ĐHCĐ sớm để triển khai công việc sớm
Khác với thường lệ, năm nay, Techcombank tổ chức ĐHCĐ 2018 vào ngày 3/3/2018. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống ngân hàng tổ chức ĐHCĐ. Còn nhớ năm ngoái, ngân hàng này tổ chức ĐHCĐ vào ngày 15/4. Tương tự, VPBank cũng vừa họp ĐHCĐ 2018 vào ngày 19/3, trong khi năm 2017 tổ chức vào ngày 10/4.
Không chỉ 2 cái tên trên, một loạt ngân hàng cũng đã lên lịch tổ chức ĐHCĐ sớm.
ACB cũng đã chốt danh sách cổ đông và tổ chức ĐHCĐ 2018 vào ngày 19/4, trong khi năm 2017, Ngân hàng này cũng tổ chức vào ngày 10/4. Còn tới đây, vào ngày 29/3, VIB sẽ tổ chức ĐHCĐ 2018, năm ngoái, VIB tổ chức ĐHCĐ vào ngày 27/4/2017. Cùng ngày 29/3 còn có Ngân hàng Quân đội (MB), sớm hơn gần 1 tháng so với ngày 26/4 của ĐHCĐ năm 2017. SCB cũng đã thông báo ngày tổ chức ĐHCĐ 2018 diễn ra vào ngày 28/3 tới, sớm hơn so với ngày 18/4/2017 của ĐHCĐ 2017.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, do nhiều vấn đề quan trọng cần phải được thông qua tại ĐHCĐ, nên năm nay OCB đã quyết định tổ chức sớm để thông qua các nghị quyết. Điều này rất có ý nghĩa khi năm 2018 được xác định là năm thuận lợi nên tổ chức ĐHCĐ sớm để triển khai công việc nhanh hơn.
Một chi tiết đáng quan tâm là năm nay thị trường chứng khoán có lợi, giá cổ phiếu tăng cao và các kế hoạch tăng vốn, thu hút đầu tư nước ngoài lại được lên kế hoạch. Đây đều là các nội dung phải trình xin ý kiến tại ĐHCĐ, do vậy, việc tổ chức sớm còn có ý nghĩa xin sớm chủ trương để sau đó Hội đồng quản trị có ủy quyền để chủ động kế hoạch tăng vốn, đàm phán đối tác ngoại.
Dù vẫn còn nhiều việc phải làm, song những bước tiến trong lĩnh vực ngân hàng rất đáng khích lệ và chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới
- Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết: “Để triển khai kế hoạch thu hút các nhà đầu tư, SCB tổ chức ĐHCĐ sớm để sớm thông qua chủ trương hoạt động trong năm 2018, đồng thời với đó là kiểm toán sớm”.
Một thương vụ đáng chú ý trong lĩnh vực ngân hàng là Techcombank, ngay sau ĐHCĐ gần 10 ngày, vào ngày 12/3, Techcombank đã công bố khoảng đầu tư từ Quỹ Warburg Pincus với giá trị lên tới 370 triệu USD.
Những kế hoạch "khủng" đã được trình
Nhìn vào kế hoạch kinh doanh năm 2018 của các ngân hàng trình ĐHCĐ đều cho thấy mức lợi nhuận kế hoạch tăng rất… khủng!
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, Ngân hàng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2018 với lợi nhuận trước thuế đạt 10.800 tỷ đồng. Được biết, lợi nhuận trước thuế năm 2017 của VPBank đạt 8.130 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 65% so với năm 2016 và đạt 120% kế hoạch điều chỉnh hồi giữa năm. Cũng trong năm 2017, vốn điều lệ của VPBank đã tăng từ 9.181 tỷ đồng lên hơn 15.706 tỷ đồng.
Tại SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho hay, năm nay, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng tưởng lợi nhuận 36,85% lên 224 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 9,69% lên 487.043 tỷ đồng. Định hướng kinh doanh sẽ chuyển đổi cơ cấu tài chính theo hướng tăng thu ngoài lãi, đẩy mạnh tăng trưởng nền tảng khách hàng cá nhân… SCB dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên 16.600 tỷ đồng trong 2018 và đến cuối năm 2019 nâng lên 18.000 tỷ đồng.
