Để VAMC thực sự trở thành công cụ mạnh

Để VAMC thực sự trở thành công cụ mạnh

(ĐTCK) Từ năm 2007 - 2010, tín dụng ngân hàng tăng trưởng quá nóng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng và những hệ lụy đối với nền kinh tế.

Do đó, vấn đề đặt ra từ năm 2011 là tìm kiếm một mô hình xử lý nợ xấu phù hợp với Việt Nam để xử lý nhanh nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD), nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho DN và cho chính TCTD, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp không đủ để hỗ trợ xử lý nợ xấu nhanh và triệt để.

Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) ra đời với nhiệm vụ chính là xử lý khối nợ xấu ngày càng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt phải chuẩn bị hành trang cho quá trình tái cơ cấu các TCTD và phân loại chất lượng theo thông lệ quốc tế mà không sử dụng tiền ngân sách, không có các quyền lực đặc biệt dành riêng cho việc xử lý nợ tập trung. Một hiện tượng đặc thù đối với các thể chế tài chính trên thế giới nên đâu đó có những sự nghi hoặc về hoạt động, kết quả cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự nỗ lực, VAMC đã cho thấy đây là công cụ hữu hiệu trong quá trình xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, Công ty đã có những kết quả nhất định trong việc xử lý nợ xấu sau hơn 2 năm đi vào hoạt động. Lũy kế từ 2013 đến 15/9/2015, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu đạt 204.228 tỷ đồng tổng giá trị dư nợ gốc nội bảng, 177.722 tỷ đồng giá mua nợ; thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo đạt 13.320 tỷ đồng; giúp các TCTD giảm được dư nợ xấu hơn 210.717 tỷ đồng, tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, tiếp cận được vốn vay của TCTD...

Nhưng thực tế cho thấy, so với thực trạng nợ xấu, tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn rất khiêm tốn; quá trình triển khai xử lý nợ xấu trong thời gian qua VAMC gặp phải một số khó khăn, như tâm lý bị xử lý hình sự hóa sau khi cơ cấu nợ khách hàng không trả được nợ; khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản đảm bảo hoặc trường hợp thu giữ được thì không bán đấu giá được tài sản đảm bảo do không có sự hợp tác của các bên...

VAMC không có quyền chủ động để xử lý những khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt; nhất là hiện nay Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu, đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định pháp luật nên VAMC không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ.

Để VAMC thực sự trở thành công cụ mạnh trong công cuộc xử lý nợ xấu của nền kinh tế, không chỉ là nỗ lực nội tại của VAMC, hay bổ sung thêm quyền năng cho VAMC, sự hỗ trợ của NHNN và toàn hệ thống ngân hàng, mà đòi hỏi cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực, đồng bộ của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và DN… Đặc biệt, cần những nỗ lực tháo gỡ khó khăn về pháp lý, phục hồi và hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, xử lý nợ trong xây dựng cơ bản, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Trân trọng giới thiệu Chuyên đề Rào cản xử lý nợ xấu ngân hàng trên số báo đặc biệt này.

Tin bài liên quan