Dùng nguồn lực nhà nước tái cơ cấu ngân hàng, cổ đông phải chấp nhận mất vốn

Dùng nguồn lực nhà nước tái cơ cấu ngân hàng, cổ đông phải chấp nhận mất vốn

(ĐTCK) Nếu như tất cả các ngân hàng thương mại yếu kém phải tái cơ cấu, được tái cơ cấu bằng tiền thật thì sẽ không có những câu chuyện giống như Ngân hàng Xây dựng vừa qua. Đây là quan điểm của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.

Ông có bình luận gì về câu chuyện nợ xấu đã được giảm xuống?

Chúng ta đều hiểu nợ xấu được chuyển về Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chỉ là trên danh nghĩa. Các ngân hàng chuyển khoản nợ sang cho VAMC giữ hộ trong 5 năm và trách nhiệm xử lý vẫn thuộc về nhà băng. Thiệt hại nếu có từ việc xử lý các khoản nợ xấu này vẫn do các NHTM gánh chịu. Do vậy, vấn đề hiện tại là làm thế nào xử lý các khoản nợ này?

Hiện tại, VAMC đã được mua tiếp nợ xấu theo giá thị trường và tự chịu rủi ro với các khoản nợ này. Tuy nhiên, cơ chế này đòi hỏi VAMC phải được NHNN tiếp thêm vốn và năng lực xử lý nợ xấu (bán lại hay thanh lý tài sản thế chấp) phải tốt hơn các TCTD. Theo tôi, để giải quyết nợ xấu, NHNN nên làm việc với các TCTD trong quá trình xử lý, thay vì giao cho VAMC. Bởi các TCTD mới là thực thể có động lực lớn, đồng thời chịu sức ép để giải quyết khoản nợ, trong khi VAMC là một tổ chức nhà nước, có những giới hạn riêng. 

Nếu theo cách làm trực tiếp với các NHTM, cơ chế chia lãi - lỗ được các chuyên gia khuyến nghị gần đây để VAMC có thể đẩy mạnh bán nợ xấu sẽ không còn cần thiết nữa?

Có nhiều ý kiến kêu gọi cho phép VAMC được mua bán nợ theo giá thị trường. Tôi cho rằng, đã mua bán theo giá thị trường thì phải tự chịu rủi ro, không cần tới cơ chế chia lãi - lỗ như một số chuyên gia kiến nghị.

Chẳng hạn, ngân hàng có khoản nợ 100 tỷ đồng, chấp nhận bán luôn cho VAMC lấy 30 tỷ đồng. tự trích lập dự phòng 70 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng đã chủ động cắt lỗ và chấp nhận khoản lỗ 70 tỷ đồng. Khi đó, VAMC bỏ ra 30 tỷ đồng để mua khoản nợ kia, trong đó các tài sản thế chấp. Cơ quan này sẽ có 3 giải pháp: Thứ nhất, là đòi được nợ.

Thứ hai, “siết nợ”, tức là VAMC phát mại tài sản thế chấp, nếu thu về hơn 30 tỷ đồng thì có lãi, dưới 30 tỷ đồng phải chấp nhận lỗ. Các khả năng này đều do VAMC gánh chịu, không thể quay lại chia cho các ngân hàng thương mại được nữa.

Thứ ba, sau khi mua món nợ xấu với giá 30 tỷ đồng, VAMC có thể tìm kiếm một quỹ tư nhân có năng lực tốt hơn trong việc xử lý khoản nợ để bán lại.

Bên cạnh đó, còn một lựa chọn khác là cơ cấu lại nợ (tức là cho giãn nợ) nếu đánh giá con nợ vẫn có khả năng chi trả nhưng tạm thời mất thanh khoản. Tôi lo ngại lựa chọn này nhất, bởi về mặt lý thuyết có vẻ tốt do tránh được mất mát hiện tại, nhưng trên thực tế sẽ tạo tâm lý ỷ lại và tăng gánh nặng nợ.  

Trong dự thảo tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2020 có đề cập đến việc giải quyết triệt để nợ xấu, cho phá sản ngân hàng yếu kém. Câu chuyện này thực tế không mới, chỉ là nói mãi không thực hiện được, ông có bình luận gì về điều này?

Một NHTM cổ phần, về mặt pháp lý là một tổ chức trách nhiệm hữu hạn, luôn có một lựa chọn là phá sản. Nếu không cho phá sản nghĩa là Nhà nước đứng ra bảo lãnh toàn bộ tiền gửi của ngân hàng. Điều này không những là không thể, mà còn tạo ra rủi ro đạo đức, bởi ngân hàng sẽ trở nên dựa dẫm. Khi NHNN mua các NHTM bị âm vốn với giá 0 đồng, các cổ đông phải chịu mất hết vốn chủ sở hữu của mình. Tuy nhiên, giờ đây, Nhà nước phải đứng chịu toàn bộ trách nhiệm đối với các khoản nợ phải trả của ngân hàng đó.