Ông Văn cho biết thêm, tuy quy mô lợi nhuận 2017 còn khiêm tốn, đạt 164 tỷ đồng trước thuế (vượt 35% kế hoạch năm), nhưng thu phí dịch vụ và lãi kinh doanh chứng khoán đều đạt mức cao, lần lượt là 871 tỷ đồng và 626 tỷ đồng, giúp SCB có cơ hội để xử lý nợ xấu, miễn và giảm lãi cho khách hàng.
“Mặc dù vậy, do SCB đã giảm lãi và trích dự phòng nên lợi nhuận bị tác động. Lợi nhuận trước giảm lãi cho khách hàng, trích dự phòng năm qua đạt 4.000 tỷ đồng, nhưng sau giảm lãi, trích dự phòng chỉ còn vài trăm tỷ đồng. Mức lợi nhuận còn khiêm tốn chủ yếu là do SCB vẫn đang trong quá trình củng cố nền tảng tài chính, các chi phí tái cơ cấu phát sinh trong năm tương đối cao”, ông Văn nói.
Còn tại Techcombank, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc thông tin, năm 2018, Techcombank đặt mục tiêu doanh thu tăng 20%; lợi nhuận trước thuế ở mức 10.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017. Tổng tài sản dự kiến đạt 315.184 tỷ đồng, tăng trưởng 17%; huy động vốn tăng trưởng 40%, tín dụng tăng trưởng 18% và duy trì nợ xấu thấp hơn 2%. Kết thúc năm 2017, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 8.000 tỷ đồng và là năm thứ 2 liên tiếp có mức tăng gấp đôi so với năm trước liền kề.
SSI Research nhận định, hầu hết các ngân hàng sẽ duy trì động lực tăng trưởng trong năm 2018, với tăng trưởng lợi nhuận bình quân tại 14 ngân hàng ước đạt khoảng 32,9%. Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là ACB với dự kiến tăng 120% lên gần 5.830 tỷ đồng, HDBank dự kiến tăng 60,5% lên 3.885 tỷ đồng, các ngân hàng VIB, TPB, VPB, VCB dự kiến tăng từ 37-40% trong năm 2018.
Thời cơ không thể tốt hơn
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá, kinh tế thế giới năm 2018 được nhiều chuyên gia dự báo tăng cao hơn năm 2017, với đầu tư toàn cầu tiếp tục đổ vào khối các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhờ vào những cải thiện về môi trường đầu tư, cải cách hành chính thời gian gần đây.
Việt Nam với cam kết hội nhập và một loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, thị trường, cũng như hệ thống ngân hàng. Sự cọ sát trong môi trường kinh doanh đa dạng là cơ hội để các ngân hàng trong nước cùng nâng cao năng lực cạnh tranh, mang đến nhiều dịch vụ tốt hơn cho thị trường.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, so với một vài năm trước đây, sức khỏe của lĩnh vực ngân hàng hiện nay đã được cải thiện rất nhiều và đang hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Điều này đã được nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế ghi nhận, thông qua việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam trong thời gian gần đây.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng, ổn định tỷ giá và lãi suất, giải quyết nợ xấu và triển khai kế hoạch tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng giai đoạn II.
Theo ông Nirukt Sapru, những thành tựu này đã giúp giảm thiểu nguy cơ bất ổn của thị trường, gia tăng tính cạnh tranh trong xuất khẩu của Việt Nam so với các nền kinh tế ASEAN khác, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xây dựng lòng tin của công chúng đối với năng lực quản lý và các chính sách của NHNN.
Quyết tâm của Chính phủ trong giải quyết nợ xấu cùng với nỗ lực của NHNN nhằm tăng cường truyền thông về những bước tiến trong lĩnh vực ngân hàng cũng đã giúp củng cố niềm tin của thị trường, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và của các nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ phát triển hệ thống ngân hàng ngày một vững mạnh, an toàn và hiệu quả hơn.
“Dù vẫn còn nhiều việc phải làm, song những bước tiến trong lĩnh vực ngân hàng rất đáng khích lệ và chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới”, ông Nirukt Sapru nói.