Một số ngân hàng kiến nghị, cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ xấu

Một số ngân hàng kiến nghị, cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ xấu

Giải tỏa “cục máu đông” nợ xấu

(ĐTCK) Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, các ngân hàng được khuyến cáo cần sớm rà soát lại các nội dung của hợp đồng tín dụng, bãi bỏ những điều khoản không còn phù hợp và bổ sung các nội dung theo chính sách mới.

Gỡ vướng toàn diện cho xử lý nợ xấu

Báo cáo tại Hội nghị, nhiều ngân hàng cho biết, gặp nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu. Chẳng hạn, nhiều trường hợp khách hàng không trả nợ, ngân hàng nộp đơn kiện ra tòa, nhưng tòa không thụ lý do bị đơn không có mặt tại địa phương.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài, chủ doanh nghiệp bỏ về nước, muốn thu hồi nợ phải thông qua cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài, điều này mất rất nhiều thời gian và công sức, mà khả năng thu hồi được nợ lại thấp…

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ, như trường hợp gần đây, có doanh nghiệp Đài Loan, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, để lại thiết bị, máy móc mà không ủy quyền cho ai, dẫn đến ngân hàng không xử lý được nợ. Chưa kể, luật lệ hiện hành đang bảo vệ người đi vay nhiều hơn là người cho vay, nên ngân hàng bị “mất hình ảnh” khi xử lý nợ.

“Thậm chí có trường hợp đang thi hành án, nhưng doanh nghiệp ‘lách luật’, kéo dài thời gian bằng cách nộp đơn xin làm thủ tục phá sản, dẫn đến tòa đình chỉ thi hành án, gây khó khăn cho việc xử lý nợ”, ông Minh cho hay.

Theo ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước, khi tổng kết kết quả xử lý nợ xấu trong 3 năm qua, ngành ngân hàng đã tập trung nhận diện, phân tích các vướng mắc về chính sách pháp luật.

Trong đó, có nhiều quy định không phù hợp, hoặc có quy định nhưng không triển khai, hoặc triển khai không đúng, hoặc các quy định mâu thuẫn với nhau. Trên cơ sở tập hợp những vướng mắc đó, ngành ngân hàng đã có kiến nghị và tham gia xây dựng Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu.

Nới lỏng tiền tệ và “lời nhắc” của WB

“Có thể nói, các vướng mắc trước đó đều được tập hợp và đưa vào chính sách mới trong Nghị quyết”, ông Sơn cho biết.

Nghị quyết 42 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 và các khoản nợ xấu được áp dụng chính sách thí điểm này là các khoản nợ xấu trước ngày 15/8/2017, được phân loại nợ nhóm 3, 4, 5. Thời gian hiệu lực của Nghị quyết, cũng như thời gian được áp dụng các chính sách thí điểm là 5 năm.

Về các chính sách thí điểm, một nội dung quan trọng là Nghị quyết quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Trước đây, các ngân hàng vẫn thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị định 163. Nhưng Bộ luật Dân sự 2015 đã bãi bỏ quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, dẫn đến khó khăn cho ngân hàng khi xử lý nợ xấu.

Để giải quyết vướng mắc này, Nghị quyết 42 quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm, nhưng phải thực hiện công khai thông tin như đăng tải trên website, gửi thông báo cho UBND cấp xã, cơ quan công an, niêm yết thông báo tại trụ sở UBND cấp xã nơi có tài sản bảo đảm và nơi có địa chỉ đăng ký của bên thế chấp...

“Để đảm bảo không có sự lạm dụng, quy định chỉ cho phép ngân hàng ủy quyền cho các công ty xử lý nợ thuộc ngân hàng, không được ủy quyền cho các bên khác khi thu giữ tài sản bảo đảm”, ông Đoàn Thái Sơn cho biết.

Ngoài ra, còn một số quy định quan trọng khác như áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp, cho phép chuyển nhượng dự án khi chưa có sổ đỏ, quy định mua bán nợ xấu có tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai...

Cần sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng

Mặc dù hành lang pháp lý đã có, những vướng mắc xem như đã có giải pháp tháo gỡ, nhưng để các quy định phát huy hiệu quả trong xử lý nợ xấu còn cần nhiều nỗ lực của các ngân hàng và sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan.

Ông Võ Minh cho rằng, các ngân hàng cần nhanh chóng rà soát nội dung hợp đồng tín dụng, bãi bỏ các điều khoản không còn phù hợp; bổ sung, sửa đổi các điều khoản cho phù hợp với các quy định mới.

Một số ngân hàng cho rằng, cần sớm bố trí nhân sự và tập huấn để có thể áp dụng thông suốt các quy định mới ngay sau ngày 15/8 tới đây. Theo ông Đỗ Tuấn Anh, Phó chủ tịch HĐQT Techcombank, các chính sách thí điểm là cơ hội tốt để các tổ chức tín dụng nhanh chóng thu hồi tài sản, xử lý tài sản bảo đảm. Đặc biệt, quy định áp dụng thủ tục rút gọn được đánh giá là có hiệu quả để xử lý nhanh chóng, triệt để các khoản nợ xấu.

Một yếu tố khác là quy định mới góp phần nâng cao ý thức của khách hàng trong việc trả nợ vốn vay. Khi ý thức trả nợ được củng cố thì chi phí rủi ro giảm xuống, góp phần đưa mặt bằng lãi suất cho vay giảm, mang lại lơi ích cho người đi vay chân chính.

Giải tỏa “cục máu đông” nợ xấu ảnh 2

Bên cạnh sự chuẩn bị của ngành ngân hàng thì sự phối hợp của các cơ quan liên quan là yếu tố quan trọng. Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg, trong đó có nội dung yêu cầu các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42 phải ban hành trước ngày 15/8/2017.

Ngày 19/7, Tòa án nhân dân Tối cao đã có văn bản số 152/TANDTC-PC gửi các tòa án địa phương hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu và lưu ý một số nội dung, trong đó có nội dụng về xử lý tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp, hợp tác xã...

Dù vậy, một số ngân hàng kiến nghị, cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ xấu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn đối với thủ tục chuyển nhượng dự án, thủ tục sang tên tài sản bảo đảm.

Các ngân hàng cũng chờ đợi các cơ quan tiến hành tố tụng sớm có hướng dẫn về thủ tục tố tụng dân sự rút gọn để các ngân hàng căn cứ vào đó áp dụng. Đồng thời, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Công an có hướng dẫn những vấn đề liên quan, đề nghị cơ quan công an tham gia giữ trật tự an ninh trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm...            

Tin bài liên quan