Hiện tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng là 21.673 đồng/USD

Hiện tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng là 21.673 đồng/USD

Có nên nới rộng mức điều chỉnh tỷ giá quá 2%?

(ĐTCK) Cuối tuần trước, NHNN đã chính thức tăng tỷ giá thêm 1% sau khi đã tăng 1% vào hồi đầu năm. Câu chuyện thị trường băn khoăn là, liệu có nên tiếp tục cố định cam kết biên độ 2%?

Con số 2% và niềm tin của thị trường

Sau khi phá giá rất mạnh vào đầu năm 2011, diễn biến tỷ giá hối đoái cũng như quan điểm điều hành của NHNN đã có một thay đổi cơ bản bắt đầu từ năm 2012 với việc không điều chỉnh tỷ giá một lần nào trong suốt cả năm 2012. Giai đoạn 2013 - 2014, NHNN đưa ra cam kết tỷ giá không tăng quá 2 - 3% mỗi năm và thực tế, NHNN đã không điều chỉnh tỷ giá hết mức cam kết.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, các cam kết trong năm 2012 - 2014 của NHNN đã góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có việc ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; góp phần kiềm chế lạm phát. Trong thời gian này, Việt Nam đã có thặng dư cán cân thương mại, theo đó, cán cân thanh toán được cải thiện và dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục.

Tổng giám đốc một NHTM nhận định: “Mặc dù có những ý kiến nhận định việc cam kết trong điều hành tỷ giá là cứng nhắc, nhưng không thể phủ nhận bằng cách chủ động trong định hướng về điều chỉnh tỷ giá hối đoái, NHNN đã lấy được niềm tin của thị trường”.

Đồng quan điểm này, Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một NHTM chia sẻ, bản chất của tỷ giá hối đoái là linh hoạt và phù hợp với thị trường, bởi vậy, cam kết 2% của NHNN không hẳn cứng nhắc. Lý do là, tính linh hoạt là bản chất của chính sách tiền tệ, trong đó có chính sách về tỷ giá hối đoái. Do vậy, không nhất thiết phải khăng khăng bám giữ vào con số nào đó cũng như các yếu tố về điều kiện thị trường, mà có thể chủ động thay đổi.

Sang năm 2015, NHNN cũng đưa ra cam kết tỷ giá không tăng quá 2% cũng như việc sẽ sử dụng các biện pháp và công cụ đồng bộ để có thể ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường cũng như các dự báo về kinh tế vĩ mô và tiền tệ để điều hành một cách phù hợp cho thấy rõ ràng về kỳ vọng của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, NHNN đã sử dụng hết dư địa cam kết 2%. 

Không nhất thiết phải cố định biên độ 2%

Theo vị tổng giám đốc trên, NHNN nên theo dõi sát diễn biến trên thị trường đồng thời căn cứ trên các dự báo tình hình cán cân thương mại, cán cân thanh toán và diễn biến của quan hệ tỷ giá hối đoái giữa USD và các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, để có quyết định điều hành tỷ giá phù hợp.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, câu chuyện điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn hơn nhiều bởi yếu tố bên ngoài diễn biến không thuận lợi, như giá dầu, tỷ giá đô la Mỹ. Hiện “room” điều chỉnh đã hết, nhưng chúng ta đều có chính sách điều chỉnh linh hoạt, dẫn dắt thị trường, nên nếu thị trường có biến động bất lợi, đòi hỏi những điều chỉnh khác thì cần phải có tính toán cân nhắc và có thông điệp cụ thể với thị trường.

“Room đã điều chỉnh 2% theo định hướng ban đầu, từ nay đến cuối năm, nếu thị trường bên trong và ngoài có biến động mạnh sẽ cần phải xem xét khả năng có điều chỉnh khác hay không, nếu có, cần có động thái truyền thông rõ ràng với thị trường”, TS. Lực nói. 

Câu chuyện cam kết biên độ 2%, theo TS. Ánh, đó là mong muốn, định hướng, nỗ lực của NHNN để giữ ổn định thị trường ngoại hối. Mặc dù room 2% đã hết, nhưng điều đó không có nghĩa từ nay đến cuối năm, tỷ giá chỉ thay đổi theo chiều hướng tăng, mà có thể có cả hướng điều chỉnh giảm phụ thuộc vào những điều kiện của thị trường.

TS. Ánh phân tích thêm, việc đưa ra cam kết là nhằm ổn định thị trường và các năm trước đã thực hiện được. Nếu năm nay, mức điều chỉnh cao hơn không có nghĩa cam kết thất bại mà đây là những diễn biến không lường trước được của thị trường. Mức độ điều chỉnh phụ thuộc vào cơ quan quản lý đánh giá áp lực tỷ giá hối đoái và tìm ra được những nguyên nhân cơ bản về thực tế kinh tế tài chính trong và ngoài nước hay tâm lý kỳ vọng.

“NHNN giành lại quyền chủ động về điều hành tỷ giá hối đoái, không nhất thiết phải cứng nhắc trong biên độ 2% mà còn có những lựa chọn khác để bổ sung, phối hợp can thiệp. Không chỉ tăng tỷ giá khi có áp lực, mà còn nhiều công cụ khác như bán ngoại tệ, thậm chí cả các công cụ hành chính…”, TS. Ánh nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói: “Tôi đồng ý với chủ trương giữ sự ổn định tỷ giá nhưng chúng ta đã dùng hết 2% chỉ tiêu. Từ đây đến cuối năm, thị trường hối đoái tiếp tục biến động, tôi e rằng chúng ta cần có thêm dư địa 1% để đối phó với những tình huống bất thường. Tuy nhiên, NHNN không cần phải chính thức nới chỉ tiêu thêm 1%, mà nên sẵn sàng đối phó với những biến động trên thị trường với một biên độ dự phòng hợp lý”.

Tin bài liên quan