Ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển, Ngân hàng MB

Ông Đàm Nhân Đức, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển, Ngân hàng MB

Cốt lõi của kinh doanh

(ĐTCK) Nâng cao giá trị vốn hóa doanh nghiệp và lợi ích cho cổ đông luôn là một mục tiêu chiến lược quan trọng và dài hạn của bất kỳ doanh nghiệp tại bất kỳ quốc gia nào. Hoạt động hiệu quả luôn là yếu tố quan trọng, nhưng liệu đây có phải là yếu tố duy nhất giúp tăng giá trị vốn hóa doanh nghiệp?

Giá trị vốn hóa doanh nghiệp

Một nguyên tắc cơ bản khi tính mức vốn thị trường của một doanh nghiệp là nhân số cổ phiếu lưu hành với thị giá cổ phiếu và để một doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn thì cần có vốn điều lệ lớn và thị giá cổ phiếu cao. 

Trong thực tế thị trường, nhiều doanh nghiệp cùng ngành có mức vốn điều lệ thấp hơn nhưng lại có giá trị vốn hóa lớn và mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông hơn các doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn.

Bài viết này cố gắng cung cấp cho độc giả các thông tin quan trọng và góc nhìn cá nhân về các biện pháp làm tăng giá trị vốn hóa doanh nghiệp bằng cách phân tích những đặc trưng của ngân hàng có giá cổ phiếu cao trong khu vực, qua đó rút ra những bài học thực tiễn cho các ngân hàng Việt Nam.

Đặc điểm giá cổ phiếu của các ngân hàng trong khu vực

Phần này so sánh các đặc điểm dựa trên bộ chỉ số P/E và P/B trung bình của 3 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán BID; VietinBank, mã CTG; Vietcombank, mã VCB) với 3 ngân hàng Thái Lan (Ayudhya, mã BAY; Siam, mã SCB; Kasikorn Bank, mã KBANK), 3 ngân hàng Indonesia (Bank Central, mã BBCA; Danamon, mã BDMN; Maybank, mã BNII) và 3 ngân hàng Philippines (BDO Unibank, mã BDO; Bank of the Philippine Island, mã BPI; Metropolian Bank, mã MBT).

Tỷ trọng thu từ lãi của các ngân hàng Việt Nam lớn hơn nhiều so với khu vực 

Đặc điểm nổi bật nhất là giá cổ phiếu của các ngân hàng trong khu vực cao hơn nhiều so với các ngân hàng ở Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, chỉ số P/E và P/B trung bình của các ngân hàng Việt Nam luôn thấp hơn các ngân hàng trong rổ so sánh, điều này có nghĩa là nhà đầu tư luôn trả mức giá cao hơn đối với mỗi đồng thu nhập tại các ngân hàng trong khu vực.

Trung bình trong 6 năm qua, các nhà đầu tư tại thị trường Indonesia sẵn sàng chi cao nhất khi bỏ ra 21 đồng cho mỗi đồng thu nhập, trong khi các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam chỉ sẵn sàng trả 12 đồng cho mỗi đồng thu nhập.

Khối lượng giao dịch sôi động cho thấy mức độ quan tâm cao hơn của nhà đầu tư đối với cổ phiếu các ngân hàng trong khu vực. Đặc biệt là ở Thái Lan, khối lượng giao dịch mỗi phiên của cổ phiếu các ngân hàng gấp 8 - 10 lần so với mức trung bình của Việt Nam.

Xu hướng tăng/giảm giá rõ ràng hơn, ít có những biến động đột ngột, hầu như không có những phiên giá tăng trần đột ngột và sau đó giảm sàn liên tiếp, giá cổ phiếu phản ánh khá chính xác những tín hiệu trong hoạt động kinh doanh.

Cốt lõi của kinh doanh ảnh 3

Vậy đâu là nguyên nhân?

Mặc dù có những đặc điểm khác biệt trong quá trình hoạt động kinh doanh, khác về lịch sử, văn hóa, quản trị…, nhưng để kiến tạo nên mặt bằng giá cổ phiếu cao như trên, theo nghiên cứu của tác giả, những ngân hàng này đều có chung 3 đặc điểm: môi trường vĩ mô thuận lợi cho hoạt động đầu tư chứng khoán, hoạt động kinh doanh của ngân hàng hiệu quả và chiến lược truyền thông hiệu quả.

