Quyết định tăng lãi suất từ biên độ 0,25 - 0,5%/năm lên 0,5 - 0,75%/năm trong tuần qua của Fed được đánh giá là phù hợp với dự báo trước đó của các nhà phân tích trong bối cảnh kinh tế Mỹ có một loạt chỉ báo khả quan.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là Fed phát đi tín hiệu sẽ nâng lãi suất với tốc độ nhanh hơn trong thời gian tới. Cụ thể, Fed dự kiến sẽ có 3 lần nâng lãi suất trong năm 2017 (mỗi lần tăng một mức 0,25%/năm), so với dự kiến 2 lần được đưa ra tại cuộc họp tháng 9/2016. Theo dự báo của Fed, đến cuối năm 2017, lãi suất sẽ vào khoảng 1,25 - 1,5%/năm. Trong năm 2018 và 2019, Fed dự kiến sẽ có lần lượt 2 lần và 3 lần tăng lãi suất.
Hiện tại, USD đã tăng giá khá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, đồng bạc xanh sẽ tiếp tục tăng trong trung và dài hạn. Kỳ vọng các chính sách tăng chi tiêu cũng như cắt giảm thuế của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kích thích lạm phát tại Mỹ, có thể khiến Fed tăng lãi suất nhanh hơn trong tương lai là nhân tố hỗ trợ USD trong thời gian tới.
Theo đó, sức hút của USD gia tăng, một bộ phận những người có tiền nhàn rỗi có thể sẽ xem xét chuyển đổi các đồng tiền khác sang USD, tạo áp lực lên tỷ giá.
“Nếu không xem xét điều chỉnh tăng trần lãi suất tiền gửi USD từ mức 0% hiện nay, ngân hàng sẽ khó thu hút được nguồn ngoại tệ - vốn dĩ đã giảm mạnh kể từ khi đưa lãi suất huy động tiền gửi bằng USD về 0%”, một chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định.
Với dòng vốn đầu tư nước ngoài, dự báo sẽ có dịch chuyển khỏi các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, về thị trường Mỹ.
Nếu không xem xét điều chỉnh tăng trần lãi suất tiền gửi USD từ mức 0% hiện nay, ngân hàng sẽ khó thu hút được nguồn ngoại tệ.
Theo các nhà phân tích tài chính, nếu Việt Nam muốn giữ giá VND thì phải tăng lãi suất. Nhưng như vậy sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng, ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp vì chi phí vốn vay tăng lên, tất yếu ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP.
Ngược lại, nếu lãi suất tiền đồng không tăng, khó tránh khỏi dòng tiền tiết kiệm chuyển hướng khi vàng đang giảm giá, tạo sức hấp dẫn nhất định và tỷ giá tăng lên với động thái tăng lãi suất USD của Fed.
Hiện tại, tiền tiết kiệm vẫn vào ngân hàng, song TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - tiền tệ nhân xét, với mức trần lãi suất 5,5%/năm đối với kỳ hạn gửi dưới 6 tháng, kênh gửi tiết kiệm khó duy trì sức hấp dẫn. Dòng tiền nhàn rỗi có thể chuyển hướng sang một số kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, bất động sản.
Liên quan đến thị trường chứng khoán, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chi nhánh Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, hiện có rất ít thông tin tiêu cực tác động đến thị trường, nhưng động thái tăng lãi suất của Fed có tác động không nhỏ đến tâm lý của nhà đầu tư và dòng vốn ngoại. USD mạnh lên sẽ thu hút dòng vốn đầu tư bên ngoài quay trở lại Mỹ nên khối ngoại có thể có xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đối với thị trường vàng, giá vàng liên tục giảm kể từ khi Fed tăng lãi suất vào ngày 14/12/2016 và đang nằm ở vùng giá khá thấp, xoay quanh mức 1.137 USD/ounce.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), vàng giảm giá mạnh chủ yếu là do chỉ số USD Index tăng cao. Chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh này so với một rổ tiền tệ đã tăng lên mức 103,1 điểm. Hiện giá vàng trong nước đang ở vùng giá thấp so với một năm trước.
Tuy nhiên, ông Hải cho biết, giá vàng đang có độ vênh đến 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới nên làm nản lòng nhiều nhà đầu tư, ngay cả nhà đầu cơ cũng e ngại. Trong khi đó, đầu tư vào vàng hiện có rủi ro cao hơn trước, bởi tâm lý đầu cơ cao và nhiều tin đồn thất thiệt.
Chẳng hạn, từ đầu tháng 12 đến nay, các tin đồn thất thiệt trên thị trường góp phần đẩy giá USD, đồng thời kéo giá vàng trong nước lên cao dù giá vàng thế giới liên tục đi xuống. Giá vàng trong nước tăng không hẳn là do nhu cầu từ người mua như các năm trước.