Con đường tái cơ cấu ngành ngân hàng Việt còn rất dài

Con đường tái cơ cấu ngành ngân hàng Việt còn rất dài

(ĐTCK) Nhận thấy sự tích cực của cục diện hệ thống ngân hàng ở Việt Nam trong những năm gần đây, ông Jens Ruebbert, Tổng giám đốc Ngân hàng Deutsche Bank AG, Chi nhánh TP. HCM, đã chia sẻ với ĐTCK về những thay đổi này, đồng thời đưa ra một số gợi ý để Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn dòng vốn nước ngoài vào các ngân hàng địa phương.

5 năm qua, lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đã trải qua quá trình tái cơ cấu trên quy mô lớn, ông nhìn nhận gì về những kết quả đạt được và đâu là sức ép chính đối với ngành ngân hàng tại thời điểm này?

Có thể thấy rằng, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Nhìn lại thời điểm 2 năm trước, khi tôi lần đầu tiên đến Việt Nam, vẫn còn nhiều ngân hàng đang hoạt động trên thị trường. Sau đó, số đông này đã được giải quyết thông qua quá trình sáp nhập với quy mô lớn, giống như một quá trình tái cơ cấu và tiến trình này sẽ còn tiếp diễn, bởi nó là điều cần thiết. Một phần của vấn đề là do vẫn còn khá nhiều ngân hàng yếu, do vậy, việc thành lập VAMC (Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam) là một bước đi đúng đắn để xử lý vấn đề nợ xấu.

Tôi cũng thấy được sự tiến bộ trong việc giải quyết nợ xấu, như thông qua việc tái cơ cấu khoản vay hoặc gộp các khoản vay lại rồi đem bán. Ngoài ra, còn là những thay đổi tích cực gần đây trong cơ cấu quản lý ngoại hối. Thật hoan nghênh khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang sử dụng một mô hình khác để điều chỉnh cho tiền đồng có giá trị so sánh hơn trước, bằng cách ấn định tỷ giá hàng ngày, cơ bản là xác định lại nhóm ngoại tệ so với tiền đồng.

Những tín hiệu trên là rất tích cực, tuy nhiên, con đường tái cơ cấu của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn còn rất dài ở phía trước. Chẳng hạn, Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện Basel II, điều này cho thấy, thị trường tài chính Việt Nam đang tiến nhanh hơn so với một số thị trường tài chính quốc tế khác. Những bước tăng tốc trong lĩnh vực này, cùng với nhiều chính sách cải cách khác sẽ giúp thị trường Việt Nam ngày một một hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Ông Jens Ruebbert 

Với số lượng ngân hàng yếu, theo ông, là vẫn còn khá nhiều như hiện nay, có nên giảm thêm thông qua phương thức hợp nhất?

Hợp nhất không chỉ là giảm bớt số lượng ngân hàng tại Việt Nam, mà có nhiều phương thức khác để cân nhắc. Việc những ngân hàng lớn tiếp quản những ngân hàng nhỏ không làm cho những ngân hàng nhỏ mạnh lên, mà thực sự lại làm cho các ngân hàng lớn yếu đi. Một lần nữa, giải pháp phải là thực hiện Basel II, đồng thời xây dựng cơ chế quản lý rủi ro đúng đắn trong hệ thống ngân hàng. Đây cũng là một phần của quá trình tái cơ cấu. Lúc đó, việc những ngân hàng lớn tiếp quản những ngân hàng nhỏ sẽ có ý nghĩa, nếu các ngân hàng đó cung cấp được cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả và đúng đắn.

Việc giảm số lượng ngân hàng, theo tôi, sẽ không mấy khó khăn do tiềm lực tài chính mạnh của một số ngân hàng trong nước. Vì thế, tôi có thể khẳng định rằng, quá trình hợp nhất cần phải hướng tới một đội ngũ các ngân hàng có mức vốn tốt và có một khuôn khổ quản lý rủi ro mạnh. Các ngân hàng phải có nền tảng tài chính lành mạnh và có cơ chế quản lý rủi ro vững chắc để khắc phục các biến động theo chu kỳ của thị trường và phục vụ tốt cho nền kinh tế trong nước.

Việt Nam muốn thu hút thêm đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, theo ông, trong tương lai gần, những yếu tố quan trọng nào có thể hỗ trợ việc này?

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc cải cách và hiện đại hoá nền kinh tế. Với mức tăng trưởng GDP bền vững, lạm phát thấp, tiền tệ và lãi suất tương đối ổn định, Việt Nam đã tạo nên một nền tảng tốt để thu hút dồi dào các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Riêng về vấn đề đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng, theo tôi, các ngân hàng có một nền tảng tài chính lành mạnh, lợi nhuận bền vững, cơ sở vốn vững chắc và có khuôn khổ quản lý rủi ro mạnh sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Việc thực hiện Basel II, cũng như việc hợp nhất và tái cơ cấu sắp tới trong lĩnh vực ngân hàng trong nước chắc chắn cũng sẽ hỗ trợ cho vấn đề này. Một yếu tố quan trọng khác có thể giúp thu hút các nhà đầu tư chính là sự hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu của Việt Nam, thông qua các hiệp định thương mại gần đây như AEC, VN-EU FTA và TPP.

Tin bài liên quan