GIC mua gần 360 triệu cổ phần Vietcombank: Giá hời cho cả 2 bên

Việc Quỹ đầu tư GIC chi hàng trăm triệu USD mua gần 360 triệu cổ phần của Vietcombank đang gây xôn xao thị trường, bởi đây là thương vụ M&A có giá trị lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng nhiều năm gần đây. 
GIC mua gần 360 triệu cổ phần Vietcombank: Giá hời cho cả 2 bên

GIC “soi” rất kỹ Vietcombank

Theo Thỏa thuận ghi nhớ được ký kết giữa hai bên vào đầu tuần này, Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) sẽ mua 305.810.895 cổ phần mới của Vietcombank  (mã cổ phiếu VCB). Giá trị thương vụ chưa được công bố vì phải đợi Chính phủ Việt Nam phê duyệt, nhưng theo thông tin rò rỉ, số tiền mà GIC chào mua khoảng 400 triệu USD, tương đương 9.000 tỷ đồng. Đây cũng là khoản đầu tư vào ngân hàng Việt Nam đầu tiên của GIC.

Được biết, ngay sau khi Vietcombank “vất vả” xin phép và được Chính phủ chấp thuận chủ trương bán 10% vốn cho đối tác nước ngoài, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thông qua các tổ chức tư vấn quốc tế đã ngỏ ý muốn mua cổ phần Vietcombank. Trong số các nhà đầu tư, GIC được Vietcombank lựa chọn để đàm phán, cung cấp thông tin. Tất nhiên, sự lựa chọn này cũng trên cơ sở “bật đèn xanh” của hai Chính phủ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay, khi đàm phán mua cổ phần VCB, GIC đã đưa kiểm toán vào xem xét rất kỹ kết quả kinh doanh, quỹ dự phòng rủi ro, chất vấn rất kỹ khoản nợ xấu, từng khoản tài sản có…

“Trước khi đầu tư vào Vietcombank, GIC đã tìm hiểu kỹ về Ngân hàng qua các nhà tư vấn và qua các nguồn tin riêng. Vì vậy, GIC đầu tư vào Vietcombank vì lợi ích của chính mình. Thực tế, không chỉ GIC mà rất nhiều đối tác muốn mua cổ phần VCB”, ông Thắng nói.

Theo giới chuyên gia, GIC đầu tư vào Vietcombank là lựa chọn khôn ngoan bởi trên thị trường, Vietcombank là ngân hàng được đánh giá là “sạch” và khỏe nhất hệ thống. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng đạt 3,421 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng tốt nhất từ trước đến nay - và dẫn đầu về tỷ suất sinh lời trong số các ngân hàng lớn. 

Bên cạnh đó, việc quản lý tốt chất lượng tín dụng và chưa phải “gánh” ngân hàng yếu kém nào cũng giúp tài sản của Vietcombank khá sạch, nợ xấu thấp. “Từ đầu năm đến nay, Vietcombank không phải bán đồng nợ xấu nào cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), chất lượng tín dụng rất tốt. Hiện tại, quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank đã lên tới 115% so với nợ xấu, có nghĩa, Vietcombank hoàn toàn có khả năng xử lý ‘sạch trơn’ nợ xấu”, ông Thắng cho biết thêm. 

Giá hời cho cả hai bên

Trên thực tế, hiệu quả hoạt động của Vietcombank đã được phản ánh qua giá cổ phiếu. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu VCB tăng tới hơn 30%, trong khi cổ phiếu của các ông lớn khác như BID (Ngân hàng BIDV), CTG (Ngân hàng VietinBank) đi ngang hoặc mất giá. Không những thế, năm qua, cổ đông của BIDV và VietinBank không được nhận cổ tức (do nhận sáp nhập ngân hàng yếu), trong khi cổ đông Vietcombank vừa mới nhận 10% tiền mặt và sắp được chia thưởng bằng cổ phiếu với tỷ lệ 35%.

Một lý do khác khiến GIC yên tâm đầu tư vào Vietcombank là cổ đông chiến lược hiện hữu của Vietcombank là Mizuho cũng đã thắng lớn khi khoản đầu tư 600 triệu USD vào Vietcombank năm 2011 giờ đã có giá trị xấp xỉ 1 tỷ USD. Mizuho cũng đang có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại Vietcombank lên 20%.

Theo đánh giá của các quỹ đầu tư, mức giá GIC chào mua (gần 30.000 đồng/cổ phần VCB, theo thông tin rò rỉ) là mức “giá hời” cho cả hai bên. Cụ thể, với GIC, mức giá này quá hấp dẫn so với giá cổ phiếu VCB đang niêm yết trên sàn (ngày 31/8 là 54.000 đồng). 

Còn với Vietcombank, đây cũng là mức giá tốt, bởi lượng cổ phần mà Vietcombank bán cho GIC là giá chào bán riêng lẻ đợt 2 sau khi đã phát hành thêm đợt 1 (tháng 9/2016) với mức 35%. Có nghĩa là, mức giá mà GIC mua là mức giá sau khi cổ phiếu VCB đã bị pha loãng giảm 35%.

Ngoài ra, quá trình đàm phán chính thức của hai bên diễn ra cách đây khoảng 4-5 tháng, lúc đó giá cổ phiếu VCB chỉ trên 40.000 đồng/cổ phiếu. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu VCB tăng chóng mặt cũng một phần do thông tin bán cho đối tác ngoại. Như vậy, mức giá mà GIC đưa ra khá sát giá thị trường.

Thắng lợi lớn nhất của Vietcombank là đã chào bán được một lượng lớn cổ phiếu để tăng vốn, giải được bài toán khó về đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) khi Hiệp ước Basel II được áp dụng. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán HSC, sau thương vụ trên, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Vietcombank sẽ tăng thêm khoảng 2%, đáp ứng được yêu cầu của tiêu Basel II.

Tin bài liên quan