Mức độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán

Thứ nhất, phải khẳng định trong những năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều khởi sắc và trở thành kênh đầu tư hiệu quả cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khi so sánh giữa lợi suất thị trường chứng khoán với lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình thì thị trường chứng khoán các nước trong khu vực hấp dẫn các nhà đầu tư hơn thị trường Việt Nam.

Giá cổ phiếu của các ngân hàng trong khu vực cao hơn nhiều so với các ngân hàng ở Việt Nam 

Mức chênh lệch giữa lợi suất đầu tư chứng khoán so với mức lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình của các nước trong khu vực cao gấp 3 - 11 lần so với Việt Nam. Bỏ qua các yếu tố khác thì điều này chứng tỏ các nước trong khu vực đang có thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn để đầu tư.

Số liệu chỉ ra như vậy nhưng so sánh chỉ mang tính chất tương đối. Bảng 1 cho thấy, mặc dù mức chênh lệch giữa lợi suất đầu tư và lãi suất tiết kiệm tại thị trường Indonesia chỉ cao hơn Việt Nam nhưng các nhà đầu tư lại sẵn sàng trả giá cao nhất để sở hữu chứng khoán các ngân hàng hơn so với Thái Lan và Philiplines.

Quy mô và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Một nhóm nguyên nhân lớn thứ hai giúp giải thích cho sự chênh lệch về P/E và P/B nêu trên có thể là về quy mô, hiệu quả hoạt động kinh doanh và cơ cấu nguồn thu nhập của các ngân hàng.

Phần này sẽ so sánh một số chỉ tiêu cơ bản về quy mô, hoạt động và cơ cấu nguồn thu để độc giả có thông tin cho các đánh giá của riêng mình.

Nếu so các ngân hàng Việt Nam với các ngân hàng lớn nhất của Singapore và Malaysia thì các ngân hàng thương mại Việt Nam còn nhỏ bé cả về quy mô và giá trị vốn hóa thị trường.

Cụ thể, theo giá cổ phiếu và tỷ giá tại thời điểm tháng 7/2016 thì tổng tài sản của ngân hàng lớn nhất Singapore là DBS lớn hơn 11,4 lần tổng tài sản của ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam là BIDV; Maybank của Malaysia lớn hơn BIDV 4,5 lần. Giá trị vốn hóa của DBS lớn hơn Vietcombank gần 5 lần và Maybank lớn hơn Vietcombank 3 lần.

Cốt lõi của kinh doanh ảnh 7
Tuy nhiên, so với các ngân hàng lớn của Thái Lan, Indonesia và Philipines trong nhóm nghiên cứu thì các ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam không thua kém nhiều về quy mô.
Mặc dù tổng tài sản của các ngân hàng thương mại Việt Nam bằng gần 60% tổng tài sản của các ngân hàng thương mại Thái Lan, nhưng ngang bằng với các ngân hàng thương mại Philippines và lớn hơn so với các ngân hàng thương mại Indonesia (xem bảng 2).
Về cơ cấu tổng tài sản cũng không có nhiều khác biệt giữa các ngân hàng khi tỷ lệ cho vay khách hàng (không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) chiếm khoảng 65-70% và đầu tư trái phiếu chiếm từ 8-14% trong cơ cấu tống tài sản.

Về chỉ tiêu hiệu quả hoạt động, xét lợi nhuận trên tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), ngân hàng Việt Nam không thua kém ngân hàng các nước trong khu vực và đặc biệt trong năm 2016 đã cho thấy tốc độ tăng trưởng tốt hơn.

Chỉ tiêu ROE trung bình của 3 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam ngang bằng với các ngân hàng trong khu vực, thậm chí còn cao hơn mức trung bình của 3 ngân hàng lớn nhất Thái Lan.

Đối với tỷ lệ lãi cận biên (NIM), NIM trung bình của các ngân hàng trong khu vực cao hơn nhiều so với các ngân hàng Việt Nam. Cụ thể, 3 ngân hàng lớn nhất Indonesia đang có mức NIM trung bình cao nhất là 6,7%, tiếp theo là Thái Lan và Philippines ở mức 3,7%. Ba ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam đang có mức NIM là 2,8%.

