Những kế hoạch tăng vốn “khủng”
Mùa đại hội cổ đông năm nay đã chứng kiến hàng loạt kế hoạch tăng vốn điều lệ với mức tăng cao được các ngân hàng thông qua. Trong đó, VPBank là ngân hàng có kế hoạch tăng vốn “khủng” nhất, với dự kiến tăng thêm khoảng 12.000 tỷ đồng, lên hơn 27.000 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn của VPBank chia thành nhiều đợt, bao gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP), phát hành cổ phiếu riêng lẻ kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước và chia thưởng cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần.
Đợt phát hành cuối cùng tăng vốn sẽ được thực hiện vào quý IV/2018. Tổng nguồn thặng dư vốn dùng để chia cho cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông là trên 4.577 tỷ đồng.
Năm nay, LietVietPostBank (LPB) dự kiến sẽ phát hành 286,87 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ gần 7.500 tỷ đồng lên 10.368 tỷ đồng thông qua ba đợt phát hành. OCB có kế hoạch tăng vốn thêm 2.500 tỷ đồng trong năm 2018, cùng với đó là kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE chậm nhất trong quý IV.
VIB cũng thông qua kế hoạch tăng vốn từ 5.600 tỷ đồng lên 8.100 tỷ đồng. Hay HDBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 22%, lên 11.972 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động.
Một loạt nhà băng khác như SCB, VietBank, OCB, ACB… cũng có phương án tăng vốn. Mức tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này lần lượt là 16%, 31%, 50% và 16% trong năm nay.
Mục tiêu tăng vốn của các nhà băng đều nhằm nâng cao năng lực tài chính và quan trọng hơn là tiến tới đáp ứng các chuẩn mực an toàn vốn quốc tế Basel II khi lộ trình áp dụng bộ chuẩn mực này đang cận kề (năm 2020).
Theo tính toán, để đáp ứng các quy định của Basell II, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện tại. Các tổ chức tín dụng cần có lộ trình cụ thể và tính toán phù hợp việc bổ sung vốn để đáp ứng được yêu cầu vào năm 2020. Như vậy, hầu hết nhà băng (cả lớn và nhỏ) đều phải nỗ lực tăng vốn điều lệ kể từ năm nay.
Trên thực tế, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhiều ngân hàng hiện đang khá thấp, do năm 2017, tốc độ tăng vốn tự có của các tổ chức tín dụng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng của tổng tài sản. Do đó, để có đủ nguồn lực mở rộng hoạt động kinh doanh và đảm bảo an toàn hoạt động, việc tăng vốn điều lệ là yêu cầu cấp thiết với các ngân hàng.
Không phải năm nay, mà từ vài năm trước, các ngân hàng đã có mong muốn tăng vốn điều lệ. Song, chỉ có một số ngân hàng có quy mô, hoạt động tốt hơn mới có thể dễ dàng thực hiện kế hoạch này. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong năm 2017 và quý I vừa qua, cũng như sức khỏe của nhiều nhà băng đã được nâng lên sau quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đã giúp cho các ngân hàng tự tin hơn trong việc gọi vốn.
Cơ sở tích cực
Ồ ạt lên kế hoạch tăng vốn trong năm nay, một lượng rất lớn cổ phiếu “vua” dự kiến sẽ được đưa ra thị trường trong nửa cuối năm 2018. Liệu cung cổ phiếu có dội cầu đang là câu hỏi được không ít người đặt ra.
Góc nhìn của nhiều chuyên gia về vấn đề này khá tích cực. TS. Nguyễn Văn Thuận, chuyên gia ngân hàng cho rằng, áp lực tăng vốn không chỉ xảy ra với nhà băng nhỏ, mà với hầu hết các ngân hàng, song diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm trở lại của giới đầu tư là cơ hội tốt cho việc tăng vốn trong năm nay.
Ông Thuận cũng lưu ý, các đợt tăng vốn của các nhà băng chia cổ tức tới đây chủ yếu được thực hiện từ nguồn thặng dư cổ phần và phát hành cổ phiếu thưởng hoặc bán giá bằng mệnh giá, nên khả năng thành công là cao.
TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Nghiên cứu Tập đoàn Dragon Capital cho biết, các kế hoạch phát hành tăng vốn của ngân hàng đã và đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Điển hình các thương vụ IPO của một số ngân hàng lớn thời gian gần đây (VPBank, Techcombank, HDBank…) đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư ngoại rót vốn hàng trăm USD.
Từ nay đến cuối năm 2018, nhiều ngân hàng tăng vốn, nhưng lượng cổ phiếu mới cung ra thị trường chứng khoán sẽ không quá lớn, bởi các ngân hàng này chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ.
TS. Tuấn phân tích, nền kinh tế Việt Nam đang trong chu kỳ tăng trưởng, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế nên đã có sự hồi phục rõ nét trong năm 2017. Sự phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2018 - 2019, chất lượng tài sản tốt lên và nhờ vậy, các ngân hàng hoàn nhập được các khoản trích lập dự phòng nợ xấu giai đoạn trước, lợi nhuận theo đó sẽ tích cực hơn.
Thực tế, cùng với đà tăng trưởng tích cực về hiệu quả kinh doanh, sức khỏe tài chính của các ngân hàng, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá rất mạnh và đóng vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán trong thời gian qua. Mức định giá P/E có cổ phiếu trong nhóm đã lên tới 27,9 lần, (thuộc về mã VCB), tính đến hết quý I/2018, cao hơn hẳn so với mức bình quân trên thị trường tại cùng thời điểm – khoảng 20 lần.
Trên thị trường chứng khoán, hiện có 9 mã cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn HOSE (VCB, MB, EIB, CTG, BID, STB, VPB, HDB) và 3 mã niêm yết ở sàn HNX (ACB, SHB, NCB). Các mã này đều có mức tăng trưởng cao thời gian qua, ngoại trừ EIB, STB, NCB có mức tăng chậm.
Đáng chú ý, hai tân binh là VPB, HDB cũng đạt mức tăng giá mạnh gần 60% từ mức 41.000 đồng lên mức 64.500 đồng và HDB tăng 16% từ mức 39.600 đồng/cổ phiếu lên mức 45.600 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm nay.
Dù thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh từ đầu tháng 5 tới nay sau giai đoạn hưng phấn kéo dài, kéo theo sự giảm giá mạnh của của các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng, nhưng theo ông Nguyễn Quang Thuân, CEO StoxPlus, cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng.
Nhận định trên của CEO StockPlus dựa trên cơ sở các khoản nợ bán cho VAMC sẽ được thu hồi; thu nhập từ tín dụng khả năng duy trì ổn định tại mức biên lợi nhuận (NIM) quanh 3%, một vài ngân hàng với nền tảng bán lẻ tốt hơn sẽ cải thiện được NIM; phí dịch vụ thu về từ đối tác với nhà cung cấp dịch vụ tài chính thứ ba (dịch vụ bảo hiểm) sẽ dẫn dắt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng, đặc biệt những nhà băng có nền tảng gửi tiền lớn.
Mức tăng trưởng về lợi nhuận được nhiều ngân hàng đặt ra cho năm 2018 là 70 - 80% và quý I/2018, nhiều nhà băng đã báo lãi rất tốt. Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2018 là 4.359 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ.
VPBank công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý đầu năm 2.619 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ năm trước. HDBank cũng công bố kết quả kinh doanh quý I ấn tượng với lợi nhuận đạt 1.045 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2017. OCB và VIB lần lượt báo lãi hơn 600 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, bứt phá mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2017…
Với những chuyển biến tích cực về hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng và sức hút của nhóm cổ phiếu “vua” trên thị trường chứng khoán, cửa gọi vốn của nhiều nhà băng sẽ sáng hơn các năm trước.
Tất nhiên, cơ hội không trải đều giữa các nhà băng. Hàng hóa trên thị trường chứng khoán đang rất dồi dào, dòng tiền đầu tư sẽ chọn những doanh nghiệp, những nhà băng hoạt động hiệu quả. Ngược lại, ngân hàng kém hiệu quả, nợ xấu cao vẫn khó thu hút nhà đầu tư rót vốn.