Đoạn trường đòi nợ của các ngân hàng

Các ngân hàng đang vô cùng sốt ruột về tốc độ xử lý nợ xấu, do các vướng mắc liên quan đến tòa án và cơ quan thi hành án.
Lãnh đạo Maritime Bank cũng đồng tình với đề xuất thêm quyền cho các tổ chức tín dụng

Lãnh đạo Maritime Bank cũng đồng tình với đề xuất thêm quyền cho các tổ chức tín dụng

Thi hành án thờ ơ

Không phải là chuyện mới, nhưng vướng mắc ở khâu thi hành án khi đòi nợ được xới đi, xới lại tại nhiều hội nghị ngành ngân hàng. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng Hà Nội tổ chức giữa tuần qua, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) nêu một thực tế mà đa phần các ngân hàng đang phải đối mặt: “Ngân hàng đã khởi kiện khách hàng ra tòa, nhưng việc này mất hàng năm trời. Có những vụ kiện ngân hàng đeo đuổi hơn 3 năm, nhưng chưa xử lý được tài sản bảo đảm. Đề nghị ban hành văn bản cho phép các tổ chức tín dụng có nhiều quyền hơn trong xử lý các tài sản đảm bảo”.

Chia sẻ bức xúc của Maritime Bank, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hà Nội cũng cho rằng, công tác thu hồi nợ xấu hiện rất gian nan, nhất là khâu phát mại tài sản do kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý xử lý tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp chưa đầy đủ. “Từ khi kiện đòi nợ đến khi bản án ra đời một 1 năm, sau đó mất vài năm nữa để thi hành án, nhưng tỷ lệ thi hành án thành công rất thấp”, vị đại diện này nói.

Theo thông tin từ các ngân hàng, hiện khối tài sản thế chấp của các ngân hàng bị tắc ở khâu thi hành án lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Khẳng định thực trạng này, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho hay, thủ tục thi hành án hiện nay rất nhiêu khê, phức tạp, kéo dài. Ngân hàng khi muốn phát mãi tài sản, nhanh nhất cũng mất 4 năm, thậm chí nhiều vụ việc kéo dài hàng chục năm. 

Bế tắc trong bán tài sản đảm bảo để đòi nợ, nhiều ngân hàng đã chọn giải pháp bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho biết, ngay cả VAMC cũng đang vướng nhiều khoản nợ đã mua mà án đã có hiệu lực, song cơ quan thi hành án không thể thu hồi.

“Xử” nợ xấu không thể đợi luật

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện cả nước còn khoảng 50.000 án tồn đọng không thi hành được, trong đó có những án kéo dài 20-30 năm. Hiệu lực thi hành án kém, tốc độ triển khai quá chậm khiến các ngân hàng đang mất niềm tin.

Kết quả khảo sát mà VCCI công bố đầu năm nay khiến nhiều người giật mình: tỷ lệ thành công khi thuê “xã hội đen” thu hồi nợ cao đến 90% và thời gian chỉ từ 15 đến 30 ngày. Trong khi đó, nếu thông qua con đường khởi kiện và nhờ tới cơ quan thi hành án, hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian trung bình là hơn 1 năm.

Trước tình trạng trên, ông Trần Đạo Vũ, Phó tổng giám đốc DongABank đề nghị, cần nhanh chóng kết nối được tòa án với các ngân hàng thương mại, nếu không, tốc độ xử lý nợ xấu khó có thể đẩy nhanh.

Trong khi đó, theo Luật sư Hoàng Đàm, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Hoàng Đàm và Toàn Cầu, tình trạng tòa án quá tải, ngân hàng đang “chết chìm” trong giao dịch đảm bảo là do lỗi của Bộ luật Dân sự.

Các ngân hàng hy vọng, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ sớm được ban hành theo hướng trao nhiều quyền hơn cho tổ chức tín dụng, tháo gỡ vướng mắc về bán tài sản đảm bảo hiện nay. Tuy nhiên, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) mới đây lại đưa ra nhiều quy định khiến ngân hàng thêm lo lắng, nhất là quy định bên thế chấp được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn đối tượng tài sản thế chấp mà không cần có sự đồng ý của bên nhận thế chấp.  

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, hơn 1 năm qua, ngân hàng này đã phát hiện hàng chục vụ tẩu tán tài sản của bên vay. “Pháp luật chưa cho phép mà khách hàng đã “bán trộm” tài sản thế chấp tràn lan, nay lại còn cho phép bán hợp pháp nữa thì ngân hàng sẽ đóng cửa không dám cho vay”.

Trước những vướng mắc trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, không thể đợi Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được ban hành, mà cần khẩn cấp ban hành ngay một số quy định cần thiết để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Bởi nếu đợi ban hành đầy đủ Luật và các văn bản dưới luật, thì các ngân hàng có thể phải đợi thêm hàng năm trời. Hệ quả của sự trì hoãn này là ung nhọt nợ xấu có thể bị vỡ bất cứ lúc nào, bởi tỷ lệ nợ xấu thật không đẹp như báo cáo.

-Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng lớn như Agribank, VDB, Vietinbank cao hơn nhiều so với báo cáo của các ngân hàng này.

-Tại Agribank, nợ xấu lên tới 23.652 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ là 29.605 tỷ đồng.

Nguồn: Kiểm toán Nhà nước

Tin bài liên quan