Ước tính, số vàng Việt Nam nhập khẩu theo nhiều kênh qua các năm lên tới 1.000 tấn

Ước tính, số vàng Việt Nam nhập khẩu theo nhiều kênh qua các năm lên tới 1.000 tấn

Chống vàng hóa, USD hóa: Cần chiến lược dài hơi

(ĐTCK) Theo ước tính của Hội đồng Vàng thế giới, số vàng Việt Nam nhập khẩu theo nhiều kênh qua các năm lên tới 1.000 tấn. Còn theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ước tính số vàng trong nền kinh tế đến thời điểm này vào khoảng 250-400 tấn.

Tình trạng vàng hóa đã giảm

Kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, người dân và các nhà đầu tư tìm đến vàng như một loại tài sản an toàn để nắm giữ. Trước đây, việc quản lý vàng miếng là hàng hóa thông thường khiến mỗi khi giá vàng nội - giá vàng ngoại chênh lệch chỉ cần đến 400.000 đồng/lượng đã khiến giới đầu cơ đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập lậu vàng.

Để có ngoại tệ nhập khẩu lậu, những kẻ đầu cơ đã vơ vét một lượng ngoại tệ lớn trên thị trường chợ đen, tạo áp lực lên giá USD trên thị trường chính thức. Chính vì hiện tượng này mà có một số thời điểm của những năm trước, giá vàng trong nước tăng mạnh so với giá thế giới đã đẩy tỷ giá trên thị trường tự do tăng cao.

Tỷ giá biến động mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động nhập khẩu làm giá hàng nhập khẩu tăng, gây áp lực lạm phát, cũng như việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Vì vậy, chủ trương chống vàng hóa, đô-la hóa nền kinh tế liên tục được đẩy mạnh và bước đầu đạt được kết quả. Tuy nhiên, về lâu dài, cần biện pháp giải quyết căn cơ, thay vì đối phó tình thế.

 Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB)

Trên thực tế, nếu lấy con số trung bình 300 tấn vàng theo ước đoán của NHNN quy đổi ra ngoại tệ thì nền kinh tế đang bị chôn chặt 15 tỷ USD không thể đưa vào lưu thông. Như vậy, việc nắm giữ vàng vật chất không có ý nghĩa đối với quốc kế dân sinh.

Trước những hệ lụy từ nhu cầu mua vàng để tích trữ, đầu cơ, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu là không để vàng ảnh hưởng tới tỷ giá, từ đó không tác động tới kinh tế vĩ mô; tác động để vàng trở nên kém hấp dẫn, chuyển đổi vàng thành vốn đầu tư đưa vào sản xuất - kinh doanh, đồng thời chặn đứng việc dùng vàng như phương tiện thanh toán.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành thay thế cho Nghị định 174/1999/NĐ-CP và lần đầu tiên chúng ta có một nghị định quy định đầy đủ, cụ thể cho mọi hình thức kinh doanh vàng trên thị trường. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kể cả vàng SJC, đều không được dập vàng miếng, mà Nhà nước thông qua NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, không thể phủ nhận Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã mang lại những kết quả tích cực, song trong bối cảnh kinh tế vĩ mô - tiền tệ trong nước và thị trường vàng quốc tế diễn biến ngày càng khó lường, việc quản lý thị trường vàng trong nước trong giai đoạn tới cần phải tập trung vào mục tiêu ổn định bền vững thị trường vàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, loại bỏ tác động của giá vàng đến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối và ổn định vĩ mô. Vì vậy, tháng 12/2017, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được NHNN lấy ý kiến rộng rãi.

Một trong những nội dung Dự thảo được đặc biệt quan tâm là tại Khoản 3, Điều 4 được sửa đổi, bổ sung: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản”.

Quy định này được đưa ra nhằm đảm bảo lợi ích chung cho nền kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, vàng tài khoản vốn là vàng phi vật chất, nếu cho phép doanh nghiệp và người dân kinh doanh sẽ dễ dẫn tới hiện tượng dựa trên các chỉ số để “lướt sóng”, tạo ra giá trị ảo...

 Với một nền kinh tế mở, nhu cầu ngoại tệ luôn tồn tại ở mức cao

Một số nội dung quan trọng khác, đó là đối với việc cấp, điều chỉnh giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, theo quan điểm của NHNN, thị trường vàng đã có chuyển biến tích cực, vàng miếng không còn hấp dẫn như trước, doanh số giao dịch mua, bán vàng miếng của toàn hệ thống giảm, sức mua vàng trong dân tiếp tục giảm.

Với diễn biến tương đối thuận lợi này, việc giảm thiểu các quy định về hồ sơ, thủ tục điều chỉnh giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là hợp lý nhằm giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, xã hội, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép, chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng và không quy định việc điều chỉnh địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng cần xin ý kiến của NHNN.

Có thể hiểu rằng, một trong những lý do chính để NHNN sửa đổi Nghị định 24/2012 /NĐ-CP theo hướng nới lỏng điều kiện kinh doanh vàng là do vàng miếng không còn “nóng” như trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có nỗi lo, đó là khi thị trường vàng sốt trở lại thì NHNN sẽ ra quy định gì để khắc chế? Và khi đó, cái khó cho doanh nghiệp là họ không biết phải xoay trở thế nào đối với những quy định mới này.

Thêm nữa, Dự thảo cũng quy định đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng của doanh nghiệp cần thêm xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong 2 năm liền kề trước đó và báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 2 năm liền kề trước đó. Quy định này làm khó các doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực kinh doanh vàng.

