Bà Trinh Nguyễn

Bà Trinh Nguyễn

Giảm giá VND không là bước tiến tiêu cực

(ĐTCK) Trả lời Báo ĐTCK, bà Trinh Nguyễn, Chuyên gia kinh tế thuộc Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu Ngân hàng HSBC cho rằng, hàng hóa của Việt Nam đang mất dần tính cạnh tranh khi đồng nội tệ của các đối thủ giảm mạnh. Vì vậy, khi lạm phát vẫn ổn định, việc tiền đồng giảm giá không phải là bước tiến tiêu cực.

Bà có nhận định gì về dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế Việt Nam năm nay?

Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,1% năm nay trước các nhu cầu nội địa được cải thiện và một ngành sản xuất mạnh. Tuy nhiên, vẫn có vài rủi ro trong quá trình hồi phục của nền kinh tế, bao gồm nhu cầu ngoài nước yếu có thể làm cho nhu cầu đối với hàng hoá của Việt Nam giảm, cũng như sự suy giảm trong chu kỳ hàng hoá làm giảm trị giá xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. 

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam liệu có mất năng lực cạnh tranh nếu tỷ giá tăng trong biên độ 2%?

Trong khi chi phí nhân công của Việt Nam vẫn còn tính cạnh tranh, nếu các loại tiền tệ của các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia giảm giá mạnh, ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ mất tính cạnh tranh. Vì vậy, khi lạm phát vẫn còn ổn định và Việt Nam là một nước lấy xuất khẩu làm trọng, việc tiền đồng giảm giá không phải là một bước tiến tiêu cực. 

Lạm phát tăng chậm và HSBC dự báo về gần tới mức bằng 0. Điều đó có lo ngại sẽ dẫn đến tình trạng giảm phát khi sức mua của thị trường vẫn yếu?

Có 2 nguyên nhân chúng tôi không lo ngại về lạm phát tại Việt Nam.

Thứ nhất, phần lớn sự sụt giảm trên là do giá dầu giảm. Đây được cho là yếu tố tích cực vì nó giúp nền kinh tế tiết kiệm được các loại chi phí nhập khẩu. T

Thứ hai, lạm phát cơ bản vẫn ổn định, báo hiệu các nhu cầu có khả năng phục hồi nhanh. Một khi công ăn việc làm còn mạnh, chúng tôi không lo ngại về giảm phát trong nước. Phần tiết kiệm được từ giá dầu thấp hơn sẽ được chuyển qua phần Nhà nước tăng giá trong các ngành được trợ cấp như điện, dịch vụ xã hội. Điều này tạo thêm cơ hội để Nhà nước hỗ trợ về tài chính và tiền tệ cho nền kinh tế. 

HSBC cho rằng, điều kiện hiện nay rất tốt để cắt giảm thêm 0,5% lãi suất trên thị trường mở (OMO). Điều này có kích thích được tăng trưởng tín dụng, thưa bà?

Các mức lãi suất qua đêm đã tăng cho thấy nhu cầu mạnh trên thị trường. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này là tích cực vì tăng trưởng tín dụng đã tốt lên rất nhiều so với năm trước. Chúng tôi tin tưởng lạm phát thấp tạo cơ hội cho Nhà nước cắt giảm thêm 0,5% lãi suất OMO, đưa chi phí vốn về mức 4,5%. Nhu cầu về tín dụng đã dần cải thiện sẽ làm cho các điều kiện kinh doanh dễ dàng hơn. 

Thanh khoản ngân hàng tốt, trần lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn hiện vẫn là áp lực đối với các DN?

Đúng vậy, chỉ số cho vay trên huy động đã giảm từ mức 93% vào tháng 5/2011 xuống còn 76% tính đến thời điểm hiện tại. Lãi suất cho vay là một hàm số của lãi suất phi rủi ro và mức rủi ro tối thiểu. Do tỷ lệ nợ xấu cao, các ngân hàng sẽ thận trọng hơn, do đó một số công ty được họ đánh giá có độ rủi ro cao hơn, mức rủi ro tối thiểu vì thế cũng trở nên cao hơn.

Nếu thị trường định giá rủi ro một cách hiệu quả thì không có gì đáng lo ngại, vì khi đó các DN hoạt động tốt sẽ được đền đáp xứng đáng. Có một dấu hiệu lo ngại về nền kinh tế là tăng trưởng của khối công ty nhà nước. Đầu tư cho khối này đã tăng trong những năm gần đây nhưng đó lại không phải là khối hoạt động hiệu quả nhất của nền kinh tế. Khối nhà nước lấn át khối tư nhân không phải là xu hướng tích cực vì nó làm giảm năng suất của nền kinh tế.

Theo bà, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% và đưa nợ xấu của ngành về mức 3% của NHNN liệu có đạt được?

Trong những tháng đầu năm, nhu cầu tín dụng tốt lên nhiều báo hiệu các điều kiện trong nước cải thiện. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tăng dần trong suốt năm khi các công ty thấy tự tin hơn về nền kinh tế. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% năm nay của ngành ngân hàng Việt Nam là có thể đạt được. Tuy nhiên, vấn đề không phải là đạt được mức tăng trưởng mục tiêu cho khối tư nhân vay, mà phải cải thiện cách phân phối tín dụng của ngành tài chính.

Cần tập trung nhiều hơn vào các kế hoạch tái cấu trúc được thực hiện để cải thiện tính hiệu quả của ngành hơn là mức tăng trưởng. Chỉ đơn giản kéo dài thời hạn các khoản nợ không nói lên được mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, vì có thể rất nhiều khoản nợ trong số này là của các ngành không sản xuất, bắt buộc Nhà nước phải hỗ trợ, còn không sẽ làm tăng tỷ lệ nợ xấu.

Về nợ xấu, mục tiêu đưa nợ xấu về 3% là một mục tiêu hết sức khó khăn nhưng không phải không thể thực hiện được trong năm 2015 khi NHNN đã ban hành Thông tư 36 và chính thức áp dụng phân loại nợ theo Thông tư 09.

Thông tư 36 đã siết lại việc cho vay đầu tư cổ phiếu và mở rộng đối tượng người có liên quan trong việc tính hạn mức cho vay tối đa cho một nhóm khách hàng. Do đó, các ngân hàng hiện đang cho vay đầu tư nhiều vào cổ phiếu hoặc đang sở hữu chéo các ngân hàng khác sẽ phải thu hồi các khoản vay.

Ngoài ra, việc áp dụng thống nhất phân loại nhóm nợ dựa trên thông tin của CIC cũng buộc các ngân hàng phải áp dụng cùng một chuẩn mực phân loại nhóm nợ, nên nhiều khả năng ngân hàng sẽ phải hạ nhóm nợ các khách hàng yếu và trích lập dự phòng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang tích cực bán nợ xấu cho VAMC để làm sạch bảng cân đối. Nếu VAMC thực hiện mua nợ theo giá thị trường trong năm nay, tôi nghĩ, đây sẽ là một bước tiến hết sức quan trọng trong việc minh bạch hóa nợ xấu và giải quyết nợ xấu một cách dứt điểm.

Tin bài liên quan