Một giải pháp khác là dùng nguồn lực của Nhà nước để tái cấu trúc ngân hàng. Bằng cơ chế VAMC, NHNN đã hy vọng cho các NHTM thời gian để dùng lợi nhuận tương lai cho việc tự xử lý nợ xấu quá khứ. Nhưng với suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu bình quân toàn hệ thống chỉ ở mức 5% (thấp hơn cả lãi suất tiền gửi), thì lợi nhuận của ngân hàng là không đủ để xứ lý nợ xấu. Các nhà đầu tư bên ngoài cũng không sẵn sàng bỏ tiền vào các NHTM có tình trạng tài chính không rõ ràng.

Dùng nguồn lực nhà nước để cứu ngân hàng luôn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng một hệ thống ngân hàng yếu kém sẽ làm giảm tăng trưởng của cả nền kinh tế và tạo rủi ro hệ thống. Do đó, cần phải đảm bảo là nguồn lực nhà nước không dùng để cứu người vay nợ hay cứu cổ đông ngân hàng. Tức là, có dùng nguồn lực nhà nước thì cổ đông của các ngân hàng yếu kém vẫn phải chịu mất vốn chủ sở hữu của mình và người vay nợ vẫn phải thực hiện theo nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng.

Tiền của Nhà nước được dùng để dọn dẹp sạch sẽ cho một ngân hàng, có thể là tách ngân hàng yếu kém thành hai phần, phần tốt (good bank) và phần xấu (bad bank). Phần tốt sẽ được đem chào bán công khai cho nhà đầu tư mới. Lúc đó sẽ hấp dẫn nhà đầu tiên bên ngoài vì tình hình tại chính của ngân hàng mới sẽ rõ ràng; cái họ mua là giấy phép ngân hàng cộng với tài sản tốt như mạng lưới chi nhánh và khách hàng. Tiền thu về sẽ dùng để bù đắp cho nguồn lực mà Nhà nước đã bỏ ra. Đương nhiên, Nhà nước phải chịu rủi ro bị thiệt hại.

Vậy, có thể nói ngắn gọn là dùng nguồn lực nhà nước là cần thiết để tái cấu trúc ngân hàng, nhưng không phải là chỉ để xử lý nợ xấu và đặc biệt không phải để giải cứu cổ đông hay con nợ của ngân hàng. 

Như vậy, trong tương lai, không nên áp dụng phương pháp mua lại ngân hàng 0 đồng, thay vào đó là cho phá sản? Ông cũng đề cập việc dùng tiền thực để tái cơ cấu nhưng cụ thể, nguồn tiền đó từ đâu?

Đúng là không nên áp dụng phương pháp mua lại ngân hàng 0 đồng, mà nên cho phá sản. Cụ thể hơn, khi ngân hàng đã âm vốn thì nên cho phá sản. Nếu không muốn phải dùng chữ phá sản một cách chính thức, thì Nhà nước vẫn có thể tiếp quản các ngân hàng yếu kém, cử một đội ngũ quản lý mới vào thay thế để tái cấu trúc. Ngân hàng nào phục hồi sẽ trở lại hoạt động bình thường, còn không sẽ cho chấm dứt hoạt động (tức là cho phá sản). Nguồn tiền để tái cơ cấu ngân hàng ở đây là tiền từ cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các DNNN. 

Theo ông, Đề án 254 về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 đã có những tác động tích cực gì?

Nhìn từ câu chuyện của TPBank, có thể nhận thấy, một yếu tố then chốt để tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là phải dùng tiền thật. TPBank được tái cấu trúc bằng nguồn tiền thật từ ông chủ DOJI. Bên cạnh đó, TPBank là ngân hàng mới thành lập nên các vấn đề chưa quá phức tạp.

Như vậy, theo tôi, Đề án 254 đủ độ mở để cho phép ngân hàng chấp thuận các giải pháp tái cơ cấu khác nhau và không có định hướng ưu tiên. Nếu như tất cả các ngân hàng thương mại yếu kém phải tái cơ cấu và được tái cơ cấu bằng tiền thật thì không có những câu chuyện xảy ra giống như Ngân hàng Xây dựng vừa qua.

Nên hiểu là không thể có một cây đũa thần giúp tái cấu trúc ngân hàng mà không phải dùng đến tiền thật, không phải chịu mất mát. Nếu trong điều kiện thuận lợi, các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) sẵn sàng dùng tiền của họ để tái cấu trúc ngân hàng, Nhà nước chỉ cần giữ vai trò là người làm chính sách và người tạo điều kiện. Nhưng nếu khu vực tư nhân không sẵn sàng, thì tiền thật phải đến từ Nhà nước. Nhưng nguồn lực này nên dùng làm cầu nối: tái cấu trúc bằng tiền Nhà nước sao cho giữ và tạo mới các ngân hàng tốt để bán lại cho khu vực tư nhân.

Tin bài liên quan