Kế hoạch đầy tham vọng
Tại ĐHCĐ thường niên 2017 của VPBank được tổ chức chiều nay tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, năm 2016, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 228.771 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2015, nhưng chỉ đạt 93% so với kế hoạch đặt ra là 246.223 tỷ đồng.
Nguyên do chưa đạt được mục tiêu, theo ông VInh, là do định hướng của NHNN trong việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng quá nóng của ngành ngân hàng, nên VPBank phải điều chỉnh hoạt động.
Các khoản nợ của HAGL hiện trong nhóm 1, có một số ở nhóm 2. Thời gian giãn nợ 2 năm lên 5 năm. Với việc đẩy mạnh khai thác một số lĩnh vực nông nghiệp có thể trả được một phần khoản nợ và năm 2018 sẽ tốt hơn
- Ông Nguyễn Đức Vinh,Tổng giám đốc VPBank
Đến cuối năm 2016, dư nợ cấp tín dụng (gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 162.832 tỷ đồng, tăng trưởng 31.400 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 24% so với cuối năm 2015. Ngân hàng tập trung tăng trưởng mạnh mẽ vào phân khúc cho vay bán lẻ gồm: khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng tiểu thương, tín dụng tiêu dùng để giảm thiểu rủi ro, nhờ đó, nâng tỷ trọng cho vay phân khúc bán lẻ từ 72% năm 2015, lên 77% năm 2016.
Tỷ lệ nợ xấu của toàn ngân hàng được kiểm soát tốt, duy trì dưới 3%. Bên cạnh đó, công tác thu hồi nợ cũng đạt được những kết quả tốt, không chỉ gián tiếp góp phần tăng lợi nhuận thông qua thu hồi lãi treo, giảm nợ xấu, mà còn trực tiếp góp phần tăng lợi nhuận thông qua việc thu 715 tỷ đồng từ nợ đã xử lý rủi ro, tăng 180% so với năm 2015.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 4.929 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của riêng Ngân hàng là hơn 3.403 tỷ đồng. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và hiệu suất sinh lời vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) năm 2016 đạt tương ứng là 1,86% và 26%.
“Không kể phần lợi nhuận của Công ty Tài chính FE Credit, lợi nhuận của riêng Ngân hàng nằm trong nhóm 3 cho thấy sự đồng đều trong hoạt động của các phân khúc, các nhóm khác nhau đã đóng góp rất lớn cho kết quả cuối năm 2016”, ông Vinh nói.
Sự thành công của VPBank được ông Vinh cho biết, không chỉ dừng lại ở các kết quả tài chính, các chỉ số phi tài chính cũng đạt được con số tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, VPBank đã đạt được hơn 5 triệu khách hàng có các tài khoản đăng ký và hơn 3,3 triệu khách hàng thường xuyên giao dịch. Đây là cơ sở quan trọng trong việc theo đuổi chiến lược bán lẻ của VPBank.
Phát hành thẻ tín dụng cao nhất trên thị trường. Cụ thể, VPBank là nhà phát hành thẻ lớn nhất trên thị trường của Master Card, đứng thứ 3 trên thị trường bao gồm cả Master và Visa Card.
“Năm 2016 cũng là năm đầu tiên bắt đầu có lãi trong hoạt động thẻ và hy vọng những năm tới sẽ có những kết quả quan trọng”,ông Vinh cho biết.
Về kế hoạch năm 2017, ông Vinh cho biết, mục tiêu tổng tài sản đạt 280.645 tỷ đồng, huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá 217.732 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng 200.591 tỷ động, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và mục tiêu tham vọng lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng.
Bên cạnh 4 phân khúc chính mang lại lợi nhuận cho Ngân hàng làkhách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng tiểu thương, tín dụng tiêu dùng, ông Vinh tiết lộ sẽ có thành quả từ những lĩnh vực kinh doanh mới từ Ngân hàng số.
Cụ thể, tháng 9/2017 sẽ ra mắt thương hiệu ngân hàng số VPDirect dự kiến không chỉ mang lại lợi nhuận không chỉ trong năm 2017, mà còn cả các năm tiếp theo.
Tuy lãi lớn, nhưng ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch HĐQT VPBank đề xuất năm nay Ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền mặt, mà bằng cổ phiếu nhằm đáp ứng nguồn vốn trung, dài hạn, tiếp tục triển khai dự án trọng điểm Basel II nhằm thay đổi toàn diện hệ thống quản trị rủi ro, phục vụ hiệu quả nhất cho công tác triển khai kinh doanh trên cơ sở chuẩn mực và thông lệ quốc tế cũng như yêu cầu tuân thủ của NHNN.
