Chưa thống nhất khái niệm, Basel II vẫn quá... xa vời!

Chưa thống nhất khái niệm, Basel II vẫn quá... xa vời!

(ĐTCK) Hội thảo “Triển khai Hiệp ước Vốn Basel II - những bài học từ thực tiễn cho ngân hàng Việt Nam” diễn ra ở trụ sở EY Singapore vừa qua có sự tham dự của đại diện NHNN và nhiều NHTM Việt Nam. Các thành viên tham gia đặt nhiều câu hỏi hóc búa liên quan đến mô hình, các trọng số, cơ chế thông tin, kinh nghiệm triển khai…, nhưng cũng có không ít câu hỏi thuộc dạng “cơ bản”.

Đi từ cơ bản

Tổng giám đốc một NHTM nói: “Chúng ta cần phải nhìn vào thực tế, việc có những câu hỏi cơ bản không phải là cá biệt, bởi việc thực hiện Basel II được đề cập trong Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 và đã được phê duyệt tại Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng thực tế đến ngày 17/3/2014, NHNN mới có Công văn số 1601 về việc triển khai thực hiện quy định an toàn vốn theo Basel II gửi các TCTD.

Do vậy, trừ 10 NHTM được lựa chọn thực hiện theo phương pháp cơ bản của Basel II thì việc các ngân hàng còn lại, đặc biệt là các ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu hay vừa cơ cấu xong, trong chừng mực nào đó chưa nắm được Basel II là điều có thể chia sẻ được”.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, có lẽ đây cũng là một phần lý do khiến NHNN phối hợp với KPMG Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm triển khai Basel II tại NHTM và góc nhìn từ Ngân hàng Trung ương” ngày 26/8, với thành phần được mời chủ yếu là các ngân hàng không nằm trong nhóm được NHNN “chỉ định” thực hiện theo phương pháp cơ bản. Đặc biệt, phần trình bày tập trung vào những vấn đề cơ bản của Basel II.

Quyết tâm thực hiện

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo SHB cho biết, Ban lãnh đạo Ngân hàng nhận thấy, lợi ích lớn nhất của Basel II là ngân hàng sẽ chủ động áp dụng các biện pháp quản trị rủi ro và quản lý nguồn vốn kinh doanh một cách hiệu quả.

Trong khuôn khổ Basel 2, các công cụ và phương pháp quản lý, định giá rủi ro tiên tiến được triển khai, đảm bảo cho ngân hàng có hệ thống quản trị rủi ro tốt, giảm bớt được chi phí, yên tâm phát triển các mảng nghiệp vụ kinh doanh mới và hiệu quả hơn trong các quyết định phân bổ nguồn vốn kinh doanh.

Bổ sung lợi ích khi thực hiện Basel II, ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Techcombank nói: “Trong lĩnh vực tín dụng, các NHTM cần chuyển hướng tập trung vào đánh giá độ tín nhiệm của khách hàng, thay vì dựa chủ yếu vào tài sản đảm bảo.

Định giá rủi ro chính xác cũng giúp ngân hàng có thể áp dụng lãi suất thấp hơn cho các khách hàng tốt. Bên cạnh đó, một lợi ích không nhỏ khác là nhận thức của không chỉ cán bộ, nhân viên, mà ngay cả cổ đông về quản trị rủi ro cũng được nâng cao”.

Bà Bùi Thị Thanh Hương, Giám đốc Khối Tài chính TPBank chia sẻ: “Ban lãnh đạo, đặc biệt HĐQT TPBank rất quan tâm đến việc thực hiện quy định an toàn vốn theo chuẩn mực an toàn vốn mới của Ủy ban Basel II để nâng cao sự an toàn, lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, cạnh tranh của Ngân hàng”.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN, thực hiện Basel II tại thời điểm này, hệ thống ngân hàng Việt Nam có những thuận lợi như: sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các TCTD đối với công tác quản trị rủi ro đảm bảo an toàn nguồn vốn trước các cú sốc; kinh tế vĩ mô đi vào ổn định, nhiều TCTD đã vượt qua được khó khăn ngắn hạn, nâng cao được năng lực tài chính.

… nhưng không thể nóng vội

Tuy nhiên, để hiểu rõ ràng, đúng, đầy đủ nội dung Basel II là một thách thức lớn, chứ chưa nói đến việc triển khai như thế nào.

Tại Hội thảo, ông John Ditty, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, Campuchia nhận định: “Basel II không chỉ là việc thực hiện đảm bảo sự tuân thủ, mà đây là một chặng đường dài”.

“Chuẩn mực an toàn vốn mới của Basel II bằng tiếng Anh nên việc dịch sang tiếng Việt gặp không ít khó khăn bởi tính phức tạp, mới lạ của bản chất nghiệp vụ, nhiều trường hợp phải diễn giải rất dài mới thoát nghĩa. Hoặc chỉ đơn thuần là ngôn ngữ, ở đó nhiều thuật ngữ khó tìm được từ tương thích hoặc chưa có trong tiếng Việt.

Ví dụ, stress test có nơi dịch là kiểm tra khả năng chịu đựng, kiểm tra sức căng, nhưng cũng có nơi dịch là thử nghiệm khủng hoảng; back test dịch là hậu kiểm cũng không phải đã chính xác, bởi thật sự đó là việc kiểm tra lại các giả thiết ban đầu khi áp dụng các phương pháp tính toán”, ông Đinh Tuấn Hồng, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro thị trường và tác nghiệp BIDV nói.

Phó giám đốc Trung tâm Giám sát tín dụng của một ngân hàng TMCP cho rằng, Basel II là vấn đề ai cũng biết cần thiết phải làm, nhưng không phải cứ muốn là làm. Đơn giản như để triển khai cần nguồn nhân lực, vậy nhân lực chuyên về lĩnh vực này lấy ở đâu? Lấy nhân lực từ mảng khác về đào tạo thì đào tạo ở đâu? Kể cả có tiền cũng rất khó khăn mới thực hiện được Basel II nên không thể vội vàng.

Tin bài liên quan