Các CTTC sẽ điều chỉnh, bổ sung thêm các thông tin trong hợp đồng tín dụng như Thông tư 43 quy định

Các CTTC sẽ điều chỉnh, bổ sung thêm các thông tin trong hợp đồng tín dụng như Thông tư 43 quy định

Đưa hoạt động của công ty tài chính vào quy củ

(ĐTCK) Từ ngày 15/3/2017 tới đây, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Theo đánh giá của các nhà kinh doanh tài chính, Thông tư đã đưa ra những quy định phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giúp hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển bền vững.

Niêm yết lãi suất vay

Một trong những điểm mới tại Thông tư 43 là việc quy định lãi suất cho vay tiêu dùng cao và thấp nhất của CTTC để người tiêu dùng có thể tham khảo trước khi quyết định vay.

Theo đó, từ ngày 15/3, CTTC phải ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất và gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giám sát.

Đại diện các CTTC cho rằng, sẽ không có trở ngại gì đối với hoạt động của nhà cung ứng vốn với quy định này, vì một trong những mục tiêu của họ cũng chính là sự minh bạch.

Bên cạnh đó, Thông tư 43 quy định CTTC tiêu dùng chỉ được cho vay dưới 100 triệu đồng/khách hàng. Mức tổng dư nợ này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay theo quy định của pháp luật.

CTTC phải ban hành quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng để hướng dẫn việc thu thập, cập nhật, kiểm tra số liệu, quản lý thông tin khách hàng, nhận dạng các thông tin sai lệch và ngăn ngừa gian lận để quyết định cho vay, kiểm soát khoản vay và thu hồi nợ…

Chia sẻ với Báo Đầu tư chứng khoán, bà Vương Thủy Tiên, Thành viên Hội đồng thành viên Home Credit Việt Nam cho biết, các CTTC đã chuẩn bị phần nào trước khi Thông tư 43 được ban hành.

“Việc ra đời Thông tư 43 về cơ bản không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Home Credit vì chúng tôi hiện đã và đang hoạt động theo đúng tinh thần của Thông tư là đề cao sự minh bạch”, bà Tiên nói và cho biết thêm, điểm mới trong Thông tư nằm ở điều 7đ, quy định rõ ràng về thời gian nhắc nợ đối với khách hàng (từ 7 giờ đến 21 giờ). Mục tiêu của điều khoản này là nhằm bảo vệ khách hàng, cũng như minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC.

Với việc tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của một khách hàng tại CTTC không vượt quá 100 triệu đồng, theo nhìn nhận của lãnh đạo CTTC, quy định này đã đưa ra định nghĩa rõ ràng hơn về hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC tiêu dùng, tạo thuận lợi cho việc quản lý của NHNN, cũng như thuận lợi cho CTTC tiêu dùng vì không còn bị quản lý như một ngân hàng như trước kia. Thực tế hiện nay, không phải CTTC nào cũng cho vay mua xe ô tô, chẳng hạn Home Credit.

Công ty tài chính có chịu lép vế?

Đối với nội dung của hợp đồng tín dụng, Thông tư 43 yêu cầu CTTC phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký; công ty phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng (khoản 4 Điều 10); phải niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu (khoản 5 Điều 10).

Hợp đồng cho vay của CTTC phải bao gồm đầy đủ các nội dung liên quan tới khoản vay nợ, biện pháp xử lý khi khách hàng không trả nợ đúng hạn, điều kiện trả nợ trước hạn… (khoản 1 Điều 10).

Vì vậy, một số CTTC cho biết, họ sẽ điều chỉnh bổ sung thêm các thông tin trong hợp đồng như Thông tư 43 quy định. Như vậy, khách hàng sẽ có đầy đủ mọi thông tin trước khi quyết định ký hợp đồng tín dụng. 

TS Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học ngân hàng TP. HCM cho rằng, hiện nay luật đang nghiêng về bảo vệ người đi vay, không phải người cho vay là tổ chức tín dụng. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng đang đối mặt với rủi ro thu hồi nợ không hề thấp, nhất là với cho vay tiêu dùng tín chấp (không có tài sản thế chấp).

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM, quy định về công bố mức lãi suất cho vay tiêu dùng cao và thấp nhất của CTTC để người tiêu dùng có thể tham khảo trước khi quyết định vay đã ràng buộc lãi suất của CTTC. Đây chính là cơ sở để NHNN nhìn nhận, đánh giá rằng, với rủi ro đó nên áp mức lãi suất nào là phù hợp. Điều này sẽ giảm bớt bức xúc của người dân, vì họ dễ dàng so sánh với lãi suất ngân hàng, hạn chế CTTC đưa mức lãi suất quá cao.                

Tin bài liên quan