Tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản liên tục tăng trưởng

Tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản liên tục tăng trưởng

Dư nợ 9 tháng tăng trưởng 14,59%: Vốn rẻ vào bất động sản đang tăng

(ĐTCK) Tuần trước, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) đã ký hợp đồng tài trợ vốn và bảo lãnh ngân hàng cho Dự án chung cư cao cấp Seasons Avenue của Công ty CapitaLand Việt Nam.

Dù trước đây có nhiều ngân hàng TMCP ký hợp đồng tài trợ vốn và bảo lãnh ngân hàng với các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhưng sự kiện này đánh dấu sự “nhập cuộc” của một ngân hàng 100% vốn ngoại vào lĩnh vực cho vay dự án bất động sản.

Vốn rẻ vào bất động sản đang tăng

Thị trường bất động sản đang tiếp tục sôi động, thể hiện ở lượng giao dịch tăng, tồn kho giảm mạnh, FDI vào bất động sản tiếp tục tăng cao. Theo số liệu từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/10/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 56.286 tỷ đồng, giảm 3.109 tỷ đồng so với 1 tháng trước đó.

So với quý I/2013, tồn kho bất động sản giảm 72.262 tỷ đồng, tương đương giảm 56,21%. Còn theo dự báo của CBRE Việt Nam, trong những tháng còn lại của năm 2015, tín dụng với lãi suất thấp có thể vẫn là một trong những đòn bẩy của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.        

 9 tháng đầu năm 2015, cho vay đầu tư – kinh doanh bất động sản đạt tốc độ tăng trưởng 14,59%, cao hơn khoảng 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung 9 tháng.  

Có thể nói, Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước với quy định giảm hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 250% xuống 150% đã góp phần “khơi thông” dòng chảy tín dụng vào thị trường bất động sản, tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường này.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng mạnh của tín dụng bất động sản cũng đặt ra lo ngại về nguy cơ bong bóng bất động sản quay trở lại. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, có một thực tế là sự hồi phục của thị trường bất động sản vẫn đang tập trung vào phân khúc trung và cao cấp, ngược lại, phân khúc bình dân nhận được ít sự quan tâm.

Chia sẻ với ĐTCK, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này cũng có những theo dõi riêng, sát sao với thị trường và bắt đầu xuất hiện hiện tượng khách hàng vay tiền ngân hàng mua đi bán lại nhà.

Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cũng cho thấy, tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản liên tục tăng trưởng trong thời gian qua. Giai đoạn 2012 – 2014, tín dụng bất động sản lần lượt đạt tốc độ tăng trưởng là 14%, 14,7% và 15,2%. 9 tháng đầu năm 2015, cho vay đầu tư – kinh doanh bất động sản đạt tốc độ tăng trưởng 14,59%, cao hơn khoảng 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung 9 tháng.  

… nhưng chưa đáng ngại

Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản đang chiếm tỷ trọng khoảng 8,05% tổng dư nợ tín dụng; trong đó, cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà, xây dựng đô thị chiếm trên tỷ lệ 60%.

“Mặc dù tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của ngành ngân hàng, nhưng dư nợ cho vay bất động sản chủ yếu chỉ chiếm tỷ trọng 8,05% trong tổng dư nợ toàn hệ thống và phục vụ chủ yếu cho nhu cầu ở thực của người dân. Do đó, mức tăng trên không đáng lo ngại”, một lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN nhận định.

Với sự ấm lên của thị trường bất động sản, việc xử lý các khoản nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản của các tổ chức tín dụng cũng thuận lợi hơn, các ngân hàng vì vậy cũng có điều kiện cho vay ra trở lại đối với thị trường này. Theo đó, nhiều dự án xây dựng dở dang đã được khởi động lại và tiêu thụ tốt, giúp cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có nguồn thu trả nợ ngân hàng.

Chia sẻ với ĐTCK về việc tiếp tục rót vốn vào các dự án nhà ở “đắp chiếu” giai đoạn trước, lãnh đạo một ngân hàng TMCP ví von: “Thò nốt chân nữa vào dự án để còn có cơ hội rút cả hai chân ra, chứ nếu không, không biết khi nào mới có thể rút chân kia ra được”.

Theo lãnh đạo NHNN, thị trường bất động sản đang có dò dẫm đi lên, không thể chỉ vì một chút quan ngại mà “thắt chặt” hầu bao của các ngân hàng vào lĩnh vực này trở lại. Ở góc độ cơ quan quản lý, NHNN luôn sát sao, nhắc nhở các ngân hàng trong việc đưa vốn vào thị trường bất động sản để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển một cách bền vững cũng như an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Tin bài liên quan