Đổi nợ xấu thành vốn góp: Ngân hàng ngậm đắng, nợ càng dày thêm?

Đổi nợ xấu thành vốn góp: Ngân hàng ngậm đắng, nợ càng dày thêm?

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, rất nhiều ngân hàng đã phải ngậm đắng khi lựa chọn cách chuyển nợ xấu thành vốn góp, đổ vốn nuôi nợ, cuối cùng nợ lại dày thêm.

Nhà băng thành nhà đầu tư đa ngành?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng, trong đó có phần liên quan đến hoán đổi nợ xấu. Theo đó, tổ chức tín dụng được chuyển nợ xấu thành vốn góp, nhưng chỉ được áp dụng riêng với nợ xấu thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.

Trên thực tế, việc đổi nợ thành vốn góp đã từng xảy ra, như SHB đổi nợ của Bianfishco thành vốn góp và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này và VietinBank biến khoản nợ 5.000 tỷ đồng của Vinalines thành cổ phần tại một số cảng thành viên trực thuộc Vinalines. Cả hai trường hợp này, khả năng thu hồi nợ là khá khả quan. Với Bianfishco, việc đổi nợ thành vốn góp của SHB đã giúp doanh nghiệp này thoát bờ vực phá sản, dần hoạt động trở lại.

"Khi các ngân hàng chuyển nợ xấu thành vốn cổ phần thì các ngân hàng đó phải tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tức là phải bơm thêm tiền. Tuy nhiên, 80% trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng này là không thể cứu vãn"

- TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Nhìn từ Bianfishco, VietinBank, có thể thấy, đổi nợ thành vốn góp có nhiều điểm tích cực. Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy, giải pháp nuôi nợ này giúp ngân hàng có thêm thời gian để thu hồi nợ, trước mắt là làm sạch bảng cân đối tài sản, giúp nợ xấu giảm đi nhanh chóng. Bên cạnh đó, khoản tín dụng được biến thành khoản đầu tư tài chính, giúp “room” tín dụng của ngân hàng được mở rộng thêm.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng hào hứng với giải pháp này. Nhiều ý kiến cho rằng, nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn. Những doanh nghiệp có nợ nhóm này thường quản trị kém, kinh doanh không hiệu quả. Hơn nữa, để “nuôi” được những con nợ này đến lúc khỏe để trả nợ, ngân hàng sẽ phải bơm thêm tiền, đầu tư nhiều thời gian, công sức để vực dậy doanh nghiệp. Do đó, đầu tư vào các doanh nghiệp ngoài ngành rủi ro sẽ rất lớn.

“Rất ít ngân hàng muốn chuyển nợ nhóm 5 thành vốn góp, trừ khi doanh nghiệp đó là sân sau của ngân hàng hoặc doanh nghiệp đó sở hữu khối tài sản bất động sản hoặc quỹ đất lớn, ở vị trí đắc địa”, một lãnh đạo ngân hàng kết luận.

Được biết, hiện nay, rất nhiều ngân hàng đổ vốn cho vay hạ tầng, giao thông, bất động sản, xi măng... Nếu việc chuyển nợ thành vốn góp diễn ra ồ ạt, các ông chủ nhà băng sẽ trở thành những nhà đầu tư giao thông, bất động sản, trong khi lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chỉ nên cho phép VAMC thực hiện đổi nợ thành vốn góp

Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp đổi nợ xấu thành vốn góp tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi sở hữu chéo của hệ thống ngân hàng Việt Nam khá phức tạp, hầu hết các ông chủ ngân hàng đều có mối quan hệ thân hữu với các công ty sân sau. Nếu cho chuyển nợ thành vốn góp, có thể ngân hàng sẽ nhắm đến các khoản nợ liên quan đến sở hữu chéo, khiến việc nhận diện nợ xấu trở nên khó khăn. Mặt khác, bản thân việc chuyển nợ thành vốn góp cũng khiến sở hữu chéo trở nên phức tạp hơn.

"Nếu chuyển nợ thành vốn góp, chỉ nên để VAMC tiến hành. Tuyệt đối không nên để các tập đoàn, doanh nghiệp đổi nợ thành vốn góp của các ngân hàng"

- TS. Lê Xuân Nghĩa.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc chuyển nợ thành vốn góp chỉ là giải pháp tạm thời, không nên lạm dụng và chỉ nên áp dụng với một số trường hợp.

“Nếu chuyển nợ thành vốn góp, chỉ nên để Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tiến hành. Tuyệt đối không nên để các tập đoàn, doanh nghiệp đổi nợ thành vốn góp của các ngân hàng. Làm như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng, khiến sở hữu chéo ngày càng chằng chịt hơn”, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, rất nhiều ngân hàng đã phải ngậm đắng  khi lựa chọn cách chuyển nợ xấu thành vốn góp, đổ vốn nuôi nợ, cuối cùng nợ lại dày thêm.

“Khi các ngân hàng chuyển nợ xấu thành vốn cổ phần thì các ngân hàng đó phải tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tức là phải bơm thêm tiền. Tuy nhiên, 80% trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng này là không thể cứu vãn. Do đó, giải pháp lấy tiền mới để cứu tiền cũ đa phần đi vào bế tắc và thiệt hại hoàn toàn”, ông Hiếu nói.

Tin bài liên quan