Hiện vàng không còn “nóng” trước sự hồi phục của chứng khoán và đồng đô-la tăng giá, song vẫn khó thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng “nội” và “ngoại”. Có thể nói, tình trạng chống vàng hóa bước đầu đạt được kết quả, song cần giải pháp dài hơi hơn là độc quyền.

Đô-la hóa nền kinh tế: Không thể chủ quan

Cùng với Nghị định 24/2012/NĐ-CP, để chống tình trạng đô-la hóa, vàng hóa, Chính phủ đã ban hành hành Nghị định 95/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 202/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Mức xử phạt cao đối với những vi phạm về kinh doanh vàng, ngoại tệ, cùng việc tăng cường công tác thanh tra, đặc biệt là tịch thu tang vật vàng nhập lậu, đã từng bước thiết lập lại trật tự trên thị trường ngoại hối.

Việc hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế được thực hiện qua 3 bước: lập lại khuôn khổ pháp lý cho thị trường vàng; chấm dứt việc huy động, cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD) và chuyển đổi toàn bộ quan hệ huy động - cho vay bằng vàng sang quan hệ mua - bán vàng. Bằng việc quyết định chấm dứt hoạt động huy động vàng của các TCTD, nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô lớn đã được giải quyết, đồng thời rủi ro đối với người dân và TCTD cho vay vàng sẽ được loại bỏ.

Như vậy, có thể nói, 2 nghị định trên ra đời đã tạo “chốt chặn” quan trọng, chặn đứng hoạt động nhập lậu vàng, hạn chế đáng kể tác động của nhu cầu mua vàng lên tỷ giá, tránh “chảy máu” ngoại tệ của đất nước. Đặc biệt, với vai trò chủ chốt và đầu mối, những năm qua, nhất là từ năm 2015 đến nay, NHNN đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm chống đô-la hóa trong nền kinh tế bằng các văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, NHNN ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ trong nước giữa các TCTD được phép hoạt động ngoại hối với nhau và giữa TCTD được phép hoạt động ngoại hối với khách hàng, trong đó khuyến khích các ngân hàng thương mại sử dụng công cụ phái sinh kỳ hạn trong giao dịch với khách hàng.

Ngày 17/12/2015, NHNN ban hành Quyết định 2589/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thay thế Quyết định 1938/QĐ-NHNN ban hành ngày 25/9/2015. Theo đó, mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân đều là 0%/năm. Ngoài ra, các giao dịch, niêm yết giá trong nước bằng ngoại tệ đều bị nghiêm cấm để chuyển sang niêm yết bằng VND…

Với chủ trương và các biện pháp quyết liệt như vậy, vài năm trở lại đây, tính hấp dẫn của ngoại tệ, đặc biệt là USD, đã giảm xuống. Tín dụng bằng ngoại tệ cũng giảm, kéo theo hiện tượng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ giảm đáng kể, đồng thời góp phần giúp cho vị thế của tiền đồng, niềm tin vào tiền đồng được nâng lên.

Có thể nói, với chủ trương chống vàng hóa và đô-la hóa nền kinh tế, thời gian qua, Chính phủ và NHNN đưa ra các biện pháp quản lý thị trường và bước đầu đạt được hiệu quả. Dù vậy, cần có giải pháp dài hơi hơn là các biện pháp đối phó trong ngắn hạn, nhất là đối với tình trạng đô-la hóa nền kinh tế vẫn đang đứng trước áp lực khi lãi suất đồng đô-la Mỹ tiếp tục tăng.

Thực tế, động thái liên tục tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong 2 năm trở lại đây và thông điệp tăng không dưới 3 lần trong năm nay đã tạo áp lực không nhỏ lên tỷ giá tiền đồng và tình trạng đô-la hóa nền kinh tế.

Có ý kiến cho rằng, nên tái tăng lãi suất huy động tiền gửi bằng ngoại tệ để tránh việc nguồn ngoại tệ bị chảy ngược, bởi việc đưa lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm không hẳn là biện pháp tối ưu, khó tránh tình trạng ngân hàng đưa USD gửi ở ngân hàng nước ngoài để hưởng lãi suất tiền gửi cao hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản đối đề xuất này, bởi việc tăng lãi suất huy động USD vào thời điểm này có thể gây hỗn loạn thị trường, khó khăn cho công tác điều hành tiền tệ.

Một điều khá rõ ràng là trong nền kinh tế hiện nay, người dân vẫn đang cầm một lượng USD khá lớn, mặc dù tỷ lệ tiền gửi USD/tổng tiền gửi đã giảm đáng kể, lãi suất huy động tiết kiệm USD chỉ 0%/năm. Vậy làm sao có thể tận dụng khối lượng USD này một cách hiệu quả nhất, trong khi vẫn phải gắn với đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, để người dân thay vì tìm “hầm trú ẩn” là vàng, USD thì tự mình chuyển hoá sang đầu tư kinh doanh?

Để được như vậy, phải cho người dân thấy được môi trường kinh doanh đang tốt lên, tương lai cũng có cơ hội phát triển tốt, giữ VND có lợi hơn USD và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng. Với một nền kinh tế mở, nhu cầu ngoại tệ luôn tồn tại. Hơn nữa, vàng có thể tái huy động từ nguồn lực lớn đang nằm trong dân chưa thể khai thác hết.

Tin bài liên quan