Sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài đã tạo môi trường pháp lý cao hơn và là đòn bẩy để thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam. Sau 30 năm thăng trầm cùng nền kinh tế thế giới, Việt Nam thời gian qua đã thành công trong thu hút FDI, cho dù có những thời điểm vốn ngoại chưa thực sự được khai thác hết tiềm năng.
Khu vực tài chính ngân hàng ngày càng nắm giữ vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính của ngành kinh tế và với tiềm năng phát triển của nền kinh tế hơn 95 triệu dân, khu vực này thu hút sự quan tâm khá lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ những năm 2006 và 2007, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mua cổ phẩn để trở thành nhà đầu tư chiến lược tại các ngân hàng trong nước. Nhưng với giới hạn sở hữu các tổ chức nước ngoài chỉ có thể nắm giữ tại một ngân hàng nội địa là 30% và mức cổ phần cao nhất một ngân hàng nước ngoài có thể mua để trở thành một nhà đầu tư chiến lược là 20%, các ngân hàng nước ngoài chưa thực sự tạo được những chuyển biến mạnh mẽ do không nắm quyền kiểm soát. Do vậy, nguồn vốn ngoại tiếp cận với các ngân hàng trong nước cũng bị hạn chế khá nhiều.
Ông Phạm Hồng Hải
Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 đã tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính nước ngoài tiếp cận thị trường tài chính Việt Nam mạnh mẽ hơn, khi các quy định đối với các tổ chức tài chính nước ngoài được nới lỏng, nhất là về việc mở chi nhánh và các điểm giao dịch, hạn chế về huy động tiền gửi bằng VND được dỡ bỏ cùng với khả năng mở rộng dịch vụ ngân hàng. Hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài trở nên sôi động hơn.
Kể từ năm 2009, với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với WTO và sự công nhận vai trò quan trọng của một nền tài chính vững mạnh, ngân hàng con 100% vốn nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng khi môi trường hoạt động của ngành có những bước chuyển mình đáng kể.
Các ngân hàng ngoại với năng lực tài chính và nghiệp vụ chuyên môn cao có thể mở rộng mạng lưới phân phối, cạnh tranh lành mạnh với các ngân hàng trong nước. Tính đến cuối năm 2017, có hơn 50 tổ chức tín dụng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó số lượng ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 9 ngân hàng.
Sự tham gia tích cực của các ngân hàng nước ngoài bên cạnh các ngân hàng nội địa đã phần nào thúc đẩy cạnh tranh, giúp khách hàng được hưởng lợi nhiều hơn và góp phần phát triển ngành ngân hàng. Dù là ngân hàng nội hay ngoại, thì để đạt được thành công, các ngân hàng đều phải thấu hiểu khách hàng, nâng cấp và đa dạng hóa danh mục sản phẩm và dịch vụ, đồng thời chủ động cải tiến quy trình để có thể phục vụ tốt nhất cho phân khúc khách hàng mà họ lựa chọn.
Dòng vốn nước ngoài có thể xem là một trong những giải pháp nâng cao năng lực tài chính, quản trị của ngân hàng trong nước, giúp nâng cao năng suất lao động và nhìn rộng hơn là nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong khi các ngân hàng nội có ưu thế về mạng lưới chi nhánh và mối quan hệ được xây dựng từ lâu với cộng đồng địa phương, thì các ngân hàng nước ngoài lại có thế mạnh về các sản phẩm phức tạp được kiểm chứng qua nhiều thị trường, cùng mạng lưới và những mối quan hệ quốc tế - điều mà khách hàng Việt Nam, cả doanh nghiệp lẫn cá nhân, đều rất cần trong thời kỳ kết nối kinh tế mạnh mẽ hơn bao giờ hết và thu nhập người dân ngày càng gia tăng.
Dòng vốn ngoại vào ngân hàng Việt cũng giúp kích thích xử lý nợ xấu, nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và đẩy mạnh quá trình áp dụng Basel II. Việc củng cố hệ thống ngân hàng cũng giúp Việt Nam nâng hạng tín nhiệm quốc gia, qua đó tăng sức hấp dẫn với dòng vốn ngoại vào nhiều lĩnh vực.
Điều gì thu hút ngân hàng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam?
Việt Nam hiện đang trở thành một ngôi sao sáng ở châu Á do các yếu tố cơ bản hấp dẫn đối với đầu tư như tăng trưởng kinh tế ổn định, tình hình chính trị và xã hội ổn định, dân số trẻ và năng động, Chính phủ cởi mở, mang tư tưởng ủng hộ phát triển và mở cửa hội nhập kinh tế thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại.
Việt Nam tham gia vào 12 hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương với 56 nền kinh tế trên thế giới. Những hiệp định tự do thương mại này sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư khi chúng ta được kết nối với các quốc gia trên khắp thế giới.
