Uber là một ví dụ cho tác động của công nghệ số tới loại hình công ty taxi truyền thống

Uber là một ví dụ cho tác động của công nghệ số tới loại hình công ty taxi truyền thống

Đã đến lúc các ngân hàng cần suy nghĩ lại mô hình kinh doanh

(ĐTCK) Ngành truyền thông giải trí, điện ảnh, băng đĩa đã phải hứng chịu sức mạnh hủy diệt của công nghệ số. Các ngành khác như dịch vụ, vận tải, bán lẻ, sách báo... cũng đang phải gồng mình thay đổi trước xu hướng công nghệ mới, còn trong lĩnh vực tài chính thì ngành ngân hàng cũng không thể tránh một sự thay đổi.

Nguồn gốc của ngân hàng từ giao dịch trực tiếp

Hoạt động ngân hàng theo nghĩa hiện đại đã phát triển từ thế kỷ 14 tại các thành phố giàu có của Ý thời Phục Hưng nhưng trong nhiều cách là một sự tiếp nối của những ý tưởng và khái niệm của tín dụng và cho vay bắt nguồn từ thế giới cổ đại (Theo Wikipedia).

Thời đó, người vay và cho vay kết nối trực tiếp với nhau thực hiện các giao dịch theo kiểu hàng đổi hàng hay hàng đổi tiền ví dụ như đổi quyền thu hoạch mùa màng lấy hạt giống về canh tác hay đổi những thứ có giá trị để lấy tiền, vàng thực hiện các chuyến giao thương bằng đường biển. Tất cả các giao dịch, dù đơn giản hay phức tạp, đều diễn ra tại chợ hoặc tại tư gia và không có vai trò của các tổ chức trung gian. 

Mô hình mới sẽ thế nào?

Sau nhiều thế kỷ phụ thuộc vào vai trò trung gian của ngân hàng, dường như người vay và người cho vay đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, có xu hướng trở lại với phương cách kinh doanh thời xa xưa nhưng chỉ có điều khác là họ không thực hiện tại chợ mà thực hiện online (trên mạng điện tử).

Các khái niệm crowd-funding (phương thức huy động vốn từ nhiều nguồn qua mạng internet) và peer-to-peer lending (cho vay trực tiếp online) ngày càng trở nên quen thuộc hơn cùng với sự phát triển của hạ tầng phần mềm hỗ trợ. Các hệ thống phần mềm này hỗ trợ cung cấp các hồ sơ xin vay vốn chuẩn hóa, phân tích rủi ro, chăm sóc sau vay và thu nợ mà không cần ngân hàng trung gian.

Cuộc cách mạng công nghệ ngân hàng vài năm trước mới chỉ tấn công vào mảng dịch vụ thanh toán (phân khúc này chỉ chiếm khoảng 6% nguồn doanh thu toàn cầu). Nhưng hiện tại công nghệ mới đang tấn công một phân khúc màu mỡ hơn, phân khúc khách hàng cá nhân chiếm 52% nguồn doanh thu toàn cầu (theo báo cáo của Mc Kinsey) với công nghệ cho vay trực tiếp và bỏ qua vai trò trung gian cung cấp vốn của ngân hàng.

Tại Mỹ, Lending Club (câu lạc bộ cho vay trực tiếp online) đã tổ chức IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) cuối năm 2014 với giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 8 tỷ USD. Gần đây, Lending Club còn ký thỏa thuận hợp tác với Google và Alibaba hứa hẹn sẽ đưa mô hình kinh doanh này phát triển thêm một bước mới. Ở Anh, gã khổng lồ Barclays cũng đã mua cổ phần của một công ty tổ chức hoạt động cho vay trực tuyến ở Nam Phi.

Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện những mô hình kinh doanh mới này. Ví dụ một công ty viễn thông cho khách hàng ứng trước bằng cách mở khóa cho khách hàng sử dụng dịch vụ mobile mặc dù trong tài khoản của khách hàng không còn tiền và công ty sẽ thu phí ngay khi khách hàng nạp thêm tiền. Bản chất đây là hình thức bán chịu/cho vay trực tiếp tới khách hàng mà không cần trung gian ngân hàng. 

Lợi thế cạnh tranh

Cũng giống như bất kỳ một phát minh cải tiến nào, nền tảng công nghệ ngân hàng trực tuyến đã giúp giảm thiểu chi phí vận hành, chi phí thẩm định và cải tiến trong cách sử dụng số liệu, công nghệ và các kỹ thuật phân tích, công nghệ cho vay trực tuyến có thể cung cấp các khoản vay nhỏ với chi phí rất thấp với chất lượng dịch vụ cao tới những người vay trong những lĩnh vực mà ngành ngân hàng truyền thống chưa quan tâm hay chưa đủ nguồn lực để cung cấp dịch vụ. 

Cạnh tranh hay hợp tác

Mới vài năm trước mô hình kinh doanh này nghe còn khá lạ lẫm, nay đã trở nên rất quen thuộc với hàng loạt trường hợp IPO hay sát nhập tại các quốc gia phát triển. Nếu thử gõ từ khóa crowdfunding, Google sẽ cho 26,5 triệu kết quả trong vòng chưa đến một giây.

Một số ngân hàng toàn cầu đã đầu tư vào mô hình này nhằm tìm kiếm cơ hội cùng hợp tác, nhưng đa phần vẫn còn đang do dự không biết nên hợp tác hay cạnh tranh. Chúng ta thử hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu Google hay Facebook mở một ngân hàng để khai thác lượng khách hàng hiện có của họ… 

Một ý tưởng không thể bỏ qua

Trong một môi trường công nghệ đã làm cho cuộc sống thay đổi chóng mặt như hiện nay, thật khó nói trước được sự phát triển của công nghệ ngân hàng mới sẽ đạt đến trình độ nào để gia tăng mức độ thuận tiện, hiệu quả và cạnh tranh với công nghệ ngân hàng truyền thống. Nhưng chắc chắn trong những năm tới, các cơ quan lập pháp trong nước và quốc tế sẽ xây dựng các khung pháp lý hỗ trợ loại hình dịch vụ này phát triển và công nghệ ngân hàng trực tuyến là một ý tưởng mà lãnh đạo các ngân hàng không thể bỏ qua. 

Thay đổi hay thất bại?

Trong thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự “ra đi” hay ít nhất là lụi tàn của nhiều tập đoàn khổng lồ vang bóng một thời trên thương trường quốc tế trong nhiều ngành khác nhau như Kodak, Fujifilm, Nokia… và lý do chính không gì khác ngoài việc chậm thay đổi mô hình kinh doanh. Hay mới đây trong ngành giao thông, đã chứng kiến sự ra đời của Uber đang đe dọa trực tiếp tới sự tồn vong của các công ty taxi truyền thống. 

Công nghệ số sẽ là nền tảng

Thay lời kết, đã đến lúc các ngân hàng thương mại cần nói KHÔNG với các mô hình cũ và tái thiết kế một mô hình kinh doanh mới với công nghệ là trung tâm. Chúng ta sẽ không bao giờ quay trở lại với thế giới không có internet, điện thoại di động, mạng xã hội hay công nghệ cảm ứng nữa. Và đây sẽ là nền tảng cạnh tranh của các ngân hàng trong tương lai.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tòa soạn hay Tổ chức mà người viết đang công tác.

Tin bài liên quan