Tất cả các ngân hàng dù mạnh hay yếu đều phải thực hiện tái cơ cấu - Ảnh: Lê Toàn

Tất cả các ngân hàng dù mạnh hay yếu đều phải thực hiện tái cơ cấu - Ảnh: Lê Toàn

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng trên địa bàn TP. HCM

(ĐTCK) Để thực hiện tốt chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua Đề án tái cơ cấu nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, các NHTM trên địa bàn TP. HCM đang từng bước đẩy mạnh tái cấu trúc.

Quyết liệt tái cấu trúc

Quan điểm chủ đạo và xuyên suốt của NHNN là tái cơ cấu toàn hệ thống TCTD, chứ không phải tái cơ cấu riêng lẻ ngân hàng nào, dù là hoạt động ổn định hay yếu kém, để các ngân hàng đều hoạt động ổn định, phát triển theo định hướng của Chính phủ và NHNN. Triển khai thực hiện Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 734 của Thống đốc NHNN, NHNN đã đánh giá, nhận diện những tồn tại, yếu kém của các NHTM cổ phần trên cơ sở phân tích thực trạng tổ chức và hoạt động của từng ngân hàng.

Theo đó, các NHTM cổ phần có trụ sở chính trên địa bàn (gồm 14 ngân hàng, nhưng hiện tại, NCB và VietABank đã chuyển hội sở chính ra Hà Nội) được chia làm 3 nhóm: Nhóm các NHTM cổ phần có tình hình tài chính tương đối lành mạnh gồm 10 ngân hàng (Sacombank, Eximbank, Nam A Bank, ABBank, ACB, OCB, DongABank, VietCapitalBank, Saigonbank, HDBank); Nhóm NHTM cổ phần yếu kém đã được Thống đốc NHNN phê duyệt đề án tái cấu trúc gồm 2 ngân hàng: SCB và NCB.

NHNN TP. HCM đã bàn giao công tác giám sát và báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu NCB cho NHNN Chi nhánh Hà Nội từ tháng 10/2014; Nhóm NHTM cổ phần được xác định yếu kém phải xây dựng phương án cơ cấu lại theo thực trạng nêu tại kết luận thanh tra gồm 2 ngân hàng: SouthernBank và VietABank.

Trên cơ sở đó, NHNN áp dụng các giải pháp tái cơ cấu phù hợp với từng ngân hàng, với lộ trình thực hiện cụ thể và giám sát chặt chẽ quá trình này.

Sau gần 3 năm thực hiện quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại phù hợp với từng loại hình TCTD, những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Quá trình tái cơ cấu các NHTM cổ phần đã thực hiện được các mục tiêu và theo đúng lộ trình được duyệt.

Thành công nổi bật của quá trình tái cơ cấu là đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo sự ổn định trong ngành ngân hàng. Đó là cơ sở để ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô.

Những rủi ro hệ thống đã được nhận diện đầy đủ, có biện pháp xử lý, an toàn hệ thống và khả năng chi trả của các NHTM cổ phần được cải thiện rõ nét.

Trên cơ sở những thay đổi về bản chất trong quá trình nhận thức thực tế khách quan phải tiến hành tái cơ cấu, các ngân hàng đã tập trung kiểm soát an toàn trong hoạt động, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng và phát triển, nâng cao năng lực tài chính, cải thiện thanh khoản.

Đồng thời, quan tâm đổi mới hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiện toàn tổ chức nhân sự, mạng lưới, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và đầu tư tài chính phù hợp hơn, tiết kiệm chi phí, từng bước định hướng chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Quá trình cơ cấu lại các ngân hàng được thực hiện thành công như trường hợp hợp nhất NHTM cổ phần Đệ Nhất, Sài Gòn và Việt Nam Tín Nghĩa thành NHTM cổ phần Sài Gòn (SCB). Đến nay, SCB đã giải quyết cơ bản những tồn tại, khó khăn trước khi hợp nhất, cải thiện cơ cấu tài sản có, nâng cao chất lượng tài sản đảm bảo, năng lực tài chính, ổn định thanh khoản, mở rộng cho vay. 

Định hướng, giải pháp 2015

Năm 2015 là năm rất quan trọng để hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngành giai đoạn 2011 - 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ, là nền tảng quan trọng để thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn 2015 - 2020.