Tiềm năng lớn của thị trường bán lẻ cũng là một yếu tố thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2016, 35% dân số sống ở khu vực thành thị và con số này được dự đoán tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới, đạt 40% trước năm 2020. Dân số ở thành thị đã giúp tăng nhu cầu trải nghiệm mua sắm hiện đại làm thu hút nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế vào Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, thị trường bán lẻ Việt Nam ước tính đạt tổng giá trị 158 tỷ USD năm 2016; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng với tỷ lệ bình quân là 15,5% một năm. Con số này trong giai đoạn 2007-2016 là 20%, tăng gần 7 lần kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Đây được xem là yếu tố khích lệ mạnh mẽ đầu tư từ các tổ chức quốc tế vào Việt Nam.
Thị trường nội địa lớn với dân số đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và tầng lớp trung lưu kỳ vọng đạt 33 triệu người trước năm 2020 cũng là những yếu tố quan trọng giúp thu hút đầu tư nước ngoài.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm nhiều thuế suất trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế châu Á cũng như các hiệp định tự do thương mại. Việc giảm cũng như dỡ bỏ nhiều loại thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đã giúp các doanh nghiệp nước ngoài tăng đầu tư vào Việt Nam, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường thành viên trong khu vực tự do thương mại.
Đây cũng là đòn bẩy giúp thu hút các ngân hàng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam khi nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng của các doanh nghiệp tăng cao, đặc biệt là nhu cầu từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Khi Việt Nam trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI đã tăng ổn định và mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Vốn FDI vào Việt Nam đạt 7,71 tỷ USD trong quý I/2017, tăng 91,5% so với cùng kỳ 2016. Việt Nam cũng đóng vai trò trung tâm sản xuất với ngành sản xuất hoạt động mạnh hơn các nước láng giềng, làm tăng vốn đầu tư nước ngoài trong khu vực sản xuất.
Với tất cả những yếu tố này, Việt Nam đã và đang tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả tài chính - ngân hàng. Chúng ta tiếp tục chứng kiến các ngân hàng nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam, số lượng các ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài tại đây cũng tăng lên. Đa phần các ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh hoặc ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam nhằm phục vụ nhóm khách hàng doanh nghiệp từ quốc gia của họ và một số ngân hàng đặt mục tiêu phát triển thêm mảng bán lẻ.
Xu hướng đầu tư sẽ không còn dàn trải
FDI là thành tựu lớn và cũng là yếu tố chính đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của Việt Nam, bổ sung nguồn vốn lớn và duy trì tăng trưởng cao của nền kinh tế. Hiện nay, các doanh nghiệp FDI chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu và trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp.
Theo Tổng cục Hải Quan, năm 2016, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Những tập đoàn lớn như Samsung, LG, Toyota đã lựa chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy, trung tâm nghiên cứu…, hay đích đến lý tưởng cho vốn đầu tư của họ.
Trải qua giai đoạn tái cơ cấu, sức khỏe ngành ngân hàng ngày càng cải thiện, môi trường cạnh tranh và khung pháp lý tốt hơn hứa hẹn triển vọng về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực này tiếp tục tăng. Theo tôi, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam và đều đang xúc tiến mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.
Khu vực tài chính ngân hàng cũng nhận được những ảnh hưởng tích cực từ xu hướng này, khi hoạt động kinh doanh và kinh tế phát triển sẽ kéo theo nhu cầu tài chính ngân hàng tăng, tạo ra các cơ hội lớn cho sự phát triển của ngành ngân hàng cả về lượng và chất.
Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững, tôi cho rằng, hiện nay và trong tương lai, các tổ chức tài chính nước ngoài có xu hướng không dàn trải nguồn vốn đầu tư, mà sẽ tập trung phát triển chiều sâu, tập trung vào những mảng dịch vụ tài chính là thế mạnh của mình, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào nâng cao quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp. Nâng cao trải nghiệm khách hàng với nhiều tính năng số hóa cũng sẽ được các ngân hàng chú trọng.
Chúng ta cũng dễ dàng thấy xu hướng các ngân hàng nước ngoài không còn đầu tư dàn trải, mà tập trung phát triển ở các thị trường vốn là thế mạnh của họ, nhất là những thị trường có quy mô và tạo ra tăng trưởng phù hợp với mục tiêu chung của ngân hàng mẹ.
Các ngân hàng nước ngoài cũng không tập trung nhiều vào mua bán - sáp nhập, hay trở thành đối tác chiến lược với ngân hàng trong nước như trước đây, mà sẽ tập trung hơn vào phát triển tự thân hay thế mạnh nội tại của mình.
Trong lúc các ngân hàng nước ngoài không còn mặn mà với việc đầu tư mua cổ phần của ngân hàng nội, các quỹ đầu tư nước ngoài có nhiều khả năng sẽ tích cực tham gia đầu tư vào những ngân hàng nội có tiềm năng phát triển và quản trị lành mạnh.