Làn sóng mua lại công ty tài chính Việt Nam của các tập đoàn tài chính nước ngoài đã diễn ra rầm rộ trong những năm qua và chủ yếu là doanh nghiệp tới từ Nhật Bản

Làn sóng mua lại công ty tài chính Việt Nam của các tập đoàn tài chính nước ngoài đã diễn ra rầm rộ trong những năm qua và chủ yếu là doanh nghiệp tới từ Nhật Bản

Công ty tài chính đua bán cổ phần cho đối tác Nhật Bản

(ĐTCK) Dân số hơn 90 triệu người, tỷ lệ dân thành thị cao với mức thu nhập ngày càng tăng, Việt Nam được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng phát triển. 

Đây cũng là lý do các tập đoàn tài chính Nhật Bản thường xuyên để mắt tới công ty tài chính Việt, tích cực chạy đua mua chi phối 49% cổ phần của các công ty tài chính trong thời gian qua.

Nhà đầu tư Nhật ồ ạt mua cổ phần

Ngày 21/2/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý của Công ty Cho thuê tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên BIDV (BLC), từ công ty do BIDV sở hữu 100% vốn điều lệ thành Công ty Cho thuê tài chính trách nhiệm hữu hạn BIDV - SuMi TRUST (BSL), với sự tham gia sở hữu 49% vốn điều lệ bởi Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (Sumitomo Mitsui Trust Bank - SMTB).

SMTB là ngân hàng tín thác lớn nhất Nhật Bản với tổng tài sản tại thời điểm 30/9/2016 đạt 59.479 tỷ yên (tương đương 585,4 tỷ USD) và mức vốn chủ sở hữu 2.022 tỷ yên (tương đương 19,9 tỷ USD).

BIDV cho biết, Ngân hàng đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với SMTB kể từ năm 2013. Trải qua gần 2 năm hợp tác, hai bên đã hiện thực hóa mối quan hệ chiến lược bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực cho thuê tài chính vào ngày 29/4/2016. Thỏa thuận này được triển khai qua việc BIDV chuyển nhượng 49% sở hữu vốn điều lệ tại BLC cho SMTB để chuyển đổi BLC thành BSL, đồng thời tăng vốn cho Công ty từ 448 tỷ đồng lên 896 tỷ đồng.

BSL là công ty cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình liên doanh giữa một ngân hàng thương mại trong nước với một định chế tài chính nước ngoài. Nhưng nếu tính theo mức độ sở hữu, hàng loạt công ty tài chính trong nước đang có cổ phần lớn của nhà đầu tư Nhật.

Thực tế, làn sóng mua lại công ty tài chính Việt Nam của các tập đoàn tài chính nước ngoài đã diễn ra rầm rộ trong những năm qua và chủ yếu là với đối tác Nhật Bản. Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng này sẽ còn nóng hơn trong năm 2017, khi một số thương vụ tiếp tục được đàm phán và đi đến hồi kết.

Trong các thương vụ mua, bán giữa công ty tài chính nội và nhà đầu tư ngoại thành công thời gian qua, đa phần đối tác ngoại chốt tỷ lệ sở hữu ở mức cao, lên đến 49%. Chẳng hạn, Ngân hàng Shinsei Bank - một nhà đầu tư từ Nhật Bản vừa rót tiền mua 49% vốn góp tại MCredit (công ty tài chính của MB). Sau thương vụ này, MCredit được đổi tên thành Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài chính tiêu dùng MB Shinsei.

Trước đó, NHNN cũng đã chấp thuận cho HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của công ty tài chính trực thuộc HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). Sau khi hợp đồng mua bán hoàn tất, HDBank vẫn sở hữu 50% vốn điều lệ của HDFinance. Credit Saison Co., Ltd (Nhật Bản) sở hữu 49% vốn điều lệ của HDFinance và Công ty tài chính TP. HCM (HSC) sở hữu 1%. Sau đó, HDFinance đã được chuyển đổi sang thương hiệu HD Saison.

Thêm nhiều thương vụ trong tương lai

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được những cú nhảy vọt đáng kinh ngạc, khi kết quả kinh doanh của các công ty tài chính rất khả quan.

Chưa dừng lại tại đây, tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được đánh giá rất cao, với số lượng người đến tuổi lao động lớn, mức thu nhập và nhu cầu chi tiêu ngày càng cao.

Theo Tập đoàn Tư vấn Boston (Boston Consulting Group), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng mức tiêu thụ và gián tiếp gia tăng nhu cầu tài chính tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn BMI và Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, tốc độ đô thị hóa nhanh đã hỗ trợ sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng. Tỷ lệ dân số thành thị dự kiến sẽ tăng từ mức 33% năm 2014 lên hơn 50% vào năm 2040.

Ước tính, Việt Nam có khoảng 18 triệu người trưởng thành sinh sống ở đô thị (chiếm khoảng 20% tổng dân số). Đây là nguồn khách hàng tiềm năng sử dụng các dịch vụ tài chính được cung cấp bởi các tổ chức tài chính và con số này được dự kiến sẽ tiếp tục tăng theo quy mô đô thị hóa ở Việt Nam.

Đây cũng là lý do nhà đầu tư ngoại “thèm khát” thị trường tài chính tiêu dùng nội địa và nhiều khả năng dòng vốn ngoại đổ vào công ty tài chính tiêu dùng Việt sẽ nóng hơn trong năm 2017, với một số thương vụ đang trong vòng đàm phán.

Thực tế cho thấy, trong số các ngân hàng Việt Nam đã bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, tính đến thời điểm này, hơn một nửa đã “kết duyên” với nhà đầu tư Nhật Bản. Và làn sóng hợp tác Việt - Nhật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đang tiếp diễn, nhất là ở lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Theo nhận định của lãnh đạo các ngân hàng, sự tương đồng về văn hóa và hợp ý về tầm nhìn đã tạo nên sự hấp dẫn đối với cả 2 phía.

Bên cạnh đó, các ngân hàng Nhật Bản thiên về chiến lược bán lẻ, phù hợp với chiến lược mà nhiều nhà băng Việt Nam đang theo đuổi. Vì vậy, các ngân hàng Việt có nhu cầu “giao duyên” với đối tác ngoại để phát triển đã và đang chuyển hướng tìm kiếm sang khu vực Đông Bắc Á, trong đó, Nhật Bản là tâm điểm.

Sau khi NHNN ban hành Quyết định số 2400/QĐ-NHNN chính thức chấp thuận việc Công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) sáp nhập SHB, Ngân hàng đã có thông báo về việc sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng SHB với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, SHB tiết lộ việc hợp tác với một số đối tác nước ngoài, trong đó có nhận góp vốn.

Với tiềm năng phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng, cuộc chạy đua thâu tóm công ty tài chính của các ngân hàng dường như vẫn chưa đến hồi kết. Ngoài HDBank, VPBank và Techcombank, các ngân hàng như SHB, MaritimeBank đều đã hoàn tất kế hoạch để mua lại công ty tài chính.

Sau khi hoàn tất thương vụ và chuyển đổi thương hiệu, chiến lược chung của các nhà băng là nhanh chóng tìm đối tác chiến lược nước ngoài để bán lại.

hực tế, nhiều nhà đầu tư ngoại muốn mua 100% vốn cổ phần của công ty tài chính Việt, song theo quy định hiện nay, mức sở hữu tối đa chỉ được 49%. Do vậy, trong thời gian tới, thị trường kỳ vọng room sở hữu của đối tác ngoại sẽ được nới rộng hơn.

Tin bài liên quan