Do đó, trong năm nay, toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn cần tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ tất cả các giải pháp cơ cấu lại đối với từng NHTM cổ phần. Trên cơ sở đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động, NHNN chỉ định một số ngân hàng vào diện tái cơ cấu bắt buộc và thực hiện trong năm 2015.

Cụ thể, đối với các ngân hàng yếu kém không thể tự thực hiện tái cơ cấu, NHNN kiên quyết xử lý bằng nhiều biện pháp phù hợp với thực tế khách quan như trường hợp của VNCB. NHNN đã mua lại toàn bộ cổ phần và chuyển đổi thành ngân hàng TNHH một thành viên do NHNN quản lý, nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền.

Một vài ngân hàng yếu kém khác cũng thuộc đối tượng đang được NHNN xem xét mua lại trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một số ngân hàng sẽ được hoàn tất sáp nhập.

Cụ thể là hoàn tất sáp nhập SouthernBank vào Sacombank theo đúng chủ trương đã được NHNN phê duyệt. Đối với việc hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng có tình hình tài chính tương đối lành mạnh và không thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc, thời gian qua, có một số dư luận ngoài xã hội về việc hợp nhất, sáp nhập NamA Bank và Eximbank; SaigonBank với Vietcombank…

Về vấn đề này, NHNN nêu rõ quan điểm.

Thứ nhất, đối với các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, không phải diện yếu kém thì NHNN không bắt buộc phải thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập.

Thứ hai, việc hợp nhất các ngân hàng này trên tinh thần tự nguyện và đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, cổ đông tham gia góp vốn mua cổ phần phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu theo quy định, nguồn gốc tiền sử dụng góp vốn, mua cổ phần phải rõ ràng, minh bạch, tránh vốn “ảo”.

Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục thực hiện chức năng thanh tra, giám sát để theo dõi chặt chẽ quá trình tái cơ cấu TCTD.

Qua công tác thanh tra, giám sát, nếu phát hiện các TCTD thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của NHNN sẽ áp dụng các biện pháp xử lý kiên quyết và phù hợp.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng trên địa bàn TP. HCM ảnh 1

Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM 

Kiên quyết xử lý nợ xấu

Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, then chốt của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là xử lý nợ xấu. Các NHTM cổ phần đã tập trung mọi nguồn lực để xử lý vấn đề này và đạt được những kết quả quan trọng.

Theo báo cáo của các NHTM cổ phần trên địa bàn TP. HCM đến cuối năm 2014, nợ xấu đã được đôn đốc xử lý, thu hồi tài sản đảm bảo đạt 3.582 tỷ đồng; xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro tín dụng đạt 2.182 tỷ đồng; bán nợ xấu cho VAMC đạt 13.992 tỷ đồng; chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần đạt 57 tỷ đồng; các giải pháp khác đạt 2.553 tỷ đồng.

Với định hướng xử lý trong năm 2015, NHNN khẳng định, đến cuối năm nay sẽ đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% theo kế hoạch Quốc hội và Chính phủ đã đề ra. Hiện nay, NHNN đã xác định cụ thể và giao chỉ tiêu số nợ xấu phải được xử lý cho từng NHTM (gồm tự xử lý thu hồi nợ và bán nợ cho VAMC).

Theo đó, các ngân hàng phải xây dựng kế hoạch, biện pháp xử lý chi tiết và nghiêm túc triển khai thực hiện lộ trình xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của NHNN.

Cụ thể, đối với số nợ xấu ngân hàng tự xử lý đến 31/7/2015, nếu ngân hàng không tự xử lý được sẽ phải bán số nợ xấu chưa xử lý được cho VAMC, hoàn tất trong tháng 8 và tháng 9/2015. Đối với số nợ xấu bán cho VAMC thì đến ngày 30/6, ngân hàng phải bán tối thiểu 75% số nợ xấu phải bán cho VAMC và đến 31/8 phải hoàn thành bán 100% số nợ xấu phải bán cho VAMC theo chỉ tiêu được giao.

Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác kiện toàn tổ chức và hoạt động, đảm bảo thực hiện thành công Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015”, các NHTM cổ phần trên địa bàn đều thực hiện đồng bộ và quyết liệt những giải pháp tại phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt và tập trung đẩy mạnh thực hiện cho đến cuối năm.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng trên địa bàn TP. HCM ảnh 2

Nâng cao năng lực quản trị

Các NHTM cổ phần trên địa bàn Thành phố đã cơ bản kiện toàn cơ cấu tổ chức nhân sự phù hợp với các quy định của pháp luật. Cụ thể, cơ cấu tổ chức nhân sự HĐQT: 12/12 NHTM cổ phần đều đảm bảo số lượng nhân sự HĐQT từ 5 - 11 thành viên theo quy định và có tối thiểu 1 thành viên độc lập.

Các NHTM đã thành lập các ủy ban trực thuộc HĐQT, trong đó có tối thiểu 2 ủy ban quản lý rủi ro và ủy ban nhân sự. Ngoài ra, để hỗ trợ tối đa cho hoạt động của HĐQT trong công tác điều hành, một số NHTM cổ phần đã thành lập ủy ban quản lý tài sản nợ - tài sản có (ALCO), ủy ban, hội đồng tín dụng…

Bên cạnh đó, các quy chế hoạt động điều hành của HĐQT, chức năng, nhiệm vụ của các ủy ban cũng được rà soát, bổ sung và ban hành đầy đủ phù hợp với tình hình thực tế khách quan của từng ngân hàng.

Cơ cấu tổ chức nhân sự Ban kiểm soát của các NHTM cổ phần đã được đảm bảo số lượng tối thiểu 3 thành viên. Trong đó, có ít nhất 50% tổng số thành viên chuyên trách. Ban kiểm soát tại các NHTM cổ phần đều thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ theo quy định tại Thông tư 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011. Cơ cấu tổ chức nhân sự Ban điều hành: 12/12 NHTM cổ phần có đầy đủ số lượng nhân sự Ban điều hành.

Về vốn điều lệ của các ngân hàng, tính đến ngày 28/2/2015, vốn điều của 12 NHTM cổ phần có trụ sở chính trên địa bàn TP. HCM (không bao gồm NHTM cổ phần Việt Hoa và Nam Đô) là 80.977 tỷ đồng, tăng 313 tỷ đồng so với 31/12/2014. Trong đó, 11/12 NHTM cổ phần không thay đổi vốn điều lệ và 1/12 NHTM cổ phần là NHTM cổ phần Phương Đông (OCB) đã thực hiện tăng vốn từ 3.234 tỷ đồng lên 3.547 tỷ đồng.

Các ngân hàng khác có vốn điều lệ không thay đổi so với năm 2014. Trong đó, Sacombank có vốn điều lệ cao nhất 12.425 tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 NHTM cổ phần tính đến 28/2/2015 là 1.296.916 tỷ đồng, giảm 24.849 tỷ đồng (giảm tương đương 1,9%) so với cuối năm 2014.

Về nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 984.451 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2014. Sự tăng trưởng huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư khả quan cho thấy niềm tin vào hệ thống ngân hàng đang ngày càng được củng cố và ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn quan trọng nhất trong nền kinh tế.

Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến ngày 31/3/2015 ước tăng 2,3%. Kết quả chênh lệch thu nhập từ chi phí của 12 NHTM cổ phần lũy kế đến ngày 28/2 đạt 1.490 tỷ đồng, bằng 30% lũy kế năm 2014. Toàn bộ các NHTM cổ phần đều đạt kết quả kinh doanh có lãi. Trong đó, 3 ngân hàng có kết quả kinh doanh cao nhất là ACB đạt 406 tỷ đồng; Sacombank đạt 368 tỷ đồng; Eximbank đạt 350 tỷ đồng chênh lệch thu nhập trừ chi phí.

Giải pháp căn bản mang tính chiến lược trong điều kiện hiện nay và nhìn về 5 - 10 năm tới của ngành ngân hàng trên địa bàn, đó là tiếp tục nâng cao sức mạnh của hệ thống.

Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn là tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, hệ thống ngân hàng phải thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thực hiện điều này sẽ không chỉ giúp lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, năng lực cạnh tranh cải thiện, hiệu quả hoạt động tăng cao, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mà còn đáp ứng hiệu quả nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho kinh tế Thành phố.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng, chương trình kinh tế của TP. HCM, nhằm thúc đẩy kinh tế Thành phố tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới theo đúng định hướng và kế hoạch đã đề ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Tin bài liên quan