Tính từ đầu năm đến nay, USD đã tăng giá 10-15% so với các ngoại tệ mạnh khác, trong đó, cá biệt đồng rup mất giá đến gần 100%. Biến động lớn như vậy đang buộc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải có sách lược ứng phó vì không chỉ tác động đến giá trị kim ngạch, mà còn ảnh hưởng lớn đến thị trường, đối tác.
Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính một doanh nghiệp xuất khẩu lớn cho hay, nhiều đối tác nhập hàng của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề. Chẳng hạn, xuất hàng sang thị trường EU, trường hợp thanh toán bằng USD, nếu nhà nhập khẩu mua kỳ hạn USD để thanh toán, họ ít bị ảnh hưởng. Nhưng trường hợp nhà nhập khẩu không sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, mức biến động 15% của tỷ giá USD/EUR sẽ khiến họ thua lỗ nặng nề. Hủy hợp đồng, trì hoãn thời gian nhận hàng, hoặc xin giảm số lượng hàng nhập là những đề xuất đã được đưa ra. Chưa kể, USD tăng giá khiến hàng hóa đắt đỏ hơn, cũng khiến người tiêu dùng ở các thị trường giảm, nhu cầu hoặc tìm kiếm mặt hàng khác thay thế. Nhu cầu nhập khẩu của các bạn hàng, do đó cũng giảm mạnh. Cá biệt, một số đối tác tại Nga đã buộc phải hủy hợp đồng do đồng rúp mất giá quá lớn.
Doanh nghiệp trên xuất khẩu vào 38 thị trường khác nhau trên thế giới, trong nhiều hợp đồng, họ cũng thanh toán bằng các ngoại tệ khác ngoài USD. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo doanh nghiệp, dù tính bằng đồng tiền nào chăng nữa, doanh nghiệp đều phải quy về đồng USD để đàm phán giá.
Ở trong nước, giới chuyên gia kinh tế nhiều lần khuyến nghị với doanh nghiệp nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán. Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia đến từ BIDV, nếu thanh toán bằng euro, yên Nhật hay đôla Úc, thời điểm này, doanh nghiệp sẽ được lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, dù thanh toán bằng ngoại tệ nào, khi tiền về Việt Nam, để đổi sang đồng nội tệ, doanh nghiệp đều phải quy sang USD để tham chiếu. Cụ thể, các ngân hàng sẽ tham khảo tỷ giá giữa USD và các ngoại tệ khác trên thị trường thế giới, để tính ra giá mua ngoại tệ cho doanh nghiệp. Do vậy, đa dạng hóa kênh thanh toán cũng không hẳn đem lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp.
Do tỷ giá VND và USD đang ổn định, trong khi tỷ giá giữa USD và các ngoại tệ mạnh khác biến động lớn, nên VND đang lên giá so với các ngoại tệ khác, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang trở lên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế. Sức mua đang bị tác động đáng kể.
Theo ước tính của nhiều doanh nghiệp, bên cạnh yếu tố mùa vụ, biến động tỷ giá mạnh như trên sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu quý I của Việt Nam. “Từ cuối tháng 12, xuất khẩu đã không còn thuận lợi như trước. Nguyên nhân lớn nhất là biến động tỷ giá khiến giá cả hàng hóa tăng mạnh, gây sốc cho khách hàng. Họ cần có thời gian để quen dần với mặt bằng giá mới”, lãnh đạo một doanh nghiệp thủy sản cho biết.
Với các doanh nghiệp nhập khẩu, do tỷ giá VND/USD hiện vẫn dưới trần (mức trần là 21.673 VND/USD) nên tác động không quá lớn, song doanh nghiệp lo ngại, diễn biến này có thể khiến việc mua ngoại tệ cho các hoạt động thanh toán khó khăn. Đầu tuần này, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng đã tăng khá mạnh so với trước, mức cao nhất theo ghi nhận đã lên tới 21.600 VND/USD. Chênh lệch giữa giá mua vào với bán ra cũng được nới rộng, lên tới trên 100 VND, gấp đôi mức thông thường trước đây. Như vậy, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng đã sắp chạm trần. Với biến động giá lớn trên thế giới, doanh nghiệp đang tính đến khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh giảm giá tiếp VND thêm 1% (đầu năm đã có một đợt điều chỉnh 1%). Như vậy, lợi nhuận và các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2015 sẽ phải có những điều chỉnh tương ứng.
Trong khi đó, những động thái mới về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới tiếp tục khiến doanh nghiệp phải theo dõi sát sao. Tới đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tiếp tục tung ra 1.200 tỷ euro, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan cũng đã cắt giảm lãi suất 1-2 đợt kể từ đầu năm đến nay. Mỗi nước đang theo đuổi chính sách tài khóa, tiền tệ khác nhau, nhưng xu hướng chung vẫn là nới lỏng.