Dư địa để giảm khó cho doanh nghiệp

Dư địa để giảm khó cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Công bố của nhiều ngân hàng cho thấy năm 2015 đã có sự hồi phục rõ rệt trên mọi phân khúc, bằng chứng là lợi nhuận của các ngân hàng đã tăng mạnh so với năm 2014. 

Điều này cho thấy khả năng giảm lãi suất tiếp để hỗ trợ các DN tăng sức cạnh tranh là có thể thực hiện trong năm 2016.

Báo cáo tài chính quý IV/2015 của Vietcombank cho thấy, tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 673.910 tỷ đồng, tăng 16,7% so với thời điểm đầu năm. VietinBank còn lãi nhiều hơn khi cho biết năm vừa qua, Ngân hàng lãi hợp nhất trước thuế 7.360 tỷ đồng. Ngân hàng BIDV, sau khi nhận sáp nhập MHB, cũng báo lãi trước thuế 7.036 tỷ đồng.

Đó là những ngân hàng có quy mô dẫn đầu hệ thống, vốn nhà nước chiếm tỷ trọng chi phối và có nhiều lợi thế từ khối doanh nghiệp lớn bấy lâu nay có quan hệ hợp tác với các ngân hàng. Tình hình lạc quan trên thực tế còn xuất hiện cả ở những ngân hàng cổ phần, tư thương.

Đơn cử, Ngân hàng Quân đội (MB) thông báo lãi trước thuế 3.151 tỷ đồng, Techcombank lãi tới 2.037 tỷ đồng. Các ngân hàng như HDBank, Sacombank, ABBank… đều được dự báo có thông tin tốt.

Dư địa để giảm khó cho doanh nghiệp ảnh 1

Giải mã cho sự hồi phục của các ngân hàng trong năm 2015 là mảng thu nhập lớn nhất từ lãi tín dụng đã khởi sắc trở lại, khi tăng trưởng tín dụng của các nhà băng đều đạt 2 con số. Rất nhiều dự án lớn đã được khởi công trong năm 2015, trong đó vốn vay từ các nhà băng vẫn chiếm tỷ lệ chủ đạo trong vốn đầu tư của dự án.

Nhìn nhận về triển vọng hoạt động của các ngân hàng năm 2016, ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế dự báo sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa vì các ngân hàng bên cạnh thu nhập từ lãi cũng đang nỗ lực tăng trưởng mạnh ở phần dịch vụ, đặc biệt là thâm nhập vào những lĩnh vực bấy lâu nay họ kém lợi thế như khối DN FDI, thương mại điện tử… Năm 2016, NHNN cũng đặt mục tiêu ở mức cao với dư nợ tín dụng toàn hệ thống phấn đấu tăng từ 18 - 20%.

Với những mục tiêu mà cơ quan quản lý đã đề ra, triển vọng của các ngân hàng nếu có nền tảng cơ bản tốt sẽ tiếp tục khả quan. Đây chính là cơ sở để ngành ngân hàng sẻ chia khó khăn với khối doanh nghiệp. Theo lãnh đạo nhiều DN, do phải cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI được hưởng lãi suất vay tại chính quốc thấp hơn nhiều so với DN Việt Nam, nên sức cạnh tranh của DN trong nước yếu hơn hẳn.

Lãi suất cho vay trung bình hiện là 8-9%/năm, bởi vậy các doanh nghiệp kỳ vọng trong năm 2016, mức lãi suất này sẽ được giảm về 6-7%/năm. Nếu được như vậy, DN sẽ “dễ thở” hơn và đóng góp lớn trở lại cho nền kinh tế.

Tin bài liên quan