Nếu chỉ nhìn vào số liệu NIM trên, chúng ta có thể nhầm tưởng rằng, các ngân hàng trong khu vực sẽ có tỷ lệ thu lãi cao hơn trong cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, khi phân tích chi tiết thì các ngân hàng trong khu vực không phụ thuộc quá lớn vào thu nhập từ lãi và đang có xu hướng tiếp tục giảm tỷ trọng thu từ lãi trong cơ cấu doanh thu.

Tại Thái Lan, tỷ trọng thu từ lãi trung bình là 63,6%, ở Philippines là 69,2%, trong khi ở Indonesia và Việt Nam, tỷ lệ này là gần 75%. Phân tích sâu cơ cấu thu ngoài lãi, chúng ta sẽ có thêm nhiều thông tin thú vị bởi tỷ lệ thu nhập khác, thu nhập bất thường trong cơ cấu thu ngoài lãi của các ngân hàng Việt Nam lớn hơn nhiều so với các ngân hàng trong khu vực.

Các phân tích trên cho thấy, điểm khác biệt lớn nhất giữa các ngân hàng Việt Nam và các ngân hàng khu vực là cơ cấu nguồn thu nhập.

Mặc dù các ngân hàng lớn của các nước trong khu vực có quy mô tương đồng nhưng các ngân hàng đó lại có tỷ lệ thu ngoài lãi (chủ yếu thu từ phí) lớn hơn so với các ngân hàng Việt Nam và điều đó có thể mang lại cho nhà đầu tư cảm giác an tâm về hoạt động bền vững của ngân hàng.

Hoạt động quan hệ nhà đầu tư

Ngoài chỉ tiêu thu ngoài lãi thấp hơn thì các ngân hàng Việt Nam không thua kém ngân hàng của các nước khác trong khu vực nếu nhìn từ chỉ tiêu ROE và NIM, vậy nếu hàng hóa tốt mà giá cả chưa tương xứng thì nguyên nhân có thể nằm ở thị trường, khâu bán hàng và marketing. Ở đây, nếu ví hàng hóa là cổ phiếu thì hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) là khâu bán hàng.    

Thực tế, các ngân hàng trong khu vực đã có chiến lược IR hiệu quả từ rất sớm, góp phần giúp giá cổ phiếu vượt trội so với các ngân hàng Việt Nam.

Ngoài yếu tố thị trường, hoạt động của ngân hàng và chiến lược quan hệ nhà đầu tư là hai điểm quan trọng giúp tăng giá trị vốn hóa doanh nghiệp và gia tăng lợi ích của cổ đông

Theo kết quả khảo sát của Tập đoàn Môi giới chứng khoán châu Á và nghiên cứu của Standard & Poor’s, tất cả các ngân hàng được nghiên cứu của Thái Lan, Indonesia và Philippines đều áp dụng chiến lược IR chủ động.

Tại Việt Nam, một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tài chính cũng có những báo cáo lượng hóa mức độ uy tín truyền thông thông của các ngân hàng (Tenor Media, VietNam Report…) và đa phần các ngân hàng vẫn áp dụng chiến lược IR bị động.

Một số ngân hàng lớn tiên phong áp dụng chiến lược IR chủ động nhưng chưa theo kịp với các ngân hàng trong khu vực về mức độ chi tiết, kịp thời và minh bạch của thông tin.

Thay lời kết

Phân tích trên cho thấy, ngoài yếu tố thị trường, hoạt động của ngân hàng, cụ thể là cơ cấu nguồn thu nhập và chiến lược quan hệ nhà đầu tư là hai điểm quan trọng giúp tăng giá trị vốn hóa doanh nghiệp và gia tăng lợi ích của cổ đông.

Cơ quan quản lý và ban lãnh đạo các ngân hàng Việt Nam cần cân đối các lợi ích ngắn hạn và dài hạn để làm tăng giá trị vốn hóa doanh nghiệp và lợi ích cho cổ đông với mục tiêu trong 5 - 10 năm tới, Việt Nam phải có các ngân hàng sánh vai được với  ngân hàng của các nước trong khu vực.

Đã có rất nhiều ví dụ thực tế chứng minh rằng, nhiều ngân hàng (ngay cả tại Việt Nam) có đủ dũng cảm để hy sinh các lợi ích ngắn hạn nhằm mang lại lợi ích dài hạn và bền vững cho cổ đông. Theo ý kiến chủ quan của cá nhân tác giả, đó mới là cốt lõi của kinh doanh.

(* bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của tổ chức mà người viết đang công tác)

Tin bài liên quan