Nửa đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ nhưng lãi suất đầu ra vẫn được giữ ổn định

Nửa đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ nhưng lãi suất đầu ra vẫn được giữ ổn định

Hạ lãi suất 0,5%/năm, các ngân hàng đã lên danh mục ưu tiên

(ĐTCK) Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định 1425/QĐ-NHNN ngày 7/7/2017 có hiệu lực từ ngày 10/7/2017 về việc giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành và giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, các thành viên trong hệ thống đã nhanh chóng có động thái hưởng ứng trước yêu cầu của cơ quan quản lý.

Hưởng ứng tích cực

“Bắn phát súng” đầu tiên là khối ngân hàng thương mại cổ phần với VPBank, khi ngay trong ngày cuối tuần, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã chính thức công bố các chương trình giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với SME được điều chỉnh giảm từ 0,5% đến 1%/năm, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp, thời gian quan hệ tín dụng với VPBank… Chương trình này được áp dụng kể từ ngày 10/7/2017, cùng ngày quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực.

“Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, nền kinh tế đang dần ổn định, đó là cơ sở để giảm lãi suất vào thời điểm này. Quyết định giảm lãi suất lần này của chúng tôi sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ có thêm nguồn vốn hợp lý để tận dụng những cơ hội kinh doanh trong thời gian tới”, đại diện cấp cao của VPBank cho biết.

Ngay trong ngày 8/7/2017, LienVietPostBank giảm 0,25%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, xếp hạng AA trở lên. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước chỉ còn tối đa 6%/năm, thấp hơn 0,5%/năm so mức trần tối đa Ngân hàng Nhà nước mới quy định (kể từ ngày 10/7/2017, trần lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được áp dụng là 6,5%/năm).

Tiếp đó, kể từ ngày 10/7/2017, Vietcombank cho biết, Ngân hàng sẽ tiến hành giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm 0,5%/năm.

Hay BIDV công bố tiếp tục giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư kể từ ngày 10/7/2017.

Cụ thể như sau: áp dụng mức trần lãi suất 6,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND các đối tượng ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; áp dụng mức lãi suất tối đa 6,0%/năm (thấp hơn so với quy định 0,5%/năm) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và thỏa mãn các điều kiện cho vay của BIDV; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5,5%/năm đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.

Cũng từ ngày 10/7/2017 Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên theo TT39/2016/TT-NHNN, có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Agribank cho biết, Ngân hàng tiếp tục chủ động, mở rộng và đa dạng các hình thức huy động vốn; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh…

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, thực tế, các ngân hàng đều đang có chủ trương hạ lãi suất đối với nhóm 5 đối tượng ưu tiên, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi đây là đối tượng khách hàng mà nhiều nhà băng nhắm tới. Trong bối cảnh này, chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là cú hích đúng lúc để quyết tâm hạ lãi suất của các ngân hàng cao hơn.

Cùng chung góc nhìn này, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, là một thành viên trong hệ thống, SCB luôn hưởng ứng với các quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, Ngân hàng cần có thời gian cân đối đầu vào để có thể giảm được đầu ra, theo đó, trước mắt, SCB sẽ giảm từ 0,1 - 0,25%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng.

Cơ sở để hạ lãi suất

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh, chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011.

Cụ thể, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3 - 0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5 - 1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên”.

Đánh giá về diễn biến này, một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích, có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ động thái giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng đã giảm từ 1,7 - 2,5 điểm phần trăm so với cuối tháng 4 (tính đến ngày 28/6/2017), về mức 2,6 - 3,4%/năm.

Tính đến cuối tháng 6/2017, Ngân hàng Nhà nước hút ròng khoảng 11.600 tỷ đồng. Trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất huy động trong 6 tháng đầu năm 2017 nhìn chung có xu hướng tăng nhẹ trên toàn hệ thống, với mức tăng khoảng 0,03 điểm % đối với kỳ hạn trên 12 tháng và ổn định ở các kỳ hạn ngắn, kỳ hạn 1 tháng ở mức 5%/năm, 6 tháng ở mức 6,15%/năm, 12 tháng ở mức 6,94%/năm và 12 - 36 tháng ở mức 7,09%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được giữ tương đối ổn định.

Về diễn biến lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2017, vị lãnh đạo trên dự báo, lãi suất huy động có thể biến động mang tính cục bộ tại một số ngân hàng, bởi các nhà băng cần cân đối nguồn vốn để đáp ứng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% kể từ 1/1/2018. Tuy nhiên, việc ổn định lãi suất trong những tháng cuối năm vẫn có các yếu tố hỗ trợ từ trong nước và quốc tế.

Cụ thể, thứ nhất, áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn. Lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể dự báo được nên sức ảnh hưởng không nhiều, hiện đồng USD đã giảm giá 5,1% và Ngân hàng Nhà nước đã có động thái điều hành tỷ giá chủ động trong 6 tháng đầu năm 2017.

Thứ hai, lạm phát nhiều khả năng đạt được kế hoạch của Quốc hội (4%). Thứ ba, việc phát hành trái phiếu chính phủ 6 tháng cuối năm chỉ còn hơn 30% kế hoạch, giúp giảm áp lực lên lợi suất trái phiếu chính phủ, tạo điều kiện hỗ trợ việc ổn định lãi suất. Cuối cùng, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 15/8/2017.

“Ngoài ra, để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như trong năm 2016 (lãi suất cho vay bình quân chỉ tăng khoảng 0,1 điểm%), cần tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý.

Với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỷ giá tăng 2 - 4%, hiện tại lãi suất huy động phổ biến (trên 12 tháng) xung quanh mức 7,1%/năm vẫn đảm bảo có lợi cho VND.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương ổn định lãi suất của Chính phủ”, vị lãnh đạo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định.

Tin bài liên quan