UOB là một ví dụ về sự không thành công khi đầu tư vào Southern Bank

UOB là một ví dụ về sự không thành công khi đầu tư vào Southern Bank

Đối tác ngoại, câu hỏi về sự hỗ trợ cho các ngân hàng nội

(ĐTCK) Việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài được các ngân hàng trong nước quan tâm, nhằm nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh khi có đối tác ngoại tham gia để có thể hỗ trợ về chiến lược kinh doanh, quan trị rủi ro theo thông lệ quốc tế cũng như đưa ra các sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ cao. Thế nhưng, trước xu hướng đến và đi của các đối tác chiến lược nước ngoài, nhiều người thắc mắc, cổ đông ngoại đã đóng góp được gì cho ngân hàng “nội”?

Được nhiều hơn mất?

Trên thực tế, đến nay đã có không ít ngân hàng Việt Nam bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, tỷ lệ cổ phần nắm giữ của đối tác ngoại cũng dần được nâng lên mức tối đa 20% đối với một tổ chức và thậm chí tổng hạn mức cổ phần của một số nhà băng còn dành cho đối tác ngoại lên đến 30%. Chẳng hạn như ABBank đã hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài lên mức tối đa 30%. Trong đó, MayBank nắm 20% và IFC nắm 10%.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các cổ đông nước ngoài được phép sở hữu tối đa 30% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam và như vậy, tại ABBank, tỷ lệ này đã được sử dụng hết. Với sự tham gia góp vốn của IFC và phần vốn nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần 20% của Maybank, vốn điều lệ của ABBank tăng lên 4.800 tỷ đồng.

Thế nhưng, khi được hỏi nếu Chính phủ và NHNN nới thêm “room” cho nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ABBank có ý định bán thêm cổ phần cho cổ đông ngoại hay không, người đứng đầu ABBank, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT cho rằng, cá nhân ông muốn đề nghị NHNN nới room đến 49% cho các ngân hàng cổ phần. Vì thời điểm này, các định chế tài chính còn non nớt, nhân lực, năng lực tài chính vừa thiếu vừa yếu kém nên việc tăng giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư ngoại là rất cần thiết.

“Khi có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ giúp chúng ta cải thiện năng lực cạnh tranh, thu hút được nguồn tài chính nhàn rỗi trên thế giới. Nhưng cũng cần lưu ý chúng ta sẽ không từ bỏ quyền làm chủ của mình”, ông Tiền nói.

ABBank tự nhận thấy mình thành công trong việc chào bán cổ phần cho đối tác ngoại. Còn nhớ năm 2008, khi MayBank vừa chuyển tiền xong cho ABBank thì hệ thống tài chính khủng hoảng. Giá cổ phần bán hồi đó cũng khá cao 5.000 đồng/cổ phiếu dù vốn điều lệ của ABBank lúc đó rất khiêm tốn, nhưng vẫn được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

MayBank là ngân hàng lớn nhất của Malaysia, có chi nhánh tại 150 nước trên thế giới, có ưu thế về năng lực quản trị, kinh nghiệm, chuyên nghiệp. Do đó, việc thu hút vốn từ MayBank, ngay từ những ngày đầu là cổ đông đã hỗ trợ rất nhiều cho ABBank, cử nhóm chuyên gia sang làm việc và tham gia vào HĐQT, các ủy ban của Ngân hàng… Đồng thời, MayBank giúp ABBank nhiều về quản trị nguồn nhân lực, quản trị rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo đánh giá của ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, các tư vấn và hỗ trợ của tổ chức, định chế tài chính nước ngoài đối với ngân hàng nội sẽ nâng cao năng lực quản trị ngân hàng theo hướng chuyên nghiệp hóa theo những thông lệ quốc tế. Với việc NHNN luôn tạo điều kiện thuận lợi trong cơ chế, chính sách điều hành cho hoạt động ngân hàng, việc hợp tác giữa các định chế tài chính quốc tế và nội địa được kỳ vọng sẽ tạo nên diện mạo mới cho ngành tài chính. Tại ABBank, sau khi trở thành cổ đông lớn của nhà băng này, đối tác chiến lược IFC đã cử nhân sự tham gia HĐQT và tiếp tục hỗ trợ ABBank cải thiện năng lực quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế và tài trợ thương mại.

