Dư nợ ngoại tệ đã tăng mạnh từ cuối tháng 6 đến nay

Dư nợ ngoại tệ đã tăng mạnh từ cuối tháng 6 đến nay

Cung ngoại tệ vẫn "thừa" trong mùa cao điểm

(ĐTCK) Cầu ngoại tệ thanh toán hàng hóa của doanh nghiệp vẫn thường gia tăng vào dịp cuối năm, cùng với đó là xu hướng đồng USD đang tăng mạnh trước dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 tới, khiến tỷ giá đang nhích dần. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các nhà băng, cũng như cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, cung-cầu về ngoại tệ vẫn cân bằng, thậm chí cung ngoại tệ còn đang khá dồi dào.

Trong những ngày qua, tỷ giá được các ngân hàng niêm yết ngày hôm sau tăng thêm vài đồng so với phiên hôm trước. Thậm chí, gần cuối giờ chiều ngày 17/11, Vietcombank còn điều chỉnh tỷ giá tăng so với đầu giờ sáng.

Cụ thể, Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 22.375-22.465 đồng/USD, tăng 50 đồng/USD so với đầu giờ sáng. Còn Eximbank niêm yết mức 22.480 đồng/USD (bán), 22.400 đồng/USD (mua tiền mặt) và 22.420 đồng/USD (mua chuyển khoản). Ngoài ra, Vietinbank còn niêm yết giá bán ở mức 22.490 đồng/USD và mua vào ở mức 22.420 đồng/USD. Trong khi đó, ACB nâng giá bán lên 22.500 đồng/USD, tăng đến 80 đồng/USD so với ngày 16/11 và mua vào 22.400 đồng/USD (tiền mặt) – 22.420 đồng/usd (chuyển khoản)…

Việc tỷ giá nhích dần trong những ngày qua, khiến dự báo khả năng tỷ giá sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới dần hiện hữu, nhất là trước áp lực Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong tháng 12 tới. Chính điều này làm cho không ít doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nhập khẩu, tỏ ra lo ngại.

Tuy nhiên, qua trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TP. HCM, cho rằng, cung ngoại tệ vẫn luôn đáp ứng tốt cầu, dù cầu ngoại tệ có tăng về cuối năm. Theo ông Minh, trước biến động nhẹ của tỷ giá trong những ngày qua, NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) báo cáo hàng ngày về tình hình cung-cầu ngoại tệ, cũng như việc đáp ứng cầu ngoại tệ cho khách hàng.

“Từ kết quả báo cáo của các NHTM cho thấy, trạng thái ngoại tệ vẫn luôn cân bằng và không có hiện tượng cầu gây áp lực lên cung. Mặt khác, dự trữ ngoại hối tăng, nguồn vốn FDI và kiều hối tiếp tục chảy mạnh về Việt Nam, với 3,5 tỷ USD kiều hối trong 9 tháng chỉ trên địa bàn Thành phố, sẽ bổ sung cho cung ngoại tệ”, ông Minh nói và cho biết, nguyên nhân khiến tỷ giá nhích nhẹ những ngày qua chủ yếu do đồng USD trên thế giới đang tăng mạnh, cùng với đó là dự báo khả năng Fed sẽ tăng lãi suất.

Cùng với đó là nhu cầu ngoại tệ thanh toán hàng hóa nhập khẩu dịp cuối năm của doanh nghiệp tăng. Điều này được phản ánh phần nào qua tình hình tăng trưởng tín dụng ngoại tệ của các ngân hàng, nhất là từ quý III đến nay. Thống kê cho thấy, nếu tăng trưởng dư nợ ngoại tệ toàn ngành vào ngày 24/6/2016 giảm 4,64% so với đầu năm, thì đến ngày 31/8/2016 chỉ còn giảm 0,33% và tính đến cuối tháng 9/2016 đã tăng trở lại 5,44% so với đầu năm, đặc biệt tháng 9 tăng mạnh 3,69% so với tháng 8.

Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trên địa bàn TP. HCM thậm chí còn trở về trạng thái dương trong tháng 7/2016, chỉ sau một tháng NHNN mở lại tín dụng ngoại tệ (từ tháng 6/2016) và đến nay, tín dụng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn ước tính tăng khoảng 2-3% so với đầu năm 2016. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được tín dụng ngoại tệ.

NHNN đang dự thảo quy định kéo dài việc cho phép vay ngoại tệ đối với đối tượng vay ngắn hạn, để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến hết hết năm 2017. Thông tư này dự định sẽ thay thế Thông tư 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay bằng ngoại tệ. Trong đó có quy định cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu được vay vốn bằng ngoại tệ trở lại đến hết ngày 31/12/2016, thay cho quy định dừng vay ngoại tệ tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN đến hết ngày 31/3/2016.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng, điều đó không có nghĩa là tín dụng ngoại tệ sẽ được mở rộng đến tất cả các đối tượng có nhu cầu. Đây không phải lần đầu tiên NHNN kéo dài quy định này. Nhưng sau những hạn mức này, các NHTM sẽ chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ và chuyển sang mua bán USD thuần túy, trừ một số nhóm đối tượng đặc thù.

Theo lý giải của NHNN, nhóm đối tượng vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu là phổ biến, tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp vay ngoại tệ sau đó bán đi lấy tiền đồng để hưởng mức chênh lệch lãi suất cao, bởi thực chất bản thân họ chỉ có nhu cầu tiền đồng, chứ không phải ngoại tệ.

Trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ tăng trở lại trong những tháng cuối năm, còn huy động vốn bằng ngoại tệ tiếp tục sụt giảm mạnh, kể từ khi NHNN kéo lãi suất huy động USD về 0%/năm, số liệu từ Cục thống kê TP. HCM cho thấy, vốn huy động bằng ngoại tệ của các NHTM trên địa bàn Thành phố đến đầu tháng 10/2016 giảm 10,08% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, dù cung-cầu ngoại tệ vẫn cân bằng, song với việc đồng USD trên thế giới liên tục đi lên so với các đồng tiền khác, cũng như những rủi ro về dòng vốn và hoạt động thương mại đang tăng lên, thì việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn, theo các chuyên gia tài chính, cần được cân nhắc.

Tin bài liên quan