Tính đến cuối tháng 9, Vietcombank có hơn 7.100 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 69% là nợ có khả năng mất vốn

Tính đến cuối tháng 9, Vietcombank có hơn 7.100 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 69% là nợ có khả năng mất vốn

Chưa hết băn khoăn với nợ xấu

(ĐTCK) Nợ xấu của ngành ngân hàng về 3% trước mục tiêu kỳ vọng hơn 1 quý. Song điều đáng lo là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) vẫn tăng mạnh, khiến khoản dự phòng rủi ro các nhà băng tăng theo, lợi nhuận giảm.

Tỷ lệ nợ xấu của 3 ngân hàng lớn là Vietinbank, Vietcombank, BIDV chỉ còn lần lượt 0,95%, 2%, 2,16%, giảm đáng kể so với đầu năm nay. Tại những ngân hàng TMCP quy mô nhỏ hơn, nợ xấu cũng sớm được kiểm soát về dưới mục tiêu, thậm chí thấp hơn nhiều so với mức 3%. Sacombank, ACB, Techcombank, MB, Eximbank có tỷ lệ nợ xấu lần lượt là 1,6%, 1,5%, 2,27%, 1,72% và 1,64%.

Nợ xấu của ngành ngân hàng được kiểm soát ở mức thấp, nhưng chưa thể vội mừng. Bởi lẽ, xét kỹ trong tổng nợ xấu của các nhà băng hiện có thì tỷ lệ nợ nhóm 5 đang chiếm phần lớn và tăng mạnh so với hồi đầu năm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015 của 3 NHTM có gốc quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, tổng nợ xấu trong 9 tháng đầu năm của 3 ngân hàng đã lên tới 23.825 tỷ đồng, tăng 11,2% so với thời điểm cuối năm 2014. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn một nửa: 13.254 tỷ đồng.

Mới đây, tại buổi tiếp ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã thành công trong việc giảm nợ xấu từ mức 17% xuống còn 3% và cơ bản xử lý xong các ngân hàng yếu kém.

Điều này cho thấy, nợ xấu đã được xử lý quyết liệt và giảm nhanh chóng, khi chỉ trong vòng 3 năm, nợ xấu đã chính thức giảm từ 17% (9/2012) về còn 3% (9/2015). Trong 3 năm, gần như tất cả các ngân hàng phải dồn toàn lực để xử lý nợ xấu và mục tiêu 3% từng được cho là một thách thức đến nay đã về đích.

Thử làm phép so sánh, nợ xấu của riêng 3 ngân hàng này đã gần bằng vốn điều lệ của 8 nhà băng: CBBank, VietBank, BaoVietBank, NCB, GPbank, NamABank, Saigonbank và VietABank.

Tổng số nợ xấu của Vietcombank đã tăng thêm 2.869 tỷ đồng sau 9 tháng, nhưng trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất với mức tăng 72% lên 5.631 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu.

Tính đến cuối tháng 9, Vietcombank có hơn 7.100 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 69% là nợ có khả năng mất vốn.

Còn BIDV, nợ xấu cuối tháng 9 là 2,16%, tăng nhẹ so với đầu năm, nhưng nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất, với mức tăng 72% lên 5.631 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu. Nguyên nhân có một phần do ngân hàng này nhận sáp nhập MHB.

Không chỉ với nhóm 3 ngân hàng trên, mà các ngân hàng TMCP cũng đang phải đối mặt với vấn nạn nợ nhóm 5 tăng mạnh, cho dù đã ra sức xử lý và bán nợ cho VAMC để kiểm soát nợ xấu về mức thấp nhất.

Đơn cử tại ACB, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,17% tại thời điểm đầu năm xuống còn 1,5% vào cuối tháng 9. Về con số tuyệt đối, ngân hàng này có tổng cộng gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu so với mức 2.500 tỷ đồng nợ xấu cuối 2014. Nhưng nợ có khả năng mất vốn vẫn chiếm áp đảo, với hơn 50%.

SHB lại đang đi ngược xu hướng nợ xấu giảm của các ngân hàng, khi nợ xấu tăng thêm 815 tỷ đồng, lên 2.921 tỷ đồng sau 3 quý đầu năm, chiếm 2,38% tổng dư nợ. Trong khi tại thời điểm đầu năm nay, tỷ lệ này chỉ ở mức 2,02%. Đồng thời, tỷ lệ nợ quá hạn của SHB cũng tăng từ 3,97% lên 4,32%.

Tại Eximbank, do đã mạnh tay trích dự phòng nên tỷ lệ nợ xấu của Eximbank giảm từ 2,46% hồi đầu năm xuống còn 1,64%. Tổng nợ xấu giảm 35% so với đầu năm, xuống còn 1.402 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh 44%, xuống còn 758 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9, tổng số nợ xấu Eximbank đã bán cho VAMC gần 6.374 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Tuy nhiên, số nợ xấu xử lý được vẫn thấp.

Lãnh đạo các nhà băng cho biết, mặc dù nợ xấu đã từng bước được đưa về mức thấp, song việc nợ xấu vẫn là vấn đề đáng ngại. Lý do là tỷ lệ nợ xấu chỉ mới giảm trên sổ sách, do trong 2 quý vừa qua, các nhà băng đẩy mạnh việc bán nợ xấu cho VAMC theo chỉ tiêu NHNN áp đầu năm., còn việc xử lý nợ xấu xem ra còn nhiều khó khăn.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, với chỉ tiêu xử lý nợ được đưa ra trong năm nay ở mức 1.500 - 2.000 tỷ đồng, nhưng 9 tháng đầu năm, ngân hàng mới giải quyết được phân nửa. Theo lý giải của vị phó tổng giám đốc trên, việc xử lý nợ xấu chưa thể như kỳ vọng là do khâu phát mãi tài sản bằng bất động sản rất nhiêu khê.

Các ngân hàng kỳ vọng, thị trường bất động sản hồi phục là điều kiện tốt để đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu trong những tháng cuối năm cũng như năm tới. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường đại học Mở TP. HCM, thị trường nhà đất vẫn chưa ấm lên thực sự. Trong khi đó, lượng nợ xấu VAMC “gom” về từ các NHTM đã lên đến 200.000 tỷ đồng.

Thông tư 14/2015 NHNN vừa ban hành được xem là lối ra cho vấn đề xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng trong năm tới, song theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng, cơ chế này tuy đã tháo gỡ một số vấn đề qua việc xử lý nợ của VAMC, nhưng vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu của thị trường. Bởi lẽ, việc mua – bán nợ xấu phải thực hiện trên cơ sở mua đứt bán đoạn thì quy định của Thông tư 14 hình như chưa đạt yêu cầu này.

Tin bài liên quan