Ông Đặng Đức Huy

Ông Đặng Đức Huy

FinTech: Thách thức không mơ hồ

(ĐTCK) Trong giai đoạn 2015 - 2016, nhiều cảnh báo về việc các công ty công nghệ tài chính (FinTech) sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của ngân hàng liên tục được đưa ra, dù thực tế đến nay, các công ty này mới chỉ đóng vai trò hỗ trợ, chứ chưa thể sớm thay thế được ngân hàng truyền thống. 

Tuy nhiên, trao đổi với Đặc san Toàn cảnh ngân hàng 2018, ông Đặng Đức Huy, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ - Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vẫn giữ quan điểm FinTech là xu hướng phát triển của tương lai. 

Ông nhìn nhận thế nào về vai trò và sự phát triển của làn sóng FinTech thời gian qua tại Việt Nam?

Chúng ta cần làm rõ khái niệm FinTech và doanh nghiệp FinTech. Nhiều người khi nhắc đến FinTech thường nghĩ đến những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong hoạt động tài chính, chẳng hạn như các doanh nghiệp cung cấp ví điện tử, hay dịch vụ kết nối người có tiền và người có nhu cầu tài chính...

Tuy nhiên, chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn, FinTech chính là xu hướng công nghệ hóa các dịch vụ tài chính, trong đó có dịch vụ ngân hàng. Nếu nhìn ở góc độ này thì FinTech vẫn đang phát triển mạnh mẽ và nhiều ngân hàng có định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ như SCB vẫn đang kiên trì với hướng phát triển này.

Với tầm quan trọng và những cơ hội, lợi ích đưa lại như khả năng tối ưu hóa tiện ích, tiết giảm chi phí, tạo ra những giá trị và trải nghiệm mới cho người sử dụng, FinTech được nhận định sẽ là xu hướng phát triển tất yếu trong hoạt động tài chính ngân hàng trên phạm vi toàn cầu.

Đồng thời, FinTech được dự báo sẽ mang lại cơ hội hợp tác phát triển, cũng như những thách thức đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng. Việc nắm bắt được những tác động của FinTech đối với hoạt động ngân hàng sẽ là tiền đề quan trọng giúp các lãnh đạo trong lĩnh vực ngân hàng và FinTech kiến tạo nên một thị trường tài chính phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả trong tương lai.

Với 52% người dân sử dụng Internet, 84% sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn cho các công ty ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính. Giai đoạn 2015 - 2016 được xem là giai đoạn bùng nổ của loại hình công ty này, với hàng loạt tên tuổi gia nhập và phát triển mạnh trên thị trường như MoMo, Payoo, 123pay hay Finsom.

Khoản đầu tư 28 triệu USD vào ví điện tử Momo của Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs năm 2016 là minh chứng cho tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp FinTech.

Năm 2017, SCB được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở thêm 2 chi nhánh và 9 phòng giao dịch 

Do được phát triển trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông, không cần mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp như ngân hàng, các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp FinTech cung ứng đã và đang thu hút được một số lượng lớn khách hàng, đặc biệt là người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

Tuy nhiên, có vẻ như năm 2017 lại là một năm yên ắng của FinTech, thưa ông?

Việc các công ty FinTech được thành lập rất nhiều nhưng chưa có sự đột phá trên thị trường một phần là do Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý, cũng như những chính sách hỗ trợ sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này.

Ngoài ra, văn hóa sử dụng tiền mặt tại Việt Nam cũng là một rào cản lớn với các doanh nghiệp FinTech. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng tiềm năng phát triển của ngành này còn rất lớn, với sự thâm nhập ngày càng rõ nét của các công ty nước ngoài như Alibaba, WeChat, Amazon… trong thời gian gần đây.

FinTech ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng vốn phụ thuộc nhiều đặc điểm khách hàng như tuổi tác, sự am hiểu công nghệ, mức độ sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, quan điểm và chính sách của các cơ quan quản lý như sự cởi mở, mức độ tạo điều kiện tiếp cận công nghệ, sản phẩm mới, khuyến khích cạnh tranh hay muốn đảm bảo an toàn, đặc điểm và mức độ phát triển của lĩnh vực ngân hàng.

Ngân hàng là ngành có truyền thống lâu đời tại Việt Nam và nói gì thì nói, vẫn đang gắn liền và phát triển dựa trên thế hệ trung niên trở lên, tức thế hệ từ 5X đến 8X, những người đang là lực lượng tạo ra của cải chính trong xã hội. Đối tượng khách hàng này vẫn có tâm lý “sờ tận tay, day tận mặt” trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ tài chính.

Gần đây, thông tin về các vụ lừa đảo qua mạng khá nhiều và phần nào ảnh hưởng đến lòng tin của các đối tượng này với sự an toàn khi sử dụng các dịch vụ tài chính cung cấp bởi doanh nghiệp FinTech. Để giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ các doanh nghiệp FinTech cần dung hòa giữa việc sáng tạo và an toàn.

Để áp dụng công nghệ ngân hàng, yếu tố con người vẫn mang tính quyết định 

Thường khi đề cập tới FinTech, mọi người mới chỉ quan tâm tới những giải pháp sáng tạo, đâu đó vẫn xem nhẹ vấn đề an ninh bảo mật. Nhiều giải pháp FinTech có thể hôm nay vẫn là an toàn, nhưng ngày mai lại khác. Theo tôi, đã đến lúc các doanh nghiệp FinTech nên quan tâm hơn vấn đề an toàn, làm sao để bảo mật song song cùng sáng tạo.