Tuy nhiên, ông Kiêm cho rằng, không phải tất cả các đối tác chiến lược nào cũng có thể mang lại sự hỗ trợ như kỳ vọng của ngân hàng nội. Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là phải phối hợp được chặt chẽ và tâm đầu ý hợp giữa ngân hàng - đối tác.

Thực tế, không chỉ với ABBank mà nhiều ngân hàng khác cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ đối tác chiến lược nước ngoài để cùng nhau đẩy mạnh phát triển sau khi trở thành cổ đông của ngân hàng.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, kể từ khi thoả thuận liên minh chiến lược giữa Eximbank và SMBC (đối tác chiến lược của Eximbank) được ký kết vào cuối năm 2007, mở ra mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa 2 tổ chức, bổ sung cho nhau những công nghệ, kinh nghiệm hữu ích, tiên tiến.

Với sự đồng hành và hỗ trợ của SMBC, trong hơn 6 năm qua, Eximbank đã liên tục phát triển và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới cho thị trường, củng cố vững chắc vị thế là một trong những ngân hàng TMCP tại Việt Nam. Cụ thể, đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp: SMBC đã tư vấn và đề xuất Eximbank nâng cao hoạt động lập kế hoạch và hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, Eximbank đã hoàn thiện chính sách tín dụng và mô hình quản lý tín dụng tập trung. Bên cạnh đó, Eximbank cũng đã tăng cường quản lý rủi ro đối với hoạt động cấp tín dụng, kinh doanh vốn, kinh doanh vàng và kinh doanh tiền tệ.

Đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng bán lẻ. Đây được xác định là nội dung then chốt trong hợp tác chiến lược giữa hai bên ngay từ ban đầu nên SMBC đã hỗ trợ Eximbank lập kế hoạch phát triển ngân hàng bán lẻ trung và dài hạn, cũng như biệt phái các chuyên gia sang Việt Nam để cùng Eximbank triển khai các dự án cụ thể như phát triển các gói sản phẩm mới, tăng cường hoạt động kinh doanh thẻ, cho vay mua xe ô tô, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm... Ngoài ra, SMBC đã hỗ trợ Eximbank thu hút khách hàng Nhật tại Việt Nam đến giao dịch với Eximbank nhằm mở rộng nền tảng khách hàng cho Eximbank, gia tăng dịch vụ bán lẻ…

SMBC cũng đã hỗ trợ Eximbank tiếp cận nguồn vốn quốc tế với chi phí hợp lý và tăng cường thanh khoản cho Eximbank bằng hạn mức cho vay liên ngân hàng, tài trợ thương mại và bảo lãnh; tư vấn lựa chọn và áp dụng công nghệ thông tin hiện đại. Sự hợp tác liên minh hết sức chặt chẽ 6 năm qua đã giúp Eximbank đã nâng cao danh tiếng trên thị trường tài chính trong và ngoài nước.

Ông Hiroshi Minoura, Phó Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT SMBC cũng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ cùng với Eximbank tăng cường lợi thế liên minh kinh doanh. Theo ông Hiroshi Minoura, sự hợp tác giữa SMBC và Eximbank đã có những thăng trầm trong suốt thời gian qua, nhưng vẫn được duy trì và ngày càng sâu rộng hơn nhờ sự quản lý điều hành của Eximbank.

Cổ đông chiến lược của OCB là Tập đoàn BNP Paribas cũng cho biết, sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của OCB ở mức 20%, đồng thời tăng cường hoạt động hỗ trợ OCB trong việc chuyển giao các kinh nghiệm nền tảng của một ngân hàng hàng đầu châu Âu và cùng OCB triển khai các dự án trọng điểm, hoàn thiện và thực thi chiến lược phát triển OCB giai đoạn 2011 - 2015. Ngoài ra, tổ chức IFC (World Bank) và tổ chức JICA – Nhật Bản tiếp tục tài trợ ủy thác cho OCB trong hoạt động tín dụng và các hoạt động khác, mạng lưới ngân hàng đại lý ngày càng được mở rộng...

