Đối tác ngoại đã làm được gì cho ngân hàng nội?

Đối tác ngoại đã làm được gì cho ngân hàng nội?

(ĐTCK) Ngành ngân hàng đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, tập trung vào việc xử lý nợ xấu, do vậy, rất cần thu hút thêm dòng vốn ngoại để nâng cao năng lực tài chính. Nhưng sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài lâu nay có thực sự đáp ứng kỳ vọng của các ngân hàng?

Ngân hàng vẫn hấp dẫn vốn ngoại

Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, ông Andy Ho cho biết, cho dù ngành ngân hàng đang phải đối mặt với xử lý nợ xấu, nhưng vẫn được NĐT ngoại quan tâm.

Các quỹ đầu tư, trong đó có VinaCapital đang cân nhắc tăng cường nắm giữ cổ phiếu ngân hàng khi thị trường bất động sản cải thiện và định giá cổ phiếu ngân hàng đang rẻ. Hiện Quỹ đầu tư VOF Investment Limited thuộc VinaCapital đang nắm giữ 5,02% vốn điều lệ của Eximbank, trở thành cổ đông lớn thứ ba của nhà băng này. Theo ông Andy, khi có cơ hội, VinaCapital tiếp tục rót vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam.

Đợt tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng lên trên 14.000 tỷ đồng hồi đầu năm 2015 của SCB có sự tham gia mạnh mẽ của NĐT ngoại. Hiện tỷ lệ cổ phần của NĐT nước ngoài tại SCB là khoảng 15%. SCB cũng đã có kế hoạch trình NHNN xin chủ trương bán cổ phần trên tỷ lệ quy định cho NĐT nước ngoài. Theo SCB, việc thu hút được nguồn lực từ các cổ đông chiến lược nước ngoài là rất cần thiết trong giai đoạn tái cấu trúc của Ngân hàng.

Việc thu hút cổ đông chiến lược nước ngoài nhằm nâng cao năng lực tài chính và tiếp cận các kinh nghiệm quản trị tiên tiến đang được nhiều ngân hàng đặt ra. Tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ cổ phần nắm giữ của đối tác ngoại cũng dần được nâng lên mức tối đa 20% đối với NĐT tổ chức. Thậm chí, ABBank đã hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài lên mức 30%; trong đó, MayBank nắm 20% và IFC nắm 10%.

Mới đây, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT ABBAnk cho  biết, cá nhân ông mong NHNN sẽ nới room đến 49% cho các NĐT ngoại tại các ngân hàng cổ phần trong nước, vì các tổ chức tín dụng trong nước còn nhiều yếu kém, rất cần sự hỗ trợ kinh nghiệm và nguồn vốn từ đối tác ngoại.

Tổng giám đốc DongA Bank, ông Trần Phương Bình cho hay, Ngân hàng đang làm việc với một số NĐT nước ngoài trong kế hoạch tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng tới đây sau khi thu hút thêm 1.000 tỷ đồng vốn từ Tập đoàn Kinh Đô. 

Cổ đông nước ngoài đã làm được gì?

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải tất cả các đối tác chiến lược nước ngoài đều có thể mang lại sự hỗ trợ như kỳ vọng. Tại Eximbank, theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng, trong hơn 7 năm đồng hành cùng Eximbank, đối tác chiến lược SMBC (Nhật Bản) đã giúp Ngân hàng trong việc nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch và quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. SMCB hỗ trợ Eximbank tiếp cận nguồn vốn quốc tế với chi phí hợp lý. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, nợ xấu của Ngân hàng gia tăng, lợi nhuận sụt giảm.

Tại ĐHCĐ thường niên Eximbank mới đây, một cổ đông đã chất vấn SMBC về việc không kiểm soát được tình hình kinh doanh của Ngân hàng. Đại diện của cổ đông nước ngoài SMBC cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu tại Eximbank là biến động của nền kinh tế và không loại trừ yếu tố đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ tín dụng.

Cổ đông chiến lược của OCB là Tập đoàn BNP Paribas cũng cho biết, sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của OCB ở mức 20%, đồng thời tăng cường hoạt động hỗ trợ OCB trong việc chuyển giao các kinh nghiệm nền tảng và cùng OCB triển khai các dự án trọng điểm, hoàn thiện và thực thi chiến lược phát triển OCB giai đoạn 2011 - 2015.

Từ thực tế thị trường cho thấy, việc thu hút đối tác ngoại tham gia vào hoạt động ngân hàng đem lại nhiều lợi thế cho nhà băng nội, song cũng không hẳn tất cả các thương vụ mua bán sẽ phát huy hiệu quả sau thời kỳ hậu M&A. Ngược lại, không ít cổ đông ngoại đã nói lời chia tay do bất đồng quan điểm với cổ đông trong nước.

ANZ đã “chia tay” Sacombank vào đầu năm 2012 sau hơn 6 năm gắn bó, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn nắm giữ tại Sacombank cho Eximbank. Sau khi chia tay ANZ, Sacombank đã lên kế hoạch bán 20% cổ phần cho NĐT nước ngoài và ngân hàng này còn phát đi thông tin sẽ hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác ngoại trong năm 2013, nhưng đến nay, kế hoạch trên vẫn chưa được thực hiện và ngân hàng này sẽ gọi vốn ngoại sau khi hoàn tất việc nhận sáp nhập SouthernBank.

OCBC đã thoái vốn khỏi VPBank. VPBank cho rằng, các NĐT thường có lý do riêng khi bỏ vốn vào bất cứ đâu, có khi là vì mục tiêu lợi nhuận hoặc nhằm củng cố hình ảnh hay xem đây là cách thức thâm nhập một thị trường mới… Sau khi OCBC thoái vốn, VPBank còn 30% "room" vốn ngoại và đang có kế hoạch kêu gọi đối tác từ bên ngoài.

Fullerton Financials Holding (FFH) sẽ phải thoái vốn khỏi MeKong Bank và phần vốn 20% mà FFH nắm giữ sẽ được nhượng lại cho Maritime Bank khi MeKong Bank sáp nhập vào ngân hàng này.

Theo ông Andy Ho, với tỷ lệ cổ phần tối đa 20%, cổ đông nước ngoài khó có tiếng nói chi phối trong HĐQT, nên khó có được các quyết sách về chiến lược phát triển. Vì vậy, Chính phủ cần sớm xem xét nới “room” cho NĐT ngoại tại các TCTD.             

Tin bài liên quan