Cổ đông PGBank yêu cầu lãnh đạo phải có thái độ dứt khoát với VietinBank

Cổ đông PGBank yêu cầu lãnh đạo ngân hàng này phải có thái độ dứt khoát với VietinBank và Ngân hàng Nhà nước về việc có sáp nhập hai ngân hàng này hay không.

Tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), lãnh đạo ngân hàng cho hay: Kết quả kinh doanh năm qua chưa đạt kế hoạch đề ra là do việc sáp nhập với VietinBank kéo dài, đã lên đến 3 năm. Lãnh đạo ngân hàng mong muốn đây là giai đoạn để kết cấu lại và định hướng lại theo nội dung đại hội cổ đông đã nêu năm 2015, trong đó cơ bản là lành mạnh hóa hoạt động, đặc biệt bán nợ cho VAMC và xử lý nợ xấu.

Theo đề xuất của cổ đông, lãnh đạo ngân hàng PGBank phải có thái độ dứt khoát với VietinBank và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) việc có sáp nhập hai ngân hàng này hay không. Cổ đông cho rằng, việc sáp nhập kéo dài ảnh hưởng đến uy tín của cả Petrolimex, cổ phiếu PGBank khó giao dịch trên thị trường. "Chúng ta cũng phải có phương án B là không sáp nhập thì như thế nào chứ không thể cứ mãi chờ đợi", cổ đông nhấn mạnh.

Đề cập lý do dẫn đến thương vụ sáp nhập này, Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo cho biết không phải vì PGBank hoạt động không tốt mà do đã có những quy định của NHNN thay đổi so với thời gian thành lập, mà cụ thể là về tỷ lệ sở hữu tối đa tại tổ chức tín dụng.

Quan điểm của lãnh đạo ngân hàng là không lùi bước, không đi ngược lại sự ủy quyền và phê duyệt của cổ đông.

Cổ đông PGBank yêu cầu lãnh đạo phải có thái độ dứt khoát với VietinBank  ảnh 1

 Đại hội đồng cổ đông thường niêm 2017 của PGBank "nóng" vấn đề sáp nhập với VietinBank.

Ông Bảo cho biết thêm, về cơ bản ngân hàng có thể chia được cổ tức tỷ lệ 9% cho cổ đông. Việc chia bằng tiền mặt sẽ khó khăn do phải xin ý kiến NHNN. Ngân hàng cũng có thể đề xuất mua lại cổ phiếu quỹ để giải tỏa và cơ cấu lại nguồn vốn. Song cả hai việc này sẽ trình xin ý kiến cổ đông, có thể trong quý II.

Trả lời lãnh đạo PGBank, một cổ đông nói: "Chúng tôi không thể chấp nhận được, không chịu được thái độ chờ đợi của lãnh đạo ngân hàng, chúng ta phải dứt khoát với VietinBank và Ngân hàng Nhà nước. Còn cổ tức 9% thì chúng tôi cần tiền mặt chứ không cần cổ phiếu, vì đó là liều thuốc an thần với cổ đông đã chờ đợi suốt 3 năm qua để củng cố lòng tin của cổ đông".

Theo báo cáo được trình bày tại đại hội, năm 2016, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 153 tỷ đồng, chỉ bằng 55% so với kế hoạch đề ra.

Tổng tài sản đến cuối năm 2016 ở mức 24.824 tỷ đồng; Tổng dư nợ tín dụng hơn 17.500 tỷ; huy động vốn hơn 21.000 tỷ đồng. Tổng thu nhập từ hoạt động của ngân hàng đạt hơn 982 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này cũng thấp hơn so với kế hoạch đề ra.

Về quyết toán phần thù lao, lương và thưởng của HĐQT, Ban Kiểm soát, năm 2016 ĐHCĐ đã phê duyệt thù lao của các chủ tịch HĐQT là 0,95 và của thành viên HĐQT là 0,76 tháng thu nhập trước thuế bình quân của nhân viên ngân hàng.

Năm qua, tổng thù lao của chủ tịch HĐQT PGBank là chưa đến 132 triệu đồng trong khi của các thành viên HĐQT là gần 739 triệu đồng.

Kế hoạch năm 2017, ngân hàng tiếp tục đề xuất mức lương của chủ tịch HĐQT là 0,95 và của các thành viên HĐQT không chuyên trách là 0,76 tháng thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng trong cả năm.

Trước đó, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông sáng nay 17/4, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, việc sáp nhập PGBank chưa hoàn thành trong năm do các cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt chấp thuận nguyên tắc và chấp thuận chính thức theo quy định về sáp nhập hiện hành. Hiện ngân hàng này đang phối hợp với PGBank để đánh giá lại phương án sáp nhập sao cho hiệu quả để báo cáo NHNN.

"Sau khi xem xét, NHNN đã tiếp tục yêu cầu VietinBank thực hiện việc rà soát, cập nhật lại kết quả định giá cổ phiếu PGBank, tính toán và đàm phán lại về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa VietinBank và PGBank", lãnh đạo VietinBank cho hay.

Sau khi có yêu cầu của NHNN, VietinBank đã tiếp tục thuê tư vấn độc lập là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam thực hiện công việc này và hiện nay VietinBank đang trong quá trình đàm phán, thống nhất lại với PGBank để báo cáo NHNN.

Tin bài liên quan