Ngày 17/7 vừa qua, SHB đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 9.486 tỷ đồng

Ngày 17/7 vừa qua, SHB đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 9.486 tỷ đồng

Hậu M&A, mối lo sức khỏe của các ngân hàng

(ĐTCK) Trải qua quá trình tái cơ cấu sau giai đoạn hợp nhất, sáp nhập, các ngân hàng đã dần ổn định và phát triển trở lại trong thời kỳ hậu M&A, đồng thời, nỗ lực nâng cao năng lực tài chính cũng như sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn ở phía trước khi việc tiến hành xử lý nợ xấu chưa có nhiều điểm sáng, phát mại tài sản quá nhiêu khê, buộc các nhà băng phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro.

Nỗ lực làm sạch nợ xấu

Ngân hàng hợp nhất đầu tiên kể từ sau khi Đề án tái cơ cấu ngành được triển khai chính là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), được hợp nhất từ SCB, Ficombank, TinNghiaBank vào cuối năm 2011. Đến nay, sau hơn 3 năm đẩy mạnh tái cơ cấu, hoạt động của SCB đã ổn định và dần tăng trưởng.

Điểm đáng chú ý chính là nhà băng này đã nỗ lực làm sạch khối nợ xấu không nhỏ từ 3 tổ chức tín dụng trước đó để lại. Sau khi bán một lượng nợ xấu lớn cho VAMC (gần 11.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2014), từ đầu năm 2015 đến nay, SCB đã bán thêm 1.600 tỷ đồng. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, SCB sẽ bán khoảng 3.000 tỷ đồng nợ xâuấu, nâng tổng nợ xấu bán trong năm nay lên 4.600 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, SCB đã xử lý, thu hồi được khoảng 700 - 800 tỷ đồng nợ xấu. Theo kế hoạch đặt ra trong năm 2015, chỉ tiêu xử lý nợ xấu của SCB là 1.600 tỷ đồng, nhưng mục tiêu kỳ vọng là 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tình hình thị trường hiện nay, việc xử lý nợ xấu của Ngân hàng chưa thể đẩy nhanh, vì vậy, mọi nguồn lực đều được SCB tập trung để trích dự phòng rủi ro, kể cả hy sinh lợi nhuận.

“Chúng tôi không thể kỳ vọng lợi nhuận cao khi tổng nợ xấu SCB đã bán cho VAMC đến cuối năm 2015 dự kiến lên đến trên 15.000 tỷ đồng. Nếu tính theo quy định trích dự phòng 10% thì với tổng nợ xấu mà Ngân hàng đã bán nói trên, con số dự phòng là gần 1.500 tỷ đồng cho mỗi năm. Như vậy, SCB khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao trong quá trình tái cấu trúc, Ngân hàng cũng không thể chi trả cổ tức trong giai đoạn này. Tuy nhiên, cổ đông của SCB đã có sự chia sẻ để cùng chung sức đưa SCB tăng trưởng”, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB nói và cho rằng, điều quan trọng hơn đối với Ngân hàng lúc này chính là đảm bảo năng lực tài chính, hệ số an toàn, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức phù hợp nên phải hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng rủi ro.

Vì thế, dù 6 tháng đầu năm nay, SCB đã hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho cả năm 2015, nhưng do phải trích lập dự phòng lớn sau khi bán nợ xấu cho VAMC nên chỉ tiêu đạt được không cao.

Trong thời kỳ hậu M&A, SHB cũng đang từng bước cải thiện mạnh mẽ, sau giai đoạn nỗ lực làm sạch khối nợ xấu từ Habubank để lại. Quý I/2015, SHB báo lãi 208 tỷ đồng trước thuế, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế giảm 23,5%, đạt 166 tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng 7,5% và tỷ lệ nợ xấu là 2,66%.

SHB cho rằng, lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do Ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, trong khi quý đầu năm ngoái được hoàn nhập đến 216 tỷ đồng. Tổng dự phòng rủi ro SHB đã trích lập lũy kế đến cuối năm 2014 là 2.611 tỷ đồng.

SHB đã trình cổ đông thông qua phương án kinh doanh năm 2015, dự kiến đạt 200.000 tỷ đồng tổng tài sản; vốn điều lệ sẽ tăng thêm 1.620 tỷ đồng, lên mức 10.486 tỷ đồng (tăng 18%); Huy động vốn trên thị trường I đạt 152.000 tỷ đồng (tăng 19,4%), tín dụng tăng 11% (tương đương 115.546 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế là 1.120 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2014 và tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới mức 3%/tổng dư nợ. Ngày 17/7 vừa qua, SHB đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 9.486 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả trên, SHB đã trải qua không dưới 3 năm tái cấu trúc và nỗ lực làm sạch nợ xấu. Cụ thể, năm 2012, SHB đã phải dành lợi nhuận phân bổ cho các cổ đông để xử lý khoản thua lỗ hơn 1.660 tỷ đồng của Habubank chuyển sang và tiếp nhận khối nợ xấu hơn 5.504 tỷ đồng, chiếm 32% dư nợ vào đầu năm 2012.

