Sự phát triển của lĩnh vực Fintech trên thế giới trong vài năm trở lại đây đã mang đến những tiện ích và trải nghiệm mới với nhiều ưu điểm cho người sử dụng và xã hội.

Sự xuất hiện của làn sóng Fintech tại Việt Nam cũng đem tới cho thị trường tài chính ngân hàng những thay đổi tạm gọi là tích cực, bên cạnh sự phát triển ổn định của các định chế tài chính truyền thống (ngân hàng).

Nhận thức được tầm quan trọng của Fintech và tương lai phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam, cùng với chủ trương hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiếp cận với Fintech một cách chủ động bằng việc thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực Fintech của NHNN vào tháng 3/2017, với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cũng như tạo một hệ sinh thái lành mạnh cho các công ty Fintech cung ứng các dịch vụ, giải pháp trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam.

Trong thời gian tới, với định hướng của NHNN, khuôn khổ pháp lý sẽ được sửa đổi, bổ sung một cách rõ ràng và minh bạch cho hoạt động của các công ty Fintech.

Bên cạnh Fintech trong lĩnh vực thanh toán (chiếm khoảng 60% các công ty Fintech hoạt động tại Việt Nam) đã hoạt động ổn định, những lĩnh vực Fintech mới (như huy động và cho vay ngang hàng, tài chính cá nhân, hỗ trợ định danh khách hàng điện tử…) cũng sẽ phát triển khi khung pháp lý điều chỉnh cho các hoạt động này được hoàn thiện.

NHNN ủng hộ và thúc đẩy sự hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng ở Việt Nam, bởi điều này tạo ra sức mạnh “cộng hưởng” cho sự phát triển năng động của thị trường.

Lĩnh vực Fintech sẽ không thể phát triển một cách độc lập và bền vững nếu tách rời sự phát triển của hoạt động ngân hàng truyền thống.

Một điểm đáng chú ý khác là làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư mạo hiểm (VCs) nước ngoài vào các công ty Fintech ở Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, cũng như sự gia nhập thị trường Việt Nam của các công ty Fintech nước ngoài khi họ nhận thấy tiềm năng của thị trường và những hành động chính sách cụ thể của NHNN trong việc thúc đẩy thị trường nói chung và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp nói riêng.

Sự nổi lên của các công ty Fintech tạo ra những cơ hội, cùng với đó là thách thức cho các ngân hàng, đặc biệt trước những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên thực tế, các công ty Fintech mặc dù có ưu thế về công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo, đột phá dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho người sử dụng và xã hội, nhưng lại ít kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hệ thống kiểm soát tuân thủ nội bộ không đủ mạnh, cũng như mạng lưới khách hàng hạn chế hơn; trong khi đó, các ngân hàng truyền thống lại có thế mạnh về mạng lưới khách hàng, nguồn nhân lực có nhiều kinh nghiệm, hạ tầng công nghệ thông tin và thanh toán được đầu tư lớn…

Chính vì vậy, sự kết hợp giữa hai chủ thể sẽ rất có lợi, tạo ra sức mạnh cho thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần phát triển kinh tế.

Tuy vậy, đây cũng chính là thời điểm để các ngân hàng tự nhìn nhận lại hoạt động của mình trong bối cảnh mới, cụ thể là phải đẩy mạnh việc đổi mới tổ chức và ứng dụng công nghệ để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tiện ích hơn tới khách hàng.

Công nghệ là chìa khóa đem lại thành công trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại cho khách hàng.

Sự đột phá về công nghệ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, vì vậy các ngân hàng cần có sự thay đổi chiến lược kinh doanh và mô hình phát triển, cùng với sự chuẩn bị tốt về tài chính để nâng cấp, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như cần có sự hợp tác phù hợp với các công ty Fintech trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Cụ thể, các ngân hàng cần thay đổi tư duy, quan điểm về Fintech, không nên coi Fintech là những “đối thủ” cạnh tranh trong việc giành thị phần khách hàng mà cần hướng tới sự hợp tác cùng có lợi “win - win situation” với Fintech.

Trên thực tế, hợp tác chính là xu hướng chủ đạo của Fintech và các ngân hàng trên thế giới, nếu các ngân hàng bắt tay với Fintech để biến Fintech trở thành cánh tay nối dài tới những đối tượng chưa tiếp cận dịch vụ truyền thống (unbanked) thì sẽ mang lại những trải nghiệm tốt, linh hoạt, nhiều tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ đắc lực cho phổ cập tài chính (financial inclusion) sâu rộng hơn.

Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Fintech trong thời gian qua có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng kèm theo đó là không ít rủi ro và thách thức đối với thị trường tài chính, đặc biệt là với sự ổn định của thị trường tài chính của một quốc gia.

Việc nắm bắt được những tác động của Fintech đối với thị trường tài chính là cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách có thể lường trước được các rủi ro có thể gặp phải để đưa ra những chính sách quản lý phù hợp đối với lĩnh vực này.

Một trong những điểm nổi bật của Fintech đó là khả năng tăng cường tiếp cận dịch vụ tài chính cho khách hàng, mang dịch vụ tài chính đến gần hơn tới những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ nhờ vào tính đột phá và sự đổi mới của công nghệ như thanh toán di động, cho vay ngang hàng, góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.