Cụ thể, phần lợi nhuận sau thuế và quỹ đầu tư phát triển sau khi phân phối quỹ dự trữ bắt buộc của các công ty con sẽ được kết chuyển về ngân hàng. Tổng lợi nhuận và Quỹ đầu tư phát triển năm 2016 được giữ lại để phân phối là 3.194 tỷ đồng sẽ được chuyển vào lợi nhuận để lại để tiếp tục phân phối theo quyết định của ĐHCĐ. Tỷ lệ chi trả cổ tức là 31,84%.
Vốn điều lệ hiện tại của Ngân hàng là 10.765 tỷ đồng và số vốn tự có tương ứng khoảng 15.400 tỷ đồng, thì trong năm 2017, VPBank cần bổ sung thêm khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng vào vốn điều lệ. Với tổng nguồn lợi nhuận để lại có thể phân phối lợi nhuận là hơn 3.190 tỷ đồng, có thể tăng vào vốn điều lệ của Ngân hàng, VPBank vẫn cần bổ sung thêm khoảng 1.000 tỷ đồng vào vốn điều lệ.
Thống nhất chủ trương sẽ thực hiện mua, bán, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức pháp lý, giải thể hoặc mở thủ tục phá sản công ty con của VPBank nếu cần thiết và có lợi cho Ngân hàng và các công ty con. Ủy quyền và giao nhiệm vụ cho HĐQT trên tinh thần tuân thủ quy định của pháp luật, định hướng hoạt động và bảo vệ lợi ích của Ngân hàng và các công ty con thực hiện toàn bộ nội dung có liên quan đến chủ trương này.
Liên quan đến việc VPBank niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, từ cuối năm 2016, Ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông để tiến hành thủ tục niêm yết trên sàn. VPBank đã làm thủ tục với Trung tâm Lưu ký, tuy nhiên do có một số thủ tục hành chính bị kéo dài nên phải tạm dừng và hiện tại Ngân hàng quyết định thuê một công ty chứng khoán chuyên nghiệp tư vấn để thực hiện.
Việc niêm yết trên sàn là ý muốn chủ quan của VPBank, nhưng việc tiến hành lại phụ thuộc nhiều vào các cơ quan quản lý chứ không phải là riêng VPBank nhưng nhanh nhất là trong quý II/2017 sẽ lên sàn tại TP.HCM.
Cổ đông băn khoản về khoản nợ 2.000 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lai
Đối với câu hỏi của cổ đông về khoản nợ tại Hoàng Anh Gia Lai hơn 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng có rủi ro gì? Ông Dũng đã xác nhận, VPBank có khoản nợ tại công ty này và cho biết, thời gian qua Hoàng Anh Gia Lai có những hoạt động nông nghiệp theo định hướng của Chính, phủ nên trước những biến động lớn dẫn đến kinh doanh không thuận lợi, tuy nhiên, HAGL đã được tái cơ cấu các khoản nợ với các thời gian khác nhau.
Ông Vinh cho biết thêm, Hoàng Anh Gia Lai kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm, làm thực chứ không ảo, với cao su, dầu cọ, chăn nuôi bò…, nhưng khủng hoảng giá dầu, cao su đã làm ảnh hưởng đến DN và VPBank cũng như các ngân hàng đánh giá doanh nghiệp này mất cân đối cơ cấu về vốn.
Với những khó khăn, Hoàng Anh Gia Lai được tái cấu trúc khoản nợ, xem xét lại cấu trúc giữa dòng vốn ngắn hạn, cho đầu tư dài hạn sao cho hợp lý.
Theo đó, các ngân hàng dưới sự chỉ đạo của NHNN đã thực hiện chương trình tái cấu trúc, kéo dài thời hạn trả nợ cả gốc và lãi, cấu trúc bán tài sản…, được NHNN đồng ý và ủng hộ.
“Các khoản nợ của HAGL hiện trong nhóm 1, có một số ở nhóm 2. Thời gian giãn nợ 2 năm lên 5 năm. Với việc đẩy mạnh khai thác một số lĩnh vực nông nghiệp có thể trả được một phần khoản nợ và năm 2018 sẽ tốt hơn. Đây là khoản nợ được Ban lãnh đạo, HĐQT rất quan tâm và có những cấu trúc để đảm bảo VPBank không bị mất, cũng như có những dự phòng hợp lý. Tuy nhiên, chúng tôi không đánh giá đây là khoản nợ có rủi ro lớn, mà sẽ thu hồi được dần dần trong thời gian tới”, ông Vinh nhấn mạnh.