Nhưng không dễ đồng lòng

Từ thực tế thị trường cho thấy, việc thu hút đối tác ngoại tham gia vào hoạt động ngân hàng sẽ đem lại nhiều lợi thế cho nhà băng nội, song cũng không hẳn tất cả các thương vụ mua bán sẽ phát huy hiệu quả sau thời kỳ hậu M&A. Ngược lại, đã không ít cổ đông ngoại nói lời chia tay với ngân hàng nội, do bất đồng quan điểm giữa hai bên.

Điểm lại một số trường hợp như ANZ đã chia tay Sacombank vào đầu năm 2012 sau hơn 6 năm “kết hôn”. Với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 9,73%, ANZ đã tham gia vào hoạt động của Sacombank khi có một số cán bộ nắm giữ các vị trí chủ chốt trong nhà băng này. Đồng thời, Sacombank và ANZ cũng lên nhiều kế hoạch phát triển cho tương lai, trong đó có kế hoạch ra mắt trung tâm thẻ và chiến lược đẩy mạnh bán lẻ….

Thế nhưng, đầu năm 2012, ANZ đã chính thức nói lời chia tay Sacombank khi chuyển nhượng toàn bộ phần vốn nắm giữ tại Sacombank cho Eximbank. Giới tài chính không ngạc nhiên với động thái này, bởi thời điểm ANZ thoái vốn khỏi Sacombank cũng là thời kỳ Sacombank bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông lớn, trong đó có Eximbank. Còn về phía ANZ, trong các phát ngôn chính thức thì mục đích của việc thoái vốn không được tiết lộ, Ngân hàng này chỉ cho biết sự hợp tác không còn phù hợp với mục đích của các bên.

Sau khi chia tay ANZ, Sacombank đã lên kế hoạch bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng này còn phát đi thông tin sẽ hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác ngoại trong năm 2013. Thế nhưng, đến nay kế hoạch trên vẫn chưa được hoàn tất.

Mới đây nhất có trường hợp của OCBC thoái vốn khỏi VPBank. Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho rằng, các nhà đầu tư thường có lý do riêng khi bỏ vốn vào bất cứ đâu, có khi là vì mục tiêu lợi nhuận hoặc nhằm củng cố hình ảnh hay xem đây là cách thức thâm nhập một thị trường mới… Và với bất cứ lý do gì thì việc thoái vốn cũng có thể xảy ra khi họ đã đạt được một trong số đó hoặc xác định chắc chắn không thể đạt được mục tiêu của mình.

Tuy nhiên, trong những năm qua, môi trường kinh tế vĩ mô cũng như ngành ngân hàng có nhiều biến động. Chính điều này dẫn đến việc các bên đều phải xây dựng, điều chỉnh và triển khai những chiến lược phát triển kinh doanh mới. Và có thể vì lẽ đó mà chiến lược của các bên cũng không còn phù hợp.

OCBC đã đồng hành cùng VPBank trong một giai đoạn dài. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, OCBC đã rút toàn bộ đại diện của mình ở HĐQT và Ban điều hành VPBank. Sau khi OCBC thoái vốn, VPBank còn 30% "room" vốn ngoại và có thể hơn, nhưng chưa rõ kế hoạch gọi vốn ngoại của Ngân hàng.

Từ cuối năm 2010, MeKong Bank đã chính thức bắt tay với cổ đông chiến lược nước ngoài là công ty đầu tư tài chính Fullerton Financial Holdings (FFH), công ty có 100% vốn của Teamasek Holdings (Singapore). FFH là một công ty hoạt động điển hình với chuyên môn quản lý cao và kinh nghiệm hoạt động đáng nể tại các thị trường mới nổi như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc. Mỗi vị trí quản lý tại FFH đều là những chuyên gia có ít nhất 20-30 năm kinh nghiệm trong ngành. FFH không chỉ đóng vai trò tư vấn, mà còn đồng hành với MeKong Bank thông qua việc trực tiếp làm việc với đội ngũ nhân viên ngân hàng nhằm chuyển giao những kinh nghiệm, kiến thức, tiêu chuẩn quốc tế.

