TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Để phá sản ngân hàng: đừng lo ngại sẽ đổ vỡ hệ thống

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK về câu chuyện phá sản của các ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, phá sản là một hiện tượng bình thường, không phải là cái chết của một DN mà có thể là cơ hội giúp DN hồi sinh.

Ông có thể cho biết một số thông tin về phá sản ngân hàng của các quốc gia trên thế giới?

Chúng ta có thể học hỏi từ Hoa Kỳ, khi việc đóng cửa một ngân hàng của quốc gia này được thực hiện với trình tự rất chuyên nghiệp, trong trật tự và an toàn cho hệ thống. Theo đó, một ngân hàng nếu được các cơ quan thanh tra, giám sát thẩm định là “thất bại”, các cơ quan quản lý chẳng hạn FDIC (Federal Deposit Insurance Corporation - Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang) sẽ lên kế hoạch đóng cửa và thường tìm những ngân hàng khác có thể mua lại toàn bộ hay từng phần của ngân hàng sẽ bị đóng cửa; hoặc chính FDIC là cơ quan tiếp quản và thanh lý tài sản.

Việc đóng cửa được chuẩn bị trong bí mật tuyệt đối để tránh khách hàng kéo đến rút tiền ồ ạt và tránh thất thoát tài sản do cán bộ ngân hàng có thể biết trước hành động của FDIC.

Khi đóng cửa ngân hàng, một đội ngũ đồ sộ các nhân viên công lực của FDIC lập tức tiếp quản ngân hàng đó và tuyên bố sa thải hoặc bắt giữ các cán bộ cao cấp. Cơ quan quản lý thường đóng cửa ngân hàng vào chiều thứ Sáu và dùng 2 ngày cuối tuần để kiểm soát và thay đổi toàn bộ ngân hàng rồi mở cửa lại vào ngày thứ Hai sau đó.

Trong 2 ngày cuối tuần, FDIC kiểm tra tất cả tiền bạc, tài sản nợ, có của ngân hàng, thay đổi chìa khóa, thay đổi mật khẩu và yêu cầu một số nhân viên của ngân hàng làm việc với FDIC trong 2 ngày cuối tuần. Ngày thứ Hai đầu tuần sau, FDIC có thể mở cửa lại ngân hàng dưới tên mới hay tên cũ, nhưng với chú thích là được FDIC tiếp quản. 

Vậy những món tiền gửi tiết kiệm của người dân được xử lý như thế nào?

Các món tiền gửi được FDIC bảo hiểm (cho đến 250.000 USD) sẽ được thanh toán rất nhanh trong vòng vài ngày nếu khách hàng có yêu cầu; những người có tiền gửi trên 250.000 USD sẽ phải chờ FDIC bán tài sản của ngân hàng bị đóng cửa.

Số tiền FDIC có từ thanh lý tài sản sẽ được thanh toán cho những đối tượng mà ngân hàng đã nợ theo một thứ tự ưu tiên, bao gồm trả lại FDIC số tiền mà FDIC đã trả cho khách hàng gửi tiền, trả thuế cho Chính phủ (nếu nợ), tiền lương nợ nhân viên, các đối tác cung cấp phương tiện hoạt động kinh doanh của ngân hàng, các khách hàng gửi tiền trên mức được bảo hiểm, ngân hàng cho vay trên liên ngân hàng, các đối tác cho vay khác và cuối cùng là các cổ đông.

Với một trình tự phá sản trật tự và an toàn như vậy, Hoa Kỳ đã cho phá sản hàng trăm ngân hàng mỗi năm mà không hề gây khủng hoảng cho hệ thống, ngược lại, hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ ngày càng mạnh mẽ và ổn định hơn.

Ngoài biện pháp mang tính cưỡng chế, các ngân hàng của Hoa Kỳ có thể xin phá sản tình nguyện hoặc bị các chủ nợ đưa ra tòa xin mở thủ tục phá sản. Phần lớn các ngân hàng của Hoa Kỳ bị đóng cửa trong quá khứ là do biện pháp cưỡng chế của các cơ quan quản lý hơn là qua các thủ tục phá sản theo luật định. 

Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi được gì từ những kinh nghiệm trên?

Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ Hoa Kỳ để thiết lập một cơ chế và quy trình phá sản hợp lý cho các ngân hàng trong nước. Thực tế, có những quan ngại là nếu cho phép phá sản, hệ thống ngân hàng có thể bị ảnh hưởng dây chuyền và việc dân chúng kéo đến rút tiền ồ ạt sẽ dẫn đến việc đưa cả hệ thống vào khủng hoảng. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra nếu việc phá sản được lên kế hoạch chặt chẽ và hợp lý.

Người dân sẽ không kéo đến ngân hàng rút tiền ồ ạt nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể thỏa thuận với một ngân hàng nào đó tiếp nhận khối lượng tiền gửi của ngân hàng phá sản và bảo lãnh khối lượng tiền gửi đó.

Đồng thời, NHNN tìm cách thanh lý tài sản để có tiền mặt bù vào số tiền đã phải ứng ra hoặc đang bảo lãnh. Việc làm này không khác gì biện pháp hiện nay NHNN đang áp dụng khi tiếp quản 3 ngân hàng thương mại đã mua với giá 0 đồng trong năm nay. Những ngân hàng này được NHNN mua và hiện nay trở thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà NHNN là thành viên duy nhất.

Mặc dù tiền gửi tại các ngân hàng này không được NHNN bảo lãnh, nhưng dưới con mắt của người dân, họ cảm thấy an tâm khi những ngân hàng này trở thành ngân hàng con của NHNN. Vậy nếu trong tương lai Việt Nam cho phép ngân hàng phá sản, ngoài việc cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi quốc gia bồi thường cho người gửi tiền, việc NHNN bảo lãnh tiền gửi của dân chúng tại những ngân hàng bị NHNN đóng cửa sẽ làm dân chúng an tâm và tránh được hiện tượng rút tiền ào ạt. Đã đến lúc cần phải đẩy mạnh áp dụng Luật Phá sản các ngân hàng đã có trong vòng một năm tới, với một trình tự hợp lý, không gây đổ vỡ hệ thống.

Tin bài liên quan