Đến năm 2020, tài sản do robot quản lý sẽ tăng lên 2.200 tỷ USD

Đến năm 2020, tài sản do robot quản lý sẽ tăng lên 2.200 tỷ USD

(ĐTCK) Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và số hóa trong dịch vụ ngân hàng cá nhân cùng sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech đang đặt ra cho các ngân hàng một yêu cầu thay đổi nhanh chóng trên cơ sở kết nối và chia sẻ.

Cơ hội lớn cho ngành ngân hàng 

Tại Diễn đàn ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2017 với chủ đề “Tương lai ngân hàng bán lẻ và dịch vụ thanh toán trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Việt Nam) đồng tổ chức, ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, công nghệ mới đang làm thay đổi mạnh mẽ các lĩnh vực như Uber, ngân hàng số không cần có chi nhánh vật lý.

“Công nghệ sẽ làm thay đổi ngành tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng, trong đó cũng đặt ra các thách thức lớn cho ngân hàng trong việc thu hút khách hàng. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp ngân hàng tạo ra các dịch vụ giống như các phần mềm trợ lý ảo và tương lai ngân hàng với phần mềm nhận diện giọng nói sẽ làm thay đổi bộ mặt ngân hàng”, ông Tuấn nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, công nghệ tiếp tục thay đổi rất nhanh, đặc biệt khi sự phát triển của công nghệ không chỉ là những sáng kiến cải tiến nhỏ lẻ, mà đã trở thành trào lưu, làn sóng mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới…

“Nâng cao độ an toàn bảo mật cũng như phát triển và hoàn thiện các dịch vụ ngân hàng bán lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng và nâng cao sự hài lòng của khách hàng, nhất là khách hàng trẻ, thế hệ Y, Z rất nhạy bén và hào hứng với công nghệ mới là nhiệm vụ mà các ngân hàng cần hướng tới”, ông Thắng nói.

Thông tin tại Diễn đàn cho thấy, đặc điểm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) là tốc độ thay đổi nhanh chóng, tác động sâu và rộng đến mọi mặt cuộc sống và mọi chủ thể, gồm cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, quốc gia và toàn cầu.

Đến năm 2020, tài sản do robot quản lý sẽ tăng lên 2.200 tỷ USD ảnh 1

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Bên cạnh đó, “kết nối, chia sẻ và dữ liệu” là rất quan trọng trên cơ sở kết hợp nhiều công nghệ, hoạt động khác nhau; kết nối giữa thực và ảo. Hơn thế, đó là sự thay đổi dòng thông tin-dữ liệu, tri thức, vai trò của doanh nghiệp và cá nhân.

Cụ thể, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, cách mạng 4.0 sẽ đưa lại cơ hội đối với hệ thống ngân hàng trên cơ sở giảm chi phí giao dịch và quản lý (30-80% theo Mckinsey&Co).

Ứng dụng công nghệ hiện đại, hỗ trợ phát triển và cung cấp sản phẩm, dịch vụ với chất lượng cao hơn, quản trị điều hành, hoạch định chiến lược; tăng năng suất lao động dẫn đến tăng năng lực cạnh tranh… Cùng với đó là tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác (nhất là với các Fintech…).

“Tăng cơ hội kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, tài chính số… Tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực; tham gia hệ sinh thái kinh tế điện tử kết hợp tài chính, y tế, bảo hiểm, du lịch, giáo dục, thương mại và kinh doanh bất động sản… Đặc biệt, đó là cơ hội để đổi mới, đột phá, ra quyết định trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (mô hình ngân hàng số)”, TS. Lực nói.

Nhưng thách thức không ít

Không phải ngẫu nhiên hệ thống ngân hàng lại có cơ hội đến thể nếu nhìn vào xu thế thương mại điện tử. Cụ thể, số liệu đưa ra tại Diễn đàn cho biết, thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với nhau trên toàn cầu có thể đạt 6.700 tỷ USD năm 2020; thương mại số dự báo tăng 15%/năm giai đoạn 2015-2020. Công nghệ số góp phần thay đổi dịch vụ, doanh thu và hiệu quả kinh doanh.

Đến năm 2020, tài sản do các chuyên gia tư vấn tự động, online quản lý sẽ tăng 68%, lên đến 2.200  tỷ USD; 60% đầu tư công nghệ thông tin thuộc diện điện toán đám mây. Còn gần hơn, đến năm 2018, kinh doanh dùng công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu của ngân hàng so với mức 32% năm 2014. Đặc biệt, dữ liệu lớn và phân tích kinh doanh giúp tạo ra sự khác biệt và nâng cao hiệu quả cho các ngân hàng.

Đến năm 2020, tài sản do các chuyên gia tư vấn tự động, online quản lý sẽ tăng 68%, lên đến 2.200  tỷ USD; 60% đầu tư công nghệ thông tin thuộc diện điện toán đám mây.

Tuy nhiên, thách thức cũng không phải là ít đối với hệ thống ngân hàng.

Theo TS. Lực, đó là việc phải thay đổi về mô hình kinh doanh, tổ chức, quản trị, văn hóa kinh doanh và loại hình định chế-quản lý sự thay đổi. Đòi hỏi thay đổi và đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ thông tin bao gồm nguồn vốn đầu tư và giải pháp đầu tư tối ưu. Rủi ro công nghệ thông tin tăng, đặc biệt an ninh mạng, thanh toán, dữ liệu, vấn đề bảo mật… Cạnh tranh tinh vi và khốc liệt hơn giữa các ngân hàng số với các công ty Fintech…

“Xu hướng phát triển của tiền kỹ thuật số tác động tới hệ thống thanh toán và thị trường tiền tệ. Đó là sự hiểu biết của khách hàng, đối tác và cơ quan quản lý về tài chính số hạn chế. Khuôn khổ pháp lý đôi khi còn chậm; giảm cơ hội và tăng rủi ro pháp lý. Đặc biết, thách thức là nguồn nhân lực sẽ được cắt giảm và sàng lọc nhân sự; nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin thiếu và yếu; dịch chuyển lao động lớn và nhanh hơn; yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và trình độ khác đi và cao hơn”, ông Lực nhấn mạnh.

Tin bài liên quan