỉ yêu cầu TCTD đảo nợ theo đúng quy định của NHNN.

15 năm qua, ngành ngân hàng vẫn chờ quy định về đảo nợ được ban hành. Có lẽ khi ban hành Thông tư mới thay thế Quy chế 1627, NHNN nên ban hành quy định cho vay đảo nợ rõ ràng. Đối với rollover, cho vay mới trả nợ trước hạn hay mọi phương thức cho vay tương tự, một hành lang pháp lý tạo ra từ quy định cho vay đảo nợ sẽ là giải pháp phù hợp nhất.

Tin bài liên quan