Thị trường rất quan tâm đến việc các ngân hàng đã làm gì với sự trỗi dậy của hàng loạt doanh nghiệp FinTech, ông có thể chia sẻ câu chuyện này tại SCB?

Chúng tôi vẫn định hướng mình sẽ trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng trong tương lai và chúng tôi đang trong quá trình xây dựng nền tảng cho sự phát triển này. Xác định FinTech vẫn là xu hướng, SCB vẫn đang tích cực phát triển song song ba mảng sản phẩm: Hợp tác với các doanh nghiệp FinTech để tạo thêm tiện ích cho khách hàng, phát triển mạnh các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ, tạo thêm tiện ích và thuận tiện cho những khách hàng ưa thích sản phẩm dịch vụ truyền thống.

Năm 2017, chúng tôi đã thực hiện rà soát thông tin dịch vụ e-Banking trên website SCB, đồng thời thực hiện nâng cấp Internet Banking và Mobile Banking theo hướng đồng bộ hóa các sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng trên tất cả các kênh; mở rộng đối tác, dịch vụ thanh toán như liên kết với các công ty FinTech như MoMo, Moca, Vimo, VNPay; cung cấp dịch vụ đối tác trung gian thanh toán hóa đơn, đối tác thu chi hộ bảo hiểm, chứng khoán, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; triển khai chức năng chuyển tiền quốc tế trên e-Banking; bổ sung tính năng nộp thuế nội địa, thuế xuất nhập khẩu.

Năm vừa qua, SCB cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin làm nền tảng cho việc hiện đại hóa các hoạt động ngân hàng. Nền tảng hệ thống công nghệ thông tin ngày càng được nâng cấp hiện đại, hướng đến phục vụ và chăm sóc khách hàng theo cách tốt nhất. SCB đã ký kết hợp đồng với Công ty Dinosys trong việc nâng cấp hệ thống Core Banking và Digital Banking nhằm mang lại những trải nghiệm và tiện ích giao dịch đa dạng cho khách hàng.

Bên cạnh đó, SCB cũng thực hiện triển khai cài đặt, cấu hình toàn bộ hệ thống thiết bị công nghệ thông tin tại hai trung tâm dữ liệu. Qua đó, năng lực xử lý dữ liệu của SCB ngày càng được đảm bảo, hoạt động kinh doanh liên tục 24/7 cho toàn hệ thống, đáp ứng yêu cầu dự phòng trong trường hợp có sự cố xảy ra.

Chúng tôi đã đổi mới giao diện Mobile Banking với nhiều tính năng vượt trội, trong đó có thanh toán bằng mã QR code được xem là xu hướng tương lai. Không chỉ vậy, mới đây, chúng tôi vừa ra mắt các gói tài khoản tích hợp tiền gửi thanh toán, dịch vụ eBanking và thẻ thanh toán quốc tế với nhiều ưu đãi, phù hợp đa dạng phân khúc khách hàng, đồng thời giúp khách hàng yêu công nghệ thực hiện giao dịch ngân hàng nhanh hơn, tiện hơn và giá cả cạnh tranh hơn.

Với khách hàng vẫn ưa thích dịch vụ ngân hàng truyền thống, chúng tôi tiếp tục mở rộng mạng lưới để gia tăng cơ hội tiếp cận các khách hàng này, cũng như tạo sự thuận tiện để khách hàng sử dụng dịch vụ của SCB. Năm 2017, SCB được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở thêm 2 chi nhánh và 9 phòng giao dịch, mở rộng mạng lưới của SCB lên 239 điểm giao dịch toàn quốc.

Trước Tết Nguyên đán, SCB đã mở mới 2 chi nhánh và 3 phòng giao dịch tại 5 tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Bình Dương, Nghệ An và Gia Lai. Trong năm nay, SCB sẽ tiếp tục khai trương thêm 6 phòng giao dịch mới tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Vĩnh Long.

Định hướng trên phần nào đã cho thấy hiệu quả khi số lượng khách hàng trẻ và trung niên từ 40 tuổi trở lên của SCB đều tăng trong năm 2017, đặc biệt là sự tăng mạnh của khách hàng trẻ.

Tính đến cuối năm 2017, số lượng khách hàng cá nhân tại SCB đạt 758.062 khách hàng, tăng 24% so với cuối năm 2016. Trong đó, số lượng khách hàng từ 40 tuổi trở lên chiếm tỷ trọng 56% và số lượng khách hàng dưới 40 tuổi chiếm tỷ trọng 44%. Cả hai phân khúc khách hàng này đều có mức tăng trưởng cao so với năm 2016. Đối với nhóm khách hàng dưới 40 tuổi là 31% và nhóm khách hàng trung niên cao tuổi là 20%.

Tốc độ tăng trưởng cao của nhóm khách hàng dưới 40 tuổi cho thấy, SCB đã bắt kịp với nhu cầu luôn luôn thay đổi của nhóm khách hàng trẻ tuổi và phần nào thành công trong việc thu hút họ đến với những sản phẩm hiện đại của Ngân hàng.

Ông có thể dự báo xu hướng phát triển sắp tới của FinTech và những bước đi tiếp theo của SCB?

Tôi vẫn giữ quan điểm không thể phủ định việc công nghệ sẽ là xu hướng của tương lai. Do vậy, sự phát triển của SCB vẫn không xa rời xu hướng này. SCB vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ, nhưng cũng không bỏ qua mảng ngân hàng truyền thống. Chúng tôi cố gắng tối ưu việc dung hòa hai xu hướng này để có những bước tăng trưởng vượt bậc trong những năm tới. 

Tin bài liên quan