Chưa thể phanh ngay lập tức
Điều hành tỷ giá là một trong những “điểm cộng” lớn nhất của chính sách tiền tệ hiện nay. Tuy vậy, tín dụng ngoại tệ đang có dấu hiệu tăng, trái với định hướng siết dần tín dụng ngoại tệ để chống đô-la hóa của NHNN.
Cụ thể, năm 2017, tín dụng ngoại tệ tăng gấp 6 lần so với năm trước đó. Còn trong quý I/2018, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng tiền đồng chỉ tăng 3,3%, trong khi tín dụng ngoại tệ tăng tới 5,4%. Xét về tỷ trọng, tín dụng ngoại tệ đã chiếm 8,1% tổng tín dụng, trong khi con số này của năm 2018 là 7,9%.
Được biết, đầu năm nay, NHNN cũng đã có văn bản tiếp tục gia hạn cho các doanh nghiệp vay ngoại tệ ngắn hạn cho đến hết năm 2018, chứ chưa hãm phanh hoàn toàn.
Lý giải vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, đối với đặc thù nền kinh tế Việt Nam, tỷ lệ đô-la hóa ở mức dưới 10% là có thể chấp nhận được.
Liên quan đến vấn đề trên, TS. Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc NHNN cho biết, việc cho vay ngoại tệ, cùng với việc ổn định tỷ giá, đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ổn định sản xuất - kinh doanh, giảm giá thành, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh.
Mặc dù vậy, lãnh đạo NHNN cũng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thu hẹp dần tín dụng ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang mua - bán ngoại tệ phù hợp với tình hình thị trường.
“Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cần chủ động cân đối kế hoạch kinh doanh để thích ứng với việc thu hẹp dần đối với một số nhu cầu vay vốn ngoại tệ cho phù hợp chủ trương hạn chế đô-la hóa của Chính phủ”, Phó thống đốc khuyến cáo.
Dự trữ khủng, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Dù trải qua vài đợt biến động, song tỷ giá trong nửa đầu năm nay nhìn chung ổn định, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng chỉ tăng hơn 0,2%, bất chấp những biến động mạnh trên thị trường tài chính thế giới.
Tín dụng ngoại tệ đang có dấu hiệu tăng, trái với định hướng siết dần tín dụng ngoại tệ để chống đô-la hóa của NHNN.Theo dự đoán của giới chuyên gia, năm nay, tỷ giá sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung dồi dào (thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, vốn FDI tăng khả quan, thương mại tiếp tục thặng dư...). Bên cạnh đó, chính sách điều hành tỷ giá trung tâm của NHNN tiếp tục phát huy hiệu quả.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, những năm qua, tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, nhờ vậy NHNN liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước tới nay.
Chính sách tỷ giá ổn định vài năm gần đây đã củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, đồng thời giúp Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia tăng nhanh chóng (hiện đạt trên 63 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay).
Với quỹ dự trữ khủng này, khả năng giữ thị trường tỷ giá “êm đềm” là trong tầm tay của NHNN. Dù vậy, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh thừa nhận, thị trường ngoại tệ và tỷ giá vẫn tồn tại những rủi ro tiềm ẩn nhất định.
Thứ nhất, thặng dư cán cân thương mại và thặng dư cán cân tài chính của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khối FDI cũng như quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài vào nền tảng kinh tế Việt Nam và phản ứng của họ trước các diễn biến trên thị trường trong và ngoài nước.
Thứ hai, Fed và ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn có thể thu hẹp chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến của thị trường, có thể gây áp lực tâm lý đối với thị trường.
Thứ ba, chính sách bảo hộ thương mại và nguy cơ xung đột thương mại trong trường hợp leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại quốc tế cũng như tăng trưởng toàn cầu, từ đó tác động bất lợi đến thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
Một khó khăn nữa, việc bơm quá nhiều tiền đồng ra để mua ngoại tệ dữ trữ buộc phải có các giải pháp trung hòa dòng vốn, tránh gây lạm phát.
Vài tháng gần đây, NHNN đã mua ngoại tệ theo kỳ hạn 3 tháng, giảm áp lực tiền đồng bơm ra thị trường quá nhiều vào một thời điểm. Dù vậy, do sức hấp thụ vốn của thị trường vẫn còn yếu, NHNN cần phải theo dõi sát sao và có biện pháp hút tiền về để tránh gây lạm phát.