SHB Chi nhánh TP. HCM đã giải ngân được khoảng 1.000 tỷ đồng theo gói 30.000 tỷ đồng

SHB Chi nhánh TP. HCM đã giải ngân được khoảng 1.000 tỷ đồng theo gói 30.000 tỷ đồng

Dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, các ngân hàng nói gì?

(ĐTCK) Dù Chính phủ chỉ đạo gia hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đến khi giải ngân hết gói vốn này, song các ngân hàng cho hay, sẽ đồng loạt tạm dừng cho vay kể từ cuối tháng 5, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa ban hành thông tư hướng dẫn trước thời hạn ngày 1/6.

Ngân hàng thận trọng

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo SHB Chi nhánh TP. HCM cho biết, Chi nhánh sẽ dừng giải ngân gói vốn 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 1/6 tới. Một phần là do tổng vốn cam kết cho vay đã được giải ngân gần hết. Tính đến thời điểm này, SHB Chi nhánh TP. HCM đã giải ngân được khoảng 1.000 tỷ đồng cho các khách hàng cá nhân tham gia gói vốn này.

Vị lãnh đạo trên cũng cho rằng, nếu đến ngày 31/5, tổng số vốn cam kết giải ngân cho khách hàng vẫn còn, Ngân hàng cũng sẽ phải tạm dừng để chờ thông tư hướng dẫn về việc gia hạn gói vốn của NHNN. Vì thế, với những khách hàng chưa nhận được giấy nhận bàn giao căn hộ trước ngày 1/6 sẽ phải chuyển sang gói vay thương mại theo lãi suất thỏa thuận, cho dù trước đó khoản vay đã được Ngân hàng cam kết giải ngân lãi suất ưu đãi 5%/năm.

Tổng giám đốc một ngân hàng khác cho hay, mặc dù đã ký hợp đồng cam kết giải ngân cho khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng, song nếu chủ đầu tư không có biên bản giao nhà trước ngày 1/6, ngân hàng cũng sẽ dừng giải ngân kể từ thời gian nói trên.

“Chúng tôi cũng mong muốn được giải ngân cho khách hàng vay mua nhà theo lãi suất ưu đãi, nhưng phần lãi cấp bù lãi suất là do NHNN quyết định. Vì thế, khi chưa có Thông tư hướng dẫn về việc gia hạn giải ngân gói vốn này của NHNN, chúng tôi không thể giải ngân tiếp được”, vị tổng giám đốc trên nói và cho biết thêm, ngân hàng không thể đẩy mạnh tiến độ giải ngân cho vay với các hợp đồng đã ký khi dự án chưa hoàn thành, vì như vậy sẽ khó giải quyết hậu quả.

Trên thực tế, không phải chờ đến cuối tháng 5/2016, các nhà băng mới dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Trước đó, ngày 28/3/2016, khi NHNN có công văn số 1953/NHNN-TD yêu cầu các TCTD ngừng ký hợp đồng vay tín dụng gói 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 31/3/2016, nhiều ngân hàng đã có chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc dừng ký hợp đồng giải ngân cho khách hàng cá nhân vay mua nhà hưởng lãi suất ưu đãi 5%/năm. Trong số đó, có cả một số ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước như BIDV.

Một khách hàng vay vốn 30.000 tỷ đồng tại một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội cho hay, họ đã được phía ngân hàng thông báo sẽ dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 1/6 tới, nếu chủ đầu tư dự án – nơi khách hàng mua căn hộ chưa có biên bản bàn giao nhà trước thời điểm trên. Phần vốn còn lại của khách hàng đã được nhà băng cam kết giải ngân trước đó (nhưng khách hàng chưa nhận hết) sẽ được tạm dừng, nếu đến ngày 1/6 phía NHNN chưa ban hành thông tư hướng dẫn gia hạn thời gian giải ngân gói vốn.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện một số chủ đầu tư và ngân hàng đang cùng nhau “chạy nước rút” giải ngân trước ngày 1/6 (kể cả khi dự án chưa hoàn tất và giao nhà trước ngày 1/6), nhằm đáp ứng vốn cho khách hàng cá nhân đã ký hợp đồng tín dụng trước đó và tăng trưởng tín dụng. 

Vốn cho vay mua nhà sẽ giảm?

Chiến lược tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 của các ngân hàng là tiếp tục đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, bởi đây là mảng tín dụng có tiềm năng lớn và biên lợi nhuận trong cho vay thường lớn hơn so với mảng tín dụng doanh nghiệp. Số liệu của NHNN Chi nhánh TP. HCM cho thấy, đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, tính đến cuối tháng 4/2016, doanh số giải ngân lũy kế từ đầu chương trình đạt 5.622 tỷ đồng.

Số tiền cam kết giải ngân lũy kế đạt 7.856 tỷ đồng cho 10.679 khách hàng. Dư nợ hiện tại đạt 5.089 tỷ đồng. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, doanh số giải ngân của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM đạt 1.130 tỷ đồng, với 7 dự án. Trong đó, gồm 5 dự án xây nhà ở xã hội và 2 dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội. Đối với cá nhân, hộ gia đình, doanh số giải ngân đạt 4.092 tỷ đồng, với 9.470 khách hàng còn dư nợ.

Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, mặc dù gói vốn 30.000 tỷ đồng đã được Chính phủ cho phép giải ngân hết, nhưng lượng vốn còn lại cũng không nhiều và thời gian dần thu hẹp nên lượng vốn từ gói này vào thị trường bất động sản giảm dần.

Cùng với đó, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN nâng hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi bất động sản tăng từ 150% lên 250% và giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% sẽ tác động đến tín dụng bất động sản và không loại trừ khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng lên.

Liên quan đến tín dụng bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HOREA) cũng có kiến nghị NHNN hoãn sửa Thông tư 36/2014/NHNH bởi việc sửa đổi quy định này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo NHNN TP.HCM cho biết đã có kiến nghị NHNN sớm ban hành hướng dẫn việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với các khoản giải ngân của các khách hàng vay sau ngày 1/6/2016, mà các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng trước ngày 31/3/2016 theo chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương để các NHTM có cơ sở pháp lý thực hiện, đảm bảo tuân thủ đúng quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho người cần vốn.

Tin bài liên quan