Tình trạng hỗn loạn đã xảy ra tại ĐHCĐ thường niên 2016 lần thứ 2 của Eximbank

Tình trạng hỗn loạn đã xảy ra tại ĐHCĐ thường niên 2016 lần thứ 2 của Eximbank

Cổ đông ngân hàng ngày càng… mạnh miệng

(ĐTCK) Không chỉ chất vấn về lợi nhuận, cổ tức, trong mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, nhiều cổ đông ngân hàng còn đặt ra nhiều yêu cầu nhằm nắm được tình hình hoạt động của ngân hàng và khả năng xử lý các tồn đọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số cổ đông thiếu thiện chí, thậm chí đến dự để… phá bĩnh đại hội.

Bức xúc vì lợi nhuận nghìn tỷ, vẫn không cổ tức

Vấn đề cổ tức luôn là đề tài làm “nóng” ĐHCĐ của các ngân hàng. Đáng chú ý, tại một số nhà băng, dù báo lãi cả nghìn tỷ đồng trong những năm gần đây, song vẫn nói “không” với cổ tức, khiến không ít cổ đông bức xúc. Chẳng hạn, cổ đông của VietinBank, Techcombank, Maritime Bank… đều không nhận được cổ tức từ vài năm trở lại đây.

Trong khi đó, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, nếu tình hình hoạt động còn khó khăn, khả năng vài năm tới cũng chưa thể chia cổ tức. Vì thế, cổ đông của nhiều ngân hàng không khỏi bức xúc và cho rằng, họ đã quá thiệt thòi khi mua cổ phiếu của những nhà băng này, đã không được nhận cổ tức, mà cổ phiếu cũng khó bán bởi thanh khoản kém.

Ông Trần Thanh Hải, một cổ đông của VietA Bank cho hay: “Tôi đã mua cổ phiếu của ngân hàng này từ những năm TTCK còn ở đỉnh cao (2008-2009), với giá cao hơn mệnh giá (10.000 đồng/CP). Hiện tại, giá cổ phiếu VietA Bank giao dịch trên thị trường OTC chỉ bằng nửa mệnh giá, song vẫn khó bán vì giao dịch yếu. Đã vậy, gần 3 năm nay, tôi cũng không hề nhận được cổ tức từ Ngân hàng”.

Tại ĐHCĐ thường niên của VietA Bank, trả lời chất vấn của cổ đông về cổ tức, Chủ tịch HĐQT Phương Hữu Việt cho biết, VietA Bank đã trình phương án chia cổ tức lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đó là dùng nguồn lợi nhuận sau thuế để phát hành cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7,5%, qua đó tăng vốn điều lệ. Sau thời gian dài tăng vốn bất thành, nếu đợt phát hành này được thông qua, VietA Bank sẽ tăng vốn từ 3.500 tỷ đồng lên 3.762 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo các nhà băng, để tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng, mở rộng mạng lưới và quy mô, NHNN khuyến khích các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhất là các ngân hàng nhỏ. Đây là lý do vì sao các ngân hàng chia cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt.

Mặc dù vậy, có không ít cổ đông ngân hàng không hài lòng với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, bởi họ mong muốn nhận cổ tức bằng tiền mặt hơn sau nhiều năm đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, kể cả khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã giảm so với trước đây.

Bà Nguyễn Thị Mai, cổ đông của một ngân hàng có vốn 3.000 tỷ đồng tại TP. HCM chất vấn HĐQT tại kỳ ĐHCĐ thường niên của ngân hàng rằng, với tỷ lệ cổ tức 4% tại sao ngân hàng không chia bằng tiền mặt như mọi năm, mà bằng cổ phiếu? Theo cổ đông này, miễn sao là tiền mặt, chứ chia cổ phiếu, thực chất cổ đông không được gì. Tuy nhiên, do ngân hàng năng lực vốn còn yếu kém, nên phải chia cổ tức bằng cổ phiếu để giữ lại dòng tiền mặt.

Một động thái đáng chú ý là ngày 31/5, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng trả cổ tức. Công văn của Bộ Tài chính ra đời sau khi BIDV không trả cổ tức 2015 bằng tiền mặt, Vietinbank cũng không chia cổ tức năm 2015.

Hiện phần vốn Nhà nước tại VietinBank là 64,46%, còn tại BIDV là hơn 95%. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2015, cả BIDV và VietinBank đều “hứa” sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ trên dưới 10%, nhưng sau đó đều thất hẹn, mặc dù cả 2 nhà băng này đều lãi trước thuế hơn 7.000 tỷ đồng.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, Ngân hàng đang đề xuất với Bộ Tài chính xem xét việc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên đã thông qua ngày 26/4/2016.

