4 tháng đầu năm 2018, tín dụng tăng trưởng trên 5% là mức tăng hợp lý, tương đối đồng đều với tốc độ tăng trưởng huy động vốn

4 tháng đầu năm 2018, tín dụng tăng trưởng trên 5% là mức tăng hợp lý, tương đối đồng đều với tốc độ tăng trưởng huy động vốn

Điều tiết tăng trưởng tín dụng: Có thể dỡ bỏ cơ chế “khoán” tín dụng

(ĐTCK) Hiện tại, môi trường kinh tế vĩ mô đang ổn định, trong khi định hướng phát triển kinh tế của Chính phủ nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, không nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế như là ưu tiên hàng đầu... Liệu đây là thời điểm thích hợp để Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ để điều tiết tăng trưởng tín dụng?

Đã có những điều kiện nền tảng…

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cho biết, với định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 17% (có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế), Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phân bổ các chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng.

Thực tế, trong 4 tháng đầu năm 2018, tín dụng tăng trưởng trên 5%, tương đồng với cùng kỳ năm 2017 và theo ông Hà, đây là mức tăng hợp lý, tương đối đồng đều với tốc độ tăng trưởng huy động vốn để đảm bảo cho thanh khoản của hệ thống, cũng như mặt bằng lãi suất được giữ ổn định.

Nhìn lại thời điểm giữa năm 2017, một loạt ngân hàng đã phải xin nới “room” tăng trưởng do tín dụng đã tăng mạnh ngay từ đầu năm. Khi đó, đã có những đề xuất về việc Ngân hàng Nhà nước nên sử dụng các công cụ chính sách tệ để tác động tới toàn hệ thống nhằm hoàn thành mục tiêu này.

Không cần thiết hạn chế tăng trưởng với những ngân hàng đủ vốn, nợ xấu thấp và ngược lại, nếu để tín dụng tăng quá nhanh, dẫn đến không đủ vốn, ngân hàng đó sẽ không được tăng trưởng thêm

- Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam

Còn lại, để cho mỗi ngân hàng được tự quyết định mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng và nhu cầu. Bởi bài học xương máu về cho vay không kiểm soát chặt chẽ vẫn còn đó và chính các ngân hàng đang phải “gặm nhấm” nỗi đau này hàng ngày, nên họ sẽ không dễ dàng “vung tay”.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng phân tích, khi nào tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động thì có thể coi là có dấu hiệu tăng trưởng "nóng". Giai đoạn 2001-2007, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng bình quân trên 30%/năm và đặc biệt, năm 2006 tăng cao kỷ lục trên 50%, trong khi huy động vốn chỉ hơn 20%.

Trong khi đó, số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng 3,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,8%). Đến cuối tháng 4/2018, tín dụng ước tăng khoảng 4,3% so với cuối 2017 (4 tháng đầu năm 2017 tăng 5,6%).

“Thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tương đối dồi dào. Tính đến cuối tháng 4/2018, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động (LDR) ở mức 87,9% (cùng kỳ năm 2017 là 88%). Trong đó, LDR bằng VND là 89,8%; LDR bằng ngoại tệ là 71,7%”, thông tin từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết.

Điểm đáng chú ý là thanh khoản VND trên thị trường được dự báo tiếp tục ổn định khi áp lực tỷ giá trong năm 2018 được dự báo không lớn.

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, áp lực đối với tỷ giá USD/VND từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD là không lớn, vì với chính sách của Tổng thống Donald Trump, "đồng bạc xanh" có xu hướng yếu đi.

Trong khi đó, triển vọng dòng vốn FDI, FII vào Việt Nam tiếp tục thuận lợi. Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ và các nước khác phục hồi tích cực giúp duy trì ổn định dòng kiều hối về Việt Nam. Cán cân thanh toán quốc tế có khả năng tiếp tục có thặng dư, dù cán cân thương mại có thể thâm hụt.

… để dỡ bỏ những biện pháp hành chính

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, để kiểm soát lượng vốn bơm vào nền kinh tế, cũng như đảm bảo an toàn tín dụng và hoạt động của hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã khống chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng ngân hàng.

Theo đó, tùy vào năng lực vốn chủ sở hữu, mức độ kiểm soát rủi ro tín dụng của mình, các tổ chức tín dụng sẽ được giao những hạn mức tín dụng khác nhau. Ưu điểm của biện pháp này là giúp cơ quan quản lý kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, ngăn chặn được tình trạng tăng "nóng" tại một số tổ chức tín dụng yếu kém.

“Tuy nhiên, khi quy mô đã lớn, ngân hàng không nhất thiết phải tăng trưởng tín dụng cao. Trong khi đó, một số ngân hàng nhỏ nhưng hoạt động lành mạnh, có tiềm năng tăng trưởng cao, lại bị hạn chế bởi công cụ này…

Tóm lại, không cần thiết hạn chế tăng trưởng với những ngân hàng đủ vốn, nợ xấu thấp và ngược lại, nếu để tín dụng tăng quá nhanh, dẫn đến không đủ vốn, ngân hàng đó sẽ không được tăng trưởng thêm. Khi hệ thống ngân hàng đã lành mạnh, tình trạng yếu kém đã được khắc phục, tôi cho rằng, có thể dỡ bỏ cơ chế 'khoán' tín dụng này”, ông Thành nói.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, mỗi ngân hàng tùy theo năng lực sẽ tăng trưởng tín dụng theo một mức độ phù hợp nhất với mình.

Dĩ nhiên, trong quá khứ đã có những ngân tăng trưởng quá "nóng", tạo nên một thị trường tín dụng không kiểm soát, cho vay bừa bãi, hậu quả là gây ra nợ xấu lớn, nhưng không vì thế mà lấy câu chuyện của gần10 năm trước để áp dụng cho hiện tại.

“Điều cần thiết là Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra một định hướng chung cho hệ thống và dùng công cụ của chính sách tiền tệ đưa hoạt động tín dụng của các ngân hàng vào trong các chỉ tiêu mình muốn gắn liền với tăng trưởng GDP, nhu cầu vay vốn trên thị trường, cũng như tất cả những điều kiện trong hệ thống tài chính, chứ không nên áp đặt con số tăng trưởng tín dụng cụ thể lên từng ngân hàng”, TS. Hiếu nói.

Theo đó, ông Hiếu gợi ý sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ để điều tiết tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, thứ nhất, tăng lãi suất cao sẽ hạn chế đi vay, từ đó hạn chế tăng trưởng tín dụng; thứ hai, dự trữ bắt buộc cần được cơ quan quản lý sử dụng linh hoạt hơn, ví dụ khi cung tiền nhiều, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tăng dự trữ bắt buộc nhằm hạn chế dòng tiền; thứ ba, dùng các công cụ khác như tái chiết khấu, tái cấp vốn để điều chỉnh lượng tín dụng trong lưu thông; thứ tư, trên thị trường mở (OMO) giao dịch trái phiếu chính phủ, bán ra trái phiếu nhằm hút tiền về để hạn chế cho vay, hoặc mua vào trái phiếu nhằm đẩy tiền ra, thúc đẩy cho vay.

“Ở nước ngoài, còn một công cụ nữa được dùng để điều tiết tăng trưởng tín dụng gọi là Moral Persuasion, tức là kêu gọi các ngân hàng thực hiện các hoạt động qua hướng dẫn của ngân hàng trung ương”, TS. Hiếu nói.  

Tin bài liên quan