Việc ứng dụng công nghệ sáng tạo trong lĩnh vực Fintech mang lại hiệu quả cao hơn trong các hoạt động tài chính, đặc biệt đối với các dịch vụ tài chính như tư vấn, cho vay, nhận diện khách hàng, an toàn bảo mật…, góp phần nâng cao hiệu quả tổng thể trong hệ thống tài chính và nền kinh tế.

Bên cạnh những cơ hội mà Fintech mang lại cho thị trường tài chính, sự phát triển của lĩnh vực này cũng đặt ra không ít thách thức cho các cơ quan quản lý, cụ thể:

Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý cho Fintech ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng cho lĩnh vực thanh toán, các nhánh hoạt động khác của Fintech chưa có khung pháp lý điều chỉnh, do vậy hoạt động của các doanh nghiệp Fintech hiện tại đang diễn ra “tự phát” mà không có sự can thiệp hay quản lý từ các cơ quan chức năng (ví dụ như việc kinh doanh các sàn giao dịch tiền ảo, cung ứng ví tiền ảo…).

Thứ hai, hoạt động của Fintech là đổi mới, sáng tạo nên việc xây dựng, ban hành các quy định pháp lý có xu hướng chậm hơn so với sự vận động của thị trường. Bởi vậy, việc thiếu chắc chắn về trách nhiệm pháp lý đối với những tổn thất mà Fintech gây ra có thể làm tổn hại về niềm tin vào hệ thống tài chính.

Thứ ba, các doanh nghiệp Fintech cung ứng các sản phẩm/dịch vụ với các giải pháp dựa trên môi trường mạng nên đối với những hoạt động cung ứng dịch vụ xuyên biên giới đòi hỏi phải có sự phối hợp quản lý chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan nhà nước như Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công thương, NHNN…

Mặt khác, do Fintech được ứng dụng trên nền tảng công nghệ nên việc gặp các rủi ro công nghệ là có thể xảy ra. Bởi vậy, nếu không có giải pháp công nghệ hiện đại để phòng ngừa các rủi ro công nghệ, hoạt động không an toàn của một số công ty Fintech có khả năng sẽ làm gia tăng khả năng tác động tiêu cực đến thị trường tài chính nói chung.

Có thể nói rằng, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực Fintech dựa trên những lợi thế về quy mô dân số và nguồn nhân lực am hiểu công nghệ thông tin.

Cùng với đó là tỷ lệ sử dụng Internet và điện thoại di động tại Việt Nam ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu của sự phát triển, mặc dù đã có sự xuất hiện của các tổ chức trung gian thanh toán (các công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán) tại Việt Nam từ năm 2008.

Sự bùng nổ của trào lưu Fintech đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các định chế tài chính và các cơ quan quản lý trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Nhằm đón đầu trào lưu Fintech ở Việt Nam, NHNN đã có những nghiên cứu sơ bộ ban đầu về thực trạng phát triển hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam, đánh giá những cơ hội và thách thức từ sự nổi lên của các công ty Fintech; ngày 16/03/2017,Thống đốc NHNN đã ban hành quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech của NHNN (Quyết định số 328/QĐ-NHNN) với thành phần là đại diện một số đơn vị, vụ, cục liên quan nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ sinh thái cho các công ty Fintech hoạt động ở Việt Nam, cũng như các công ty Fintech ở nước ngoài có kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích các lĩnh vực liên quan đến Fintech, thực hiện khảo sát đánh giá thực trạng, cũng như qua trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp Fintech trong nước, Ban Chỉ đạo Fintech NHNN đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất trước mắt là xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực Fintech, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực chính như: Nghiên cứu về công nghệ blockchain/sổ cái phân tán (DLT); sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp lý cho hoạt động của các công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; nghiên cứu ban hành quy định về hoạt động huy động vốn và cho vay ngang hàng (P2P lending); nghiên cứu vấn đề về giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API) trong lĩnh vực ngân hàng; công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử (e-ID/e-KYC)...

Sự ra đời và phát triển của công nghệ tài chính đã tạo ra những thay đổi tích cực cho nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng.

Do được phát triển trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại, Fintech hứa hẹn sẽ mang đến sự đổi mới, sáng tạo cho các doanh nghiệp, giúp tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, rút ngắn quy trình hoạt động, cũng như giúp hoàn thiện hạ tầng thị trường tài chính.

Đồng thời, Fintech giúp đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp; thúc đẩy nhu cầu của người sử dụng (thông qua phân tích dữ liệu lớn, dự báo nhu cầu của người sử dụng chính xác hơn).

Tuy nhiên, trước làn sóng Fintech đang có xu hướng xâm nhập vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các công ty Fintech ở nước ngoài.

Một trong những nguy cơ là việc cắt giảm nhân sự, việc làm do các công việc đã chuyển dần từ thủ công sang tự động khi công nghệ mới được đi vào vận hành.

Do đó, việc làm sẽ là vấn đề đáng quan tâm trong thời đại Fintech bùng nổ như hiện nay. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động hơn trong việc tìm hiểu về Fintech, những ứng dụng công nghệ mà Fintech sẽ mang lại cho các doanh nghiệp, từ đó có quyết định phù hợp trong việc hợp tác với các công ty Fintech để nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng như doanh nghiệp cần có sự đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, rà soát, đánh giá lại mô hình hoạt động kinh doanh cho phù hợp với những thay đổi của thị trường, đặc biệt nghiên cứu áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình (như công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo, robo-advisor…) để nâng cao hơn nữa hiệu suất kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.