Các ngân hàng ngoại tại Việt Nam gần như miễn nhiễm với những khó khăn kinh tế vừa qua - Ảnh: Hoài Nam

Các ngân hàng ngoại tại Việt Nam gần như miễn nhiễm với những khó khăn kinh tế vừa qua - Ảnh: Hoài Nam

Chưa có thay đổi mang tính chất đột phá trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam

(ĐTCK) Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, về cơ bản các ngân hàng ngoại vẫn tham gia vào hệ thống ngân hàng Việt Nam dưới góc độ là chi nhánh, ngân hàng con và/hoặc cổ đông chiến lược…

Nhiều khả năng thị phần của ngân hàng ngoại sẽ tăng lên bởi quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, xu thế hội nhập, đặc biệt là quá trình cải cách môi trường kinh doanh đang được đẩy mạnh, nhưng điều này chưa thể tạo ra sự thay đổi lớn, có tính chất đột biến hay đột phá trong bức tranh hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.

Cũng theo TS. Lực, thị phần về dư nợ và huy động vốn của khối này lâu nay vẫn chiếm khoảng 10-11% của hệ thống ngân hàng, có tăng lên nhưng không đáng kể. Có 4 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, môi trường hoạt động ở Việt Nam dưới đánh giá của các ngân hàng ngoại nói chung là vẫn còn nhiều tiềm ẩn rủi ro, vì vậy, họ hoạt động khá dè dặt, thận trọng.

Thứ hai, do sự thận trọng nên các ngân hàng ngoại tập trung chủ yếu vào đối tượng khách hàng rất cụ thể như: khách hàng có thu nhập cao, khách hàng có liên quan đến doanh nghiệp FDI hoặc một số tập đoàn, công ty lớn mà ngân hàng mẹ đang giao dịch, hoặc một số tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam.

Thứ ba, đa số các ngân hàng ngoại ở Việt Nam tập trung chủ yếu vào các sản phẩm bán buôn, tức là chủ yếu giao dịch cho vay với các ngân hàng, tập đoàn, công ty, doanh nghiệp; còn mảng bán lẻ, chỉ có một số ngân hàng con đang thực hiện như HSBC, Standard Chartered, Citibank...

Cuối cùng là, các ngân hàng trong nước cũng đã lớn mạnh khá nhanh, sức cạnh tranh tốt, nên ngân hàng nước ngoài cũng thấy được câu chuyện cạnh tranh ở Việt Nam là khốc liệt. Nhưng điều đáng nói là có những kiểu cạnh tranh ở Việt Nam chưa thực sự lành mạnh, mà theo chuẩn quốc tế những ngân hàng nước ngoài không thể thực hiện được. Đây chính là điểm khác biệt  khá quan trọng.

Chưa có thay đổi mang tính chất đột phá trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam ảnh 1

TS. Cấn Văn Lực

Ngoài các lý do trên, liệu có lý do là các ngân hàng ngoại chủ động lựa chọn một mô thức kinh doanh tại Việt Nam ở mức độ phù hợp, bởi chưa đến thời điểm để bùng nổ?

Tôi không cho là như vậy, bởi bao giờ các ngân hàng ngoại cũng lựa chọn một mô thức phù hợp, tính toán rồi xây dựng chiến lược kinh doanh rất thận trọng, đặc biệt trong môi trường còn nhiều rủi ro, nhiều thay đổi như Việt Nam. Các ngân hàng nước ngoài chủ yếu là ngân hàng toàn cầu, nên họ có cách thức hoạt động bài bản, xây dựng chiến lược đối ngoại rồi mới xác định các bước đi cụ thể.

Nhưng một điều cũng cần phải nói đến đó là quá trình mở cửa của Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng được đánh giá là ở mức độ dần dần, qua nhiều bước khác nhau. Ví dụ, Việt Nam không cho phép ngay lập tức mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nên đầu tiên phải là liên doanh, tiến tới mở văn phòng đại diện, sau rồi mới nâng cấp thành chi nhánh rồi nâng cấp lên thành ngân hàng con. Đây cũng là lộ trình mở cửa khá phổ biển ở các nước đang phát triển, trừ khi có những cam kết hội nhập sâu rộng (như AEC hay TPP sắp tới chẳng hạn).  

Có nhiều ngân hàng nước ngoài trước kia hoạt động rất rộng ở Việt Nam nhưng bây giờ đang thu hẹp lại. Quan điểm của ông về chuyện này?

Tôi cho rằng, có thể họ đã thay đổi về chiến lược, vì sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, cũng phải đánh giá lại, rà soát lại và có thể bắt đầu dịch chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác. Ví dụ như từ Việt Nam sang Campuchia hay sang Myanmar hay từ Trung Quốc sang Việt Nam… Tất nhiên, điều này không có nghĩa là cắt tất cả hoạt động mà cắt một phần, và đây là một cách để ngân hàng nước ngoài tái cơ cấu lại hoạt động đầu tư.