Còn HĐQT BIDV cho biết, trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu (tỷ lệ 8,5%) là do vừa nhận sáp nhập MHB. VietinBank không chia cổ tức do đang trong quá trình thực hiện sáp nhập với PGBank.

VietinBank lý giải, không chia cổ tức nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của Ngân hàng, đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của NHNN và thông lệ quốc tế. Đây là điều rất cần thiết để đảm bảo VietinBank là ngân hàng trụ cột của Việt Nam.

Trước thắc mắc về việc không chia cổ tức năm 2015 của cổ đông Techcombank, Ban lãnh đạo Ngân hàng cũng trả lời cùng một ngôn ngữ: Ngân hàng phải giữ lại lợi nhuận để tăng năng lực cạnh tranh. Techcombank là 1 trong 10 ngân hàng sắp tới sẽ áp dụng Basel II, nên cần có giai đoạn chuẩn bị để áp dụng. 

Khi cổ đông thiếu kiềm chế

Không chỉ bức xúc về vấn đề cổ tức, thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát hay nợ xấu tăng, tại ĐHCĐ thường niên 2016 lần thứ 2 của Eximbank, tình trạng hỗn loạn đã xảy ra khi có nhóm cổ đông không đồng tình về các nhân sự lãnh đạo của nhà băng này.

Chứng kiến tình cảnh hỗn loạn này, một cụ bà - cổ đông 83 tuổi không khỏi ngao ngán: “Tại sao người trẻ lại hành xử kém văn hoá như vậy? Tôi chưa bao giờ bước lên bàn chủ tọa đoàn nếu không được phép. Mọi người nhao nhao lên gây mất thời gian cho tất cả”.

Cổ đông lớn tuổi này cho rằng, hãy khoan vì lợi ích riêng của mình, mà hãy tôn trọng 700 con người đang có mặt trong đại hội và hơn hết là 6.000 người lao động Eximbank.

Một nhóm cổ đông nắm giữ trên 20% vốn của Eximbank đã liên tục chất vấn về việc HĐQT mới của Eximbank đã không thực hiện Nghị quyết ĐHCĐ bất thường diễn ra ngày 15/12/2015 và nhiều yêu cầu rất căng thẳng khác.

Trước thực trạng này, Ban lãnh đạo Eximbank đã không chỉ chịu áp lực trả lời cổ đông, mà còn phải có văn bản báo cáo cho NHNN về việc xử lý kiến nghị của nhóm cổ đông do bà Nguyễn Thị Xuân Loan, làm đại diện khi bà có đơn khiếu nại gửi đến Ngân hàng.

Mâu thuẫn căng thẳng tại Eximbank xoay quanh câu chuyện bầu bổ sung nhân sự vào HĐQT. Được biết, ngày 4/7 tới, Eximbank sẽ nộp hồ sơ và danh sách ứng cử viên bầu bổ sung vào thành viên HĐQT lên NHNN để cơ quan này xem xét chấp thuận, trước khi tiến hành tổ chức lại ĐHCĐ 2016 và bầu cử thành viên HĐQT mới (dự kiến ngày 2/8 tới đây). Hiện HĐQT Eximbank gồm 9 thành viên.

HĐQT Eximbank đã thống nhất chốt danh sách cổ đông vào ngày 9/6, để cổ đông thực hiện quyền đề cử, ứng cử vào HĐQT và quyền tham dự ĐHCĐ bất thường năm 2016. Thời gian nhận hồ sơ ứng cử, đề cử từ ngày 17/6 đến hết ngày 30/6. ĐHCĐ thường năm 2016 của Eximbank cũng quyết định một số nội dung đã có trong chương trình ĐHCĐ thường niên bất thành lần 2.

“HĐQT được bầu ra trong gần 5 tháng vừa qua tập trung nhiều vào thực hiện công việc kinh doanh, quản trị ngân hàng. HĐQT đã, đang xây dựng đề án tái cấu trúc, cùng Ban Kiểm soát, Ban điều hành, tập thể Eximbank xử lý các vấn đề tồn đọng, xây dựng kế hoạch kinh doanh cũng như kế hoạch xử lý nợ xấu cho năm 2016, xây dựng các phương án khắc phục sau thanh tra, khắc phục nhiều nội dung kiến nghị sau thanh tra”, lãnh đạo Eximbank cho biết. Bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, tổ chức lại nội bộ, việc trấn an cổ đông và giữ niềm tin nơi họ đang là một thách thức không nhỏ tại ngân hàng này.

Tin bài liên quan