SHB đã có văn bản xin NHNN cho phép không tính các khoản nợ của Vinashin và đơn vị chuyển giao sang PVN, Vinalines vào tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn chung của Ngân hàng trong vòng 5 năm. Trích lập dự phòng rủi ro cho nợ của Vinashin được phân bổ từ nay đến năm 2018.

Với HDBank, khi sáp nhập thêm DaiA Bank (với tỷ lệ nợ xấu từ nhà băng này là 5%), Ngân hàng đã phải ra sức xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo báo cáo của HĐQT HDBank, đến cuối năm 2014, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 99.525 tỷ đồng, tăng 15,4%; tổng vốn huy động 88.682 tỷ đồng, tăng 16%; tổng dư nợ 54.146 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2013; nợ xấu kiểm soát ở mức 1,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng.

Với sức mạnh cộng hưởng từ 3 định chế tài chính (sáp nhập DaiABank vào HDBank và mua lại Công ty Tài chính Việt SVGF), HDBank đã có sự phát triển mạnh mẽ về tổ chức và mạng lưới. Kết thúc năm 2014, HDBank có 220 điểm giao dịch là các chi nhánh, PGD của HDBank và hơn 3.000 điểm giới thiệu dịch vụ của HD Finance, phủ sóng khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, đã có không ít nhà đầu từ Mỹ, Nhật, Đông Âu, châu Á đặt vấn đề mong muốn hợp tác với HDBank và Ngân hàng đang trong quá trình đàm phán. 

Khó khăn còn phía trước

Mặc dù sức khỏe của các nhà băng thời kỳ hậu M&A có nhiều dấu hiệu đáng mừng, nhưng trước bối cảnh tình hình kinh tế chưa hết khó khăn, hoạt động doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục, nhiều phân khúc bất động sản đóng băng, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ còn gặp nhiều gian nan phía trước.

Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, bất động sản có dấu hiệu ấm lên, nhưng chỉ với một số dự án có đầu ra và ở phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp. Còn nhìn chung, thị trường bất động sản vẫn chưa thể sớm tan băng. Chính vì thế, việc chuyển nhượng các dự án bất động sản, đẩy nhanh xử lý và thu hồi được nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn.

Với những ngân hàng phải sáp nhập thêm một nhà băng yếu kém và “gánh” khoản nợ xấu lớn thì việc xử lý nợ xấu không thể xong trong một sớm một chiều, khiến lợi nhuận hậu M&A giảm mạnh. Chẳng hạn, sau khi hoàn tất sáp nhập MDB trong quý II/2015, kế hoạch lợi nhuận Maritime Bank đưa ra cho cả năm nay khá khiêm tốn. Maritime Bank đặt kế hoạch sẽ đạt 109.576 tỷ đồng tổng tài sản, tăng nhẹ 5% so với năm trước. Huy động vốn là 79.275 tỷ đồng, tăng 17%; dư nợ tín dụng tăng 6,8% so với năm trước. Nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%.

Thế nhưng, HĐQT Maritime Bank sau sáp nhập thừa nhận, do gánh nặng về giải quyết nợ xấu nên lợi nhuận của Ngân hàng trong năm nay dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh. Cụ thể, kế hoạch lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng đưa ra cho năm 2015 là 1.114 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế (sau trích dự phòng) khiêm tốn ở mức 165 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với năm 2014. Chính vì lợi nhuận giảm do phải trích lập rủi ro nhiều nên HĐQT MaritimeBank cho biết, kế hoạch đưa ra cho năm 2015, Ngân hàng sẽ không chia cổ tức cho cổ đông.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc làm thế nào để xử lý được nợ xấu của SouthernBank sau sáp nhập và mất thời gian bao lâu, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng, Sacombank (STB) đã có kế hoạch để xử lý nợ xấu của SouthernBank trong 3 năm. Theo kết luận của thanh tra NHNN, nợ xấu SouthernBank đến cuối năm 2013 ở mức 18.786 tỷ đồng. SouthernBank đã thực hiện xử lý thu hồi nợ hơn 9.000 tỷ đồng, bán nợ cho VAMC gần 2.000 tỷ đồng; cơ cấu lại nợ 6.768 tỷ đồng.

Việc sáp nhập Southern Bank sẽ khiến dự phòng rủi ro tăng nên Sacombank đã dự kiến kết quả hoạt động trong 3 năm đầu sau sáp nhập giảm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế đạt 782 tỷ đồng); năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế đạt 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế). Hiện nợ xấu Sacombank là 1,5% trên tổng dư nợ, trong khi nợ xấu của Southern Bank xấp xỉ 6%.

Tin bài liên quan