Ở một góc độ khác, công cuộc tái cấu trúc của hệ thống ngân hàng nội dường như đang tạo cơ hội phát triển cho khối ngoại. Ông dự báo thế nào về tương lai của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam, trong trung hạn 5 năm chẳng hạn?

Ngân hàng ngoại có nhiều cơ hội hơn, nhưng phải nói lại rằng, một số ngân hàng trong nước bị yếu đi trong khủng hoảng, chứ không phải do tái cấu trúc, và phải tăng trưởng chậm thậm chí không tăng trưởng trong quá trình tái cơ cấu sau khủng hoảng.

Đây chính xác là cơ hội để ngân hàng ngoại tăng khả năng mở rộng thị phần, song song với đó là cơ hội để mua bán, sáp nhập. Đặc biệt, room sở hữu dành cho ngân hàng nước ngoài cũng đã được nới một phần và trước xu thế hội nhập, Việt Nam cũng đã cam kết mở cửa, nên lĩnh vực tài chính-ngân hàng cũng được rộng mở hơn.

Nếu đưa một dự báo trong tương lai trung hạn (khoảng 5 năm nữa), tôi cho rằng các ngân hàng ngoại vẫn tham gia vào hệ thống ngân hàng Việt Nam với mức độ như hiện nay, nhưng có thể sẽ tăng phần sở hữu hoặc tăng cường vai trò cổ đông chiến lược.

Có khả năng ngân hàng ngoại mạnh dạn mua lại 1-2 ngân hàng Việt Nam và một thời gian sau nếu như ngân hàng được mua lại hoạt động có hiệu quả thì ngân hàng ngoại sẽ lại thoái vốn, bán đi.

Nhiều khả năng, thị phần của ngân hàng ngoại sẽ tăng lên trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam và xu thế hội nhập. Bên cạnh đó, môi trường hoạt động cũng đang được cải tiến cải thiện hơn, đặc biệt khi Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Nhưng những sự thay đổi trên, dù lớn nhưng không phải là thay đổi mang tính chất đột biến hay đột phá.

Về lý thuyết, khối ngoại mà cụ thể là các ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam được đối xử bình đẳng như ngân hàng nội. Nhưng trong thực tiễn, liệu có hàng rào kỹ thuật nào với khối này hay không, thưa ông?

Ngân hàng nước ngoài 100% vốn tại Việt Nam đã được đối xử như ngân hàng trong nước và không bị khống chế bởi hàng rào kỹ thuật nào cả. Tất nhiên, đôi khi do cách hiểu khác nhau, nên có những điểm được coi là hàng rào kỹ thuật. Theo đó, các văn bản hướng dẫn dưới luật cần rất cụ thể, nhất quán và rõ ràng.

Ông đánh giá thế nào về xu hướng ít dần các đối tác chiến lược ngoại tại ngân hàng nội, thậm chí một số đối tác muốn rút đi?

Như trên tôi đã chia sẻ, về cơ bản, ngân hàng ngoại đã có sự thay đổi chiến lược hoạt động và cũng có thể là các ngân hàng nước ngoài đánh giá tiềm năng phát triển của họ không phải là lớn với vị trí là cổ đông chiến lược của ngân hàng nội.

Cũng không loại trừ khả năng các ngân hàng nước ngoài dự báo ngân hàng đó thuộc đối tượng sáp nhập, tái cơ cấu hoặc kinh doanh không tốt, nên họ sẽ chủ động rút trước. Họ rút cũng có thể chờ cơ hội tốt hơn.

Theo ông, vấn đề gì của ngân hàng ngoại mà các ngân hàng nội cần  lưu ý?

Chiến lược hoạt động của ngân hàng ngoại chừng mực, thận trọng hơn các ngân hàng trong nước, nên nợ xấu của họ rất thấp. Những khoản rủi ro lớn hay những cái gọi là khó khăn về thanh khoản, thua lỗ nặng hoặc kiện tụng pháp lý đối với các ngân hàng đó hầu như rất  ít khi xảy ra, đây là những điều mà ngân hàng trong nước phải học hỏi.

Bên cạnh đó, không thể bỏ qua là hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, hệ thống kiểm soát quản lý rủi ro khá tốt là điều mà các ngân hàng Việt Nam hiện vừa thiếu, vừa yếu.

Cuối cùng, cách thức kinh doanh bài bản, thể hiện ở việc xây dựng chiến lược hoạt động với bước đi cụ thể, cũng như đánh giá, rà soát hàng năm là những điều ngân hàng nội nên làm.

Tin bài liên quan