Một trong những giải pháp được các doanh nghiệp và ngân hàng ưu tiên trong việc xử lý nợ xấu thời gian qua là chuyển nợ thành vốn góp. Hay nói cách khác đó là việc biến chủ nợ thành chủ sở hữu của một doanh nghiệp. Với biện pháp này, nhiều người cho rằng, có thể giải quyết hàng loạt vấn đề về nợ xấu, đem lại lợi ích cho cả ngân hàng và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nợ xấu vẫn tăng.
Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán sẽ có hiệu lực từ 1/9/2015. Khi đó, ngoài việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu của công ty cổ phần khác, doanh nghiệp được phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần tại doanh nghiệp khác (không phải công ty cổ phần), đồng thời phát hành cho chủ nợ để chuyển nợ thành vốn góp. Đây được xem là điều kiện tốt cho các NHTM trong xử lý nợ xấu.
Trên thực tế, dù không được phổ biến, nhưng nhiều ngân hàng đã sử dụng biện pháp này để trước mắt có thể làm “sạch” bảng cân đối kế toán, kỳ vọng thu hồi được nợ xấu trong tương lai khi “nuôi” con nợ để thu hồi nợ. Hướng giải quyết này khá tích cực, không chỉ với doanh nghiệp mà còn với cả ngân hàng.
Doanh nghiệp không bị siết nợ, có thể giảm bớt nghĩa vụ tài chính và thực hiện tái cấu trúc tổng thể, trong khi ngân hàng cũng có thể kỳ vọng thu hồi được nợ xấu trong tương lai khi doanh nghiệp ổn định được hoạt động sản xuất - kinh doanh. Biện pháp này mang nhiều tính thủ thuật để thu hồi nợ khi các con nợ rơi vào bước đường cùng.
Chia sẻ với ĐTCK, Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, dù cố gắng để đưa tỷ lệ nợ xấu xuống, trong đó có áp dụng cả biện pháp cấn trừ nợ cho doanh nghiệp để chuyển thành cổ phần, nhưng trước tình hình khó khăn hiện nay, thu hồi nợ vẫn rất khó. Mặt khác, quy định hiện nay, các ngân hàng chỉ được nắm tối đa một tỷ lệ cổ phần nhất định tại doanh nghiệp, không quá 11% và ngân hàng cũng là lĩnh vực nhạy cảm không được đầu tư nhiều ở các doanh nghiệp. Vì thế, việc chuyển nợ thành vốn góp không phải là “phao” cứu sinh trong xử lý nợ.
“Việc chuyển nợ thành vốn góp được xem là một giải pháp xử lý nợ, nhưng nếu thiếu vắng sự can thiệp và quyết liệt của các cổ đông mới trong doanh nghiệp nhằm tái cấu trúc, tăng cường hiệu quả quản lý và điều hành thì giải pháp này không có ý nghĩa cũng như hiệu quả tài chính lâu dài”, vị tổng giám đốc trên nói.
Đánh giá về vấn đề này, một chuyên gia tài chính cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có chính sách khuyến khích NHTM tự chuyển nợ xấu thành vốn góp. Vì thực tế hiện nay, các doanh nghiệp nợ xấu cần xử lý hầu hết đã dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, không còn vốn lưu động để hoạt động sản xuất - kinh doanh. Do vậy, các ngân hàng nếu muốn áp dụng biện pháp chuyển nợ thành vốn góp cần phải cấp thêm vốn để doanh nghiệp hồi phục.
Thực tế, giải pháp chuyển nợ thành vốn góp đã giúp một số doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi gặp khủng hoảng. Bianfishco là một điển hình. Năm 2011 - 2012, Bianfishco gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định, chi phí tài chính tăng cao, ngân hàng ngưng cấp tín dụng, quản trị điều hành doanh nghiệp yếu kém khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, Công ty thua lỗ, số dư nợ đọng ngân hàng và người dân nuôi cá lớn.
Các chủ nợ chính là các ngân hàng đã cùng phối hợp tái cấu trúc lại hoạt động của Bianfishco thông qua việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần. Theo đó, SHB chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Bianfishco, sở hữu 25 triệu cổ phần, bằng 50% vốn điều lệ (Bianfishco có vốn điều lệ 500 tỷ đồng) và tham gia vào quá trình tái cấu trúc toàn diện Công ty.
Hay CTCP Thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng) vào thời điểm tháng 11/2012 có khoản nợ các ngân hàng lên tới 1.599 tỷ đồng, đứng trước bờ vực phá sản. Các ngân hàng chủ nợ cùng DATC đã thống nhất tái cơ cấu lại Phương Nam. Theo đó, 2 NHTM tham gia góp vốn vào công ty này là LienVietPostBank (nắm 62,43% vốn điều lệ) và ABBank với tỷ lệ 34,17%.
Tuy nhiên, sau khi chuyển nợ thành vốn góp, việc phân loại nợ đối với khoản tín dụng cấp mới cho các doanh nghiệp, theo nhận định từ một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, NHNN cần có cơ chế riêng, do khó có thể xếp nhóm nợ xấu cho doanh nghiệp tại nhiều ngân hàng.
Việc cấp thêm vốn cho doanh nghiệp, nếu vẫn bị nợ xấu sẽ tăng áp lực trả nợ cũng như chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho ngân hàng, trong khi đó, Thông tư 02 quy định, cần giữ doanh nghiệp ở nhóm nợ tốt khi cho vay bổ sung vốn thay vì chuyển nợ xấu theo xếp hạng tại các ngân hàng khác.