Một thành công lớn của chính sách tiền tệ năm qua là ổn định được giá trị tiền đồng

Một thành công lớn của chính sách tiền tệ năm qua là ổn định được giá trị tiền đồng

Giữ ổn định đồng tiền là nhiệm vụ quan trọng

(ĐTCK) Trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng, chuyên gia kinh tế, Giáo sư Hà Tôn Vinh cho rằng, năm 2017 có lẽ là năm thành công nhất của kinh tế Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 2007. Một trong những căn nguyên thành công là chính sách tiền tệ ổn định, bền vững.

Thưa giáo sư, đâu là những yếu tố để ông đi đến kết luận năm 2017 là năm thành công của nền kinh tế Việt Nam?

Nhìn lại những năm 2007-2010 khi khủng hoảng kinh tế ở châu Á, Việt Nam không bị nặng nhưng cũng bị ảnh hưởng. Theo đó, nền kinh tế đi xuống và chịu đựng đến năm 2015-2016 thì bắt đầu trỗi dậy. Đến năm 2017, nền kinh tế bắt đầu vào độ chín phát triển.

Và nói về sự thành công của nền kinh tế, chúng ta cần nhìn vào 3 chỉ số: thứ nhất, phát triển kinh tế 6,8% cao hơn mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đặt ra; thứ hai, xuất khẩu của Việt Nam tốt, thặng dư cán cân thương mại tốt; thứ ba, chỉ số của nền kinh tế dựa vào dịch vụ nhiều hơn so với các ngành khác (dịch vụ là ngành ít chi phí vốn nhất). Đó là những chỉ dấu tốt cho thấy kinh tế Việt Nam ổn định, có nền tảng để khởi sắc, bước vào một chu kỳ mới.

Theo ông, lý do nào đưa Việt Nam đến được những kết quả kinh tế trên?

Giáo sư Hà Tôn Vinh 

Thứ nhất, chính sách tiền tệ ổn định. Đây là yếu tố quan trọng, bởi tiền đi đôi với lạm phát, lạm phát quá đáng thì đồng tiền sẽ chẳng có giá trị gì như trường hợp tại Zimbabwe trước đây hay Venezuela hiện tại.

Việc quân bình giữa tốc độ lạm phát vừa phải với sự phát triển kinh tế là rất cần thiết. Theo tính toán thì khi lạm phát cao, lãi suất cho vay ở mức 25%/năm trở lên là ngoài sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân. Hiện nay, lạm phát trong mức độ lý tưởng khoảng 3,5%/năm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, kiểm soát chặt lạm phát thì cũng có những cái giá phải trả như kinh tế chững lại, người dân không đầu tư nữa, tiền không đưa ra thị trường nữa...

Do đó, có thể nhận định, Việt Nam đã thực hiện khá tốt chính sách tiền tệ song hành giữa kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và hỗ trợ tăng trưởng.

Thứ hai, cam kết của Chính phủ trong vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp trong sáng hơn, minh bạch hơn với nhiều chính sách kiến tạo, hỗ trợ có trách nhiệm. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tin vào môi trường kinh doanh, tin vào bàn tay điều hành, quản lý của Chính phủ, nên đã quay trở lại đầu tư, kinh doanh.

Thứ ba, chính sách kích cầu nội địa cũng đạt kết quả tốt khi người dân bắt đầu tin vào chất lượng hàng Việt Nam, không cần thiết nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ.

Trên thực tế, để doanh nghiệp đi ra biển lớn không dễ, trong khi nếu quá tập trung cho xuất khẩu thì lại để ngỏ thị trường cho hàng Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... tràn vào.

Ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp có nhiều lợi thế rõ ràng khi là người Việt, nói tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt, chi phí thấp… tại sao không cạnh tranh ở Việt Nam? Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức hơn điều này và quay lại chiếm lĩnh thị phần nội địa.

 Các doanh nghiệp đã bắt đầu coi trọng hơn thị trường nội địa

Thứ tư, Việt Nam hiện đã gia nhập nhiều liên minh kinh tế với cả chục hiệp định thương mại tự do. Thị trường cho hàng hóa của Việt Nam sẽ mở rộng, nhưng bản thân thị trường nội địa cũng phải mở cửa cho hàng hóa nước ngoài.

Đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, để hàng hóa Việt Nam nâng cao chất lượng, cách quản lý tương xứng với thế giới, sản phẩm phải phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nhiều thị trường khó tính.

Những yếu tố trên giúp cho Việt Nam khởi sắc trong năm 2017 và hy vọng giữ vững được trong giai đoạn 2018-2019 và xa hơn.

Năm 2017, đồng tiền Việt Nam tiếp tục giữ được sự ổn định. Theo ông, cơ sở của sự ổn định này là gì?

Cần khẳng định vai trò của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước trong việc giữ đồng nội tệ ổn định. Với một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam, vai trò ổn định đồng tiền của Chính phủ là rất quan trọng.

Chính phủ vừa phải đảm bảo không để đồng tiền bị thao túng, đầu cơ, nhưng cũng không thể bóp chặt quá vì như vậy tín dụng sẽ không phát triển để nuôi sống các hoạt động kinh tế.

Năm 2017, các chỉ số kinh tế Việt Nam tốt là do Chính phủ đã điều hành đúng và một trong những hành động đúng đó là giữ đồng tiền Việt Nam ổn định. Việc kiểm soát những biến động, ổn định tiền tệ đòi hỏi trí tuệ, kinh nghiệm và bắt mạch được nhu cầu của thị trường của những người quản lý.

Bên cạnh đó, niềm tin của doanh nghiệp, của người dân cũng tạo nền tảng tích cực cho việc ổn định tiền đồng. Doanh nghiệp, người dân muốn làm ăn thì phải vay tiền, nhưng họ có niềm tin thì mới vay tiền để kinh doanh. Năm vừa qua đó là niềm tin vào một chế độ chính trị ổn định, trong đó quyết tâm chống tham nhũng rất rõ ràng khi không có vùng cấm.

Tiếp xúc với đa dạng các định chế kinh tế, nhà đầu tư trên thế giới, ông thấy các nhà đầu tư nước ngoài nhận định gì về đồng tiền Việt Nam?

Đồng tiền Việt Nam là đồng tiền chưa được chuyển đổi tự do, rõ ràng là vậy, mà vẫn phải qua những đồng tiền mạnh khác. Nhưng ở trong thị trường Việt Nam với một chế độ ổn định, nền kinh tế nhỏ, không có nhiều biến động, đồng tiền Việt Nam cũng phải đi theo thể chế chính trị như vậy.

Đã là nhà đầu tư thì ai cũng muốn bỏ ra 100 đồng, tương lai cũng thu được ít nhất là như vậy, chứ không phải hôm nay bỏ ra 100 đồng ngày mai chỉ còn 90 đồng.

Tiền để tái đầu tư ở Việt Nam giúp họ mở rộng cơ sở, kinh doanh tốt hơn, còn một phần tiền mang về nước. Kinh tế ổn định, phát triển, họ sẽ lôi kéo các nhà đầu tư khác vào và các nhà đầu tư khác khi thấy những người bên trong sống được thì họ mới quyết định bỏ tiền đầu tư.

Có thể hiểu là nhà đầu tư nước ngoài lạc quan về nền kinh tế Việt Nam?

Lạc quan hay không không quan trọng mà nhà đầu tư nước ngoài là những người thực tế. Họ luôn phân tích rõ mình đang ở đâu, đi về đâu, rủi ro như thế nào?

Ở trong một quốc gia ổn định, làm ăn được, Chính phủ kiến tạo minh bạch, yên tâm đầu tư thì điều đó là tốt và họ sẽ yên tâm đầu tư. Với nhà đầu tư nước ngoài, lạc quan phải dựa vào thực tế, đồng tiền liền khúc ruột chứ không có sự lạc quan tếu.

Theo ông, liệu có rủi ro gì đối với đồng Việt Nam và ông kỳ vọng gì vào nền kinh tế Việt Nam trong tương lai?

Nếu đồng tiền không được chuyển đổi cũng có thể hiểu là rủi ro. Như tôi đã nói ở trên, đồng tiền Việt Nam là đồng tiền nhỏ, nếu đồng tiền không thể chuyển đổi tự do được, người dân phải ra thị trường mua ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước thiếu công cụ điều tiết  thì người dân, doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào thị trường chợ đen, lúc đó thị trường sẽ trở nên mất ổn định.

Nếu không được cung ứng đủ ngoại tệ, doanh nghiệp không mua được máy móc phục vụ cho sản xuất - kinh doanh, phải ra ngoài chợ đen mua với giá cao, khiến đồng Việt Nam mất giá kéo theo các hệ lụy khác…

Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động xuất khẩu, dòng vốn FDI, Việt Nam có may mắn là có nguồn ngoại tệ khá ổn định của Việt kiều đưa về. Luồng tiền này, khác với vốn ODA hay FDI, là dường như không có điều kiện gì. Do đó, cần làm sao để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tin tưởng hơn vào sự cởi mở, trọng thị của Nhà nước để đưa tiền về và rủ anh em, bạn bè, họ hàng về Việt Nam đầu tư.

Trong nền kinh tế nhỏ như Việt Nam, ổn định là điều tốt hơn không ổn định hay bấp bênh. Nhưng ổn định không có nghĩa là bóp chặt mà cần có không gian tín dụng đủ lớn để người dân, doanh nghiệp vay vốn kinh doanh. Việt Nam đã làm tốt trong năm 2017, nhưng năm 2018 có những thách thức mới, biến động mới trên thế giới nên cần cẩn trọng.

Tôi cho rằng, để Việt Nam phát triển, bắt buộc phải giữ đồng tiền ổn định. Có thể nới biên độ ra một chút để phù hợp với giá cả, hàng Việt Nam, đồng tiền Việt Nam rẻ, dễ cho người mua và xuất khẩu. Vai trò của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giữ vững niềm tin của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp rất quan trọng. Cần giữ thế quân bình giữa đồng Việt Nam ổn định với nhu cầu thị trường và hoạt động sản xuất, xuất khẩu để kinh tế phát triển.

Khi thể chế chính trị ổn định đưa đến nền kinh tế ổn định, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lợi ích kinh doanh sẽ bỏ vốn vào. Việt Nam nếu cứ giữ bối cảnh như vậy, 1-2 năm tới tình hình kinh tế chắc chắn sẽ có những khởi sắc. Tôi không có nghi ngờ gì về việc Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển tốt.

Tin bài liên quan