Thế nhưng, trước làn sóng sáp nhập của ngành hiện nay MeKong Bank cũng không thể thoát vòng xoáy đó khi phải sáp nhập vào Maritime Bank, nhiều khả năng FFH sẽ thoái vốn khỏi MeKong Bank, chuyển nhượng phần vốn 20% cho Maritime Bank.

Theo đại diện của một cổ đông chiến lược nước ngoài, bản chất của việc hợp tác là đôi bên cùng có lợi. Vì vậy, kể từ khi trở thành cổ đông chiến lược, chắc chắn các nhà đầu tư cũng sẽ bỏ tâm huyết để cùng ngân hàng phát triển. Tuy nhiên, trong suốt quá trình hợp tác, không phải lúc nào cũng tìm được tiếng nói chung mà nhiều lúc khó tránh được sự bất đồng, song nếu giải quyết được, đôi bên sẽ cùng có lợi.

“Nếu tỷ lệ cổ phần của nhà đầu tư ngoại chỉ được nắm 20% sẽ không nắm được quyền chi phối ngân hàng. Thực tế, trong mối quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng và đối tác chiến lược nước ngoài luôn có hai mặt từ hai phía nên lúc nào cũng đòi hỏi sự đồng thuận của 2 bên. Tuy nhiên, chỉ với 20% vốn điều lệ thì các cổ đông rất khó có thể nắm được quyền chi phối. Vì thế, việc nâng ‘room’ cho nhà đầu tư ngoại lên trên 50% là cần thiết", vị đại diện trên nói.

Trong khi đó, một tổng giám đốc người nước ngoài của một ngân hàng trong nước đưa ra nhận định, một khi đã bắt tay hợp tác thì hai bên sẽ cùng xây dựng các chiến lược đưa ngân hàng phát triển ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, có thể do những khác biệt về môi trường hay khác biệt ngoại tại, nội tại, tình hình kinh tế… nên tại Việt Nam cho đến thời điểm này, hầu như các đối tác chiến lược nước ngoài chưa thể hiện hết được vai trò và đạt được kỳ vọng mong muốn so với thời điểm ban đầu họ bước vào cuộc "hôn nhân".

“Sở dĩ tôi dùng từ hôn nhân hay lương duyên để ví von với các cuộc hợp tác để lột tả một cách cụ thể hơn nội tại của một tổ chức. Nhưng một khi cả vợ và chồng đều tranh nhau đưa ra quyết định thì chắc chắn sẽ xảy ra sự bất đồng quan điểm và sẽ khó có thể đem lại thành công. Do đó, một khi đã có sự bất đồng, cần giải quyết sớm và quan trọng nhất là sự hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau về kiến thức kinh nghiệm quốc tế cũng như kinh nghiệm địa phương”, vị tổng giám đốc ngân hàng trên nói.

Thực tế, chưa hẳn sự hợp tác với đối tác chiến lược nước ngoài mà các nhà băng đã thành công trong chiến lược tăng tốc và phát triển. Một số ngân hàng đã có cổ đông ngoại nhưng đến nay vẫn chưa tạo được dấu ấn.

Đơn cử như Southern Bank bán 20% cổ phần cho UOB, nhưng dường như đối tác chiến lược nước ngoài vẫn chưa chi phối được phần nào tại Southern Bank khi tại các cuộc ĐHCĐ thường niên của Southern Bank, đối tác chiến lược nước ngoài vẫn luôn bị lép vế và kết quả hoạt động các năm của Southern Bank không như kế hoạch đặt ra, nợ xấu tăng… và nhiều khả năng UOB cũng sẽ thoái vốn khỏi Southern Bank khi ngân hàng này sáp nhập vào Sacombank.

Hiện PGBank đang hoàn tất việc bán 100% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi được sự đồng của NHNN và thị trường đồn thổi, không